Đây là một diễn biến hiếm hoi trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng trong khu vực.
Nhóm tác chiến này bao gồm cả tàu sân bay HMS Queen Elizabeth. Nhóm sẽ tập trận chung với quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tại các khu vực bao gồm ngoài khơi quần đảo Nansei ở tây nam Nhật Bản trong chuyến đi này, các nguồn tin cho biết.
Tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (giữa) sẽ đến vùng biển Nhật Bản vào đầu năm 2021. Ảnh: Hải quân Anh. |
Việc một quốc gia không nằm trong khu vực cho tàu sân bay hoạt động ở Tây Thái Bình Dương là một điều bất thường (trừ Mỹ), Nikkei Asia nhận định.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh các nước lo ngại về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở biển Hoa Đông và Biển Đông, cùng với cách nước này xử lý những người biểu tình ở Hong Kong. Hành động của Anh có thể gây ra làn sóng phản đối kịch liệt từ Bắc Kinh.
Theo nguồn tin, hải quân Anh cũng có kế hoạch tiến hành bảo dưỡng máy bay chiến đấu tàng hình F-35B của tàu sân bay tại tổ hợp hàng không vũ trụ Mitsubishi Heavy Industries Ltd. ở tỉnh Aichi, miền Trung Nhật Bản.
Năm ngoái, Anh tuyên bố sẽ cử nhóm tác chiến tàu sân bay đến Thái Bình Dương. Từ đó, Anh cho biết đã đàm phán với Nhật Bản và các nước liên quan khác.
Trong phiên họp quốc hội trực tuyến của Anh vào tháng 11, Thủ tướng Boris Johnson cũng nhắc lại điều này.
“Năm tới, tàu sân bay HMS Queen Elizabeth sẽ chở một nhóm đặc nhiệm của Anh và các nước đồng minh đi thực hiện nhiệm vụ tham vọng nhất của chúng tôi trong hai thập kỷ qua: đi tới vùng Địa Trung Hải, Ấn Độ Dương và Đông Á”, ông Johnson phát biểu.
Tàu sân bay Queen Elizabeth được đưa vào hoạt động năm 2017 là "con tàu lớn nhất và mạnh nhất từng được đóng" cho hải quân Anh. Tàu này nặng 65.000 tấn và dài 280 m, theo hải quân.