Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Anh hùng của lòng dân

Sách "Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân" kể về sự ra đời và quá trình chiến đấu của tiểu đoàn bộ đội đặc công trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Khẩu pháo 155mm - Chiến lợi phẩm do Tiểu đoàn 59 chủ lực cơ động Liên khu V thu được ngày 21/01/1953 trong trận đánh tiêu diệt cứ điểm Thượng An - lô cốt Đầu Đèo tại An Khê, Gia Lai, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Ảnh: Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân

Ngày 23/9/1945, thực dân Pháp, với sự giúp đỡ của quân đội Anh, đã tiến công Sài Gòn, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai.

Với nước đi này, thực dân Pháp muốn nhanh chóng dùng lực lượng quân sự sẵn có để đánh chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, làm bàn đạp đánh chiếm toàn bộ Việt Nam ta.

Theo Chỉ thị “Toàn dân kháng chiến” của Trung ương Đảng (ngày 12/12/1946) và “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 19/12/1946), cả nước bước vào cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ và tự lực cánh sinh, với mục tiêu đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược, giành độc lập tự do.

Tại chiến trường Nam Trung Bộ, trước yêu cầu nhiệm vụ của cách mạng, Tiểu đoàn 59 đã được thành lập tháng 6/1950, hoạt động độc lập trên địa bàn Quảng Nam - Đà Nẵng; đến tháng 11/1951, Tiểu đoàn được sáp nhập đội hình của Trung đoàn 803 chủ lực cơ động Liên khu V.

Trải qua những năm tháng chiến đấu và xây dựng, từ khi còn là các đơn vị chiến đấu biệt động tác chiến độc lập ở vùng địch hậu đến lúc trưởng thành chiến đấu trong Trung đoàn chủ lực, Tiểu đoàn 59 đã tham gia nhiều đợt hoạt động, chiến dịch lớn trên địa bàn các tỉnh Liên khu V và liên tiếp lập nhiều chiến công vang dội.

chien tranh chong Phap anh 1

Bìa sách Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân. Ảnh: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật.

Phần lời giới thiệu ở đầu sách in bài viết của Trung tướng Nguyễn Đôn (1918 - 2016), nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tư lệnh Quân khu 5: "Tiểu đoàn đã tiêu diệt hàng chục tháp canh, lô cốt, 11 đồn kiên cố, hàng chục trận chống càn quét lớn của địch, loại khỏi vòng chiến đấu trên 2.000 tên địch, thu hàng nghìn súng lớn nhỏ trên các chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, trong đó có các trận đánh xuất sắc đạt hiệu suất cao như: trận tiêu diệt Đồn Nhất trên đỉnh đèo Hải Vân bắt sống tên quan hai Pháp đồn trưởng; trận bôn tập 12 km diệt đồn Kon Rẫy ở Kon Tum; trận cường kích tiêu diệt đồn Thượng An - lô cốt Đầu Đèo ở An Khê thu khẩu pháo 155mm lớn nhất trên chiến trường miền Nam; trận phối hợp diệt đồn và tập kích Binh đoàn cơ động 100 (GM100) ở Plei Ring, tiêu diệt hơn 800 tên lính Âu - Phi. Tiểu đoàn còn phối hợp chặt chẽ với bộ đội địa phương đánh bại các cuộc hành quân càn quét lớn của địch ở Điện Hòa (Quảng Nam), chiến khu Đá Bàn (Khánh Hòa) diệt 400 tên lính Âu - Phi. Những thành tích khá toàn diện trên của Tiểu đoàn đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp".

Từ trong quá trình học tập, rèn luyện, sinh hoạt và chiến đấu, Tiểu đoàn 59 đã có nhiều tấm gương điển hình của cán bộ, chiến sĩ được trân trọng và học tập như: Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu, Chính trị viên Phạm Đạo, Tiểu đoàn phó Trần Ngọc Anh, gương hy sinh anh dũng của các đồng chí Trần Xưng, Nguyễn Bá Dương, Nguyễn Lớn...

Chiến công của Tiểu đoàn 59 đã góp phần cùng nhân dân cả nước kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

chien tranh chong Phap anh 2

Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 59 chụp ảnh lưu niệm nhân Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803 Liên khu V (tháng 6/2000). Ảnh: Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân.

Cuốn sách Tiểu đoàn 59 - Anh hùng của lòng dân là một nguồn sử liệu chính thống về những con người tại một thời điểm lịch sử. Từng trang sách như những thước phim tài liệu, phục dựng lại quá trình hình thành, phát triển của một tiểu đoàn bộ đội đặc công đã chiến đấu anh hùng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Sách được viết lại qua sự ghi chép cẩn thận, những hồi ức, lời kể đầy xúc động của các cựu chiến binh Tiểu đoàn 59, đồng thời là sự gửi gắm tình cảm, sự tôn kính của lớp lớp con cháu dành cho thế hệ ông cha; từ đó góp phần giáo dục lịch sử và truyền thống yêu nước cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

“Tiểu đoàn được sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Tiểu đoàn đã đánh và đánh thắng hàng trăm trận, có những chiến công đã đi vào lịch sử quân sự Việt Nam và lịch sử đảng bộ các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên… Tôi tự hào được sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống cách mạng và là con trai út của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 59 can trường ấy - ông Nguyễn Lựu. Tôi sinh ra trong những năm tháng chiến tranh ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, được cha đặt tên và gửi gắm trong đó khát vọng ‘Hòa Bình’ cho đất nước, quê hương”, trích lời ông Nguyễn Hòa Bình - Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Văn nghệ sĩ thời chống Pháp qua ống kính Trần Văn Lưu

Sách ảnh "Văn nghệ và kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu" bao gồm gần 200 bức ảnh, tư liệu về các gương mặt văn nghệ sĩ và đời sống văn nghệ trong kháng chiến chống Pháp.

Công tác địch vận trong kháng chiến chống Pháp

Trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1945 đến 1954, công tác địch vận là một trong những hoạt động đặc biệt, có vai trò quan trọng đối với cách mạng.

Minh Hùng

Bạn có thể quan tâm