Hoàng tử Harry trong buổi tang lễ của Hoàng tử Philip năm 2021. Ảnh: Reuters. |
Sinh ngày 15/9/1984, tôi được đặt tên thánh là Henry Charles Albert David xứ Wales. Nhưng ngay từ đầu mọi người đều đã gọi tôi là Harry.
Ở chính giữa phòng khách lớn trong cung điện Balmoral nơi tôi sống là một cầu thang lớn. Cái cầu thang ấy được quét dọn sạch sẽ, gây ấn tượng mạnh mẽ, mà chả mấy khi dùng tới. Mỗi khi Bà tôi lên phòng ngủ ở tầng hai, cùng với lũ chó Corgi quấn quanh chân bà, thì bà thích dùng thang máy hơn.
Lũ chó Corgi kia cũng thế.
Ở gần thang máy của Bà Nội, băng qua một cánh cửa đỏ sẫm và xuôi theo một sàn nhà kẻ ô xanh, có một cầu thang bộ nhỏ với rào chắn sắt nặng nề dẫn tới tầng hai, nơi đặt tượng Nữ hoàng Victoria. Mỗi khi đi ngang qua, tôi đều cúi đầu chào bức tượng. Thưa Nữ hoàng! Willy (Thái tử William) cũng làm vậy. Chúng tôi được dạy phải làm thế, nhưng dù không được bảo thì tôi cũng làm.
Tôi thấy "Người bà của châu Âu" ấy rất oai phong, không chỉ vì Bà Nội tôi yêu mến bà ấy, cũng không phải vì Cha từng muốn đặt tên tôi theo tên chồng bà (nhưng sau đó bị Mẹ ngăn cản). Nữ hoàng Victoria biết về tình yêu vĩ đại, về hạnh phúc tột cùng - nhưng cuộc đời bà ấy thì toàn là bi kịch.
Cha của bà, Hoàng tử Edward - Công tức xứ Kent và Strathearn, lại còn là một người ác dâm, cảm thấy bị kích thích mỗi khi thấy cảnh người lính bị đánh bằng roi da, còn chồng bà là Albert thì bị chết ngay trước mắt bà. Hơn thế nữa, trong suốt thời gian trị vì dài và cô đơn, bà còn bị bắn những tám lần, bởi bảy nghi phạm khác nhau.
Nhưng không viên đạn nào trúng bà. Không gì có thể quật ngã được Nữ hoàng Victoria.
Đường đi phía sau lưng bức tượng Victoria thì thật rối rắm. Các cánh cửa đều giống hệt nhau, rồi phòng này nối tiếp phòng kia. Vì vậy bạn sẽ rất dễ bị lạc. Nếu mở nhầm cửa, không chừng bạn sẽ va phải Cha tôi trong lúc người hầu riêng đang giúp ông mặc lễ phục. Tệ hơn nữa là, bạn có thể va phải cha đang tập tư thế trồng cây chuối. Bác sĩ của Cha tôi bảo rằng, chỉ những bài tập này mới có thể giúp điều trị chứng đau vai gáy kinh niên của Cha được. Chủ yếu là do chấn thương lúc chơi polo thôi.
Mỗi ngày Cha sẽ tập tư thế này, mặc quần đùi, dựa vào cánh cửa hoặc treo mình lên trên một thanh ngang như thể diễn viên xiếc. Nếu bạn đặt một ngón tay lên nắm đấm cửa, bạn sẽ nghe thấy tiếng Cha nài nỉ từ phía trong: Không! Không! Đừng có mở, trời ơi đừng có mở!.
Balmoral có tổng cộng năm mươi phòng ngủ, trong đó có một phòng được dành riêng cho tôi và anh Willy. Người lớn gọi phòng đó là "phòng trẻ". Anh Willy được chiếm nửa phòng lớn hơn, có giường đôi, một cái bồn rửa to, một cái tủ có lắp cửa gương, cửa sổ đẹp nhìn xuống sân và thấy được đài phun nước, thấy được bức tượng đồng hình con hươu.
Nửa phòng nhỏ còn lại là của tôi, kém hoành tráng hơn một chút. Tôi chẳng bao giờ hỏi tại sao. Tôi không quan tâm. Nhưng tôi cũng chẳng cần hỏi. Anh Willy lớn hơn tôi hai tuổi, anh là Người thừa kế, còn tôi chỉ là Kẻ dự bị.
Đây không chỉ là cách báo chí vẫn gọi anh em tôi - mặc dù đúng là như vậy thật đấy. Đấy còn là cách gọi tắt mà Cha, Mẹ, Ông nội và thậm chí cả Bà nội vẫn gọi. Người thừa kế và Kẻ dự bị - thực ra chẳng hề có định kiến nào, mà cũng không có gì nhập nhằng ở đây. Tôi vẫn luôn là cái bóng, là phần hỗ trợ, là phương án B. Tôi được sinh ra trên đời này để phòng trường hợp xấu xảy ra với anh Willy. Tôi được triệu hồi để mang tới dự phòng, sự đánh lạc hướng và thậm chí là để thay "phụ tùng" nếu cần. Có khi là một quả thận. Rồi thì truyền máu. Rồi hiến tủy xương chẳng hạn. Điều này đã luôn được truyền đạt rõ ràng tới tôi ngay từ khi còn nhỏ và vẫn được nhắc tới mỗi ngày.
Lúc tôi hai mươi tuổi, lần đầu tôi được nghe kể câu chuyện về những gì mà người ta đồn là Cha từng nói với Mẹ lúc mẹ sinh ra tôi: Tuyệt thật! Giờ thì em đã sinh cho anh cả Người thừa kế lẫn Người dự bị - thế là nghĩa vụ của anh đã hoàn thành! Có lẽ là câu đùa thôi. Nhưng mặt khác, chỉ vài phút sau khi truyền tải câu đùa hóm hỉnh này, người ta cũng kể là Cha đã đi ra ngoài gặp gỡ bạn gái. Thế đấy! Nhiều khi những lời nói thật được người ta thốt ra trong cơn phấn khích.