Trong cuốn Đề Thám - Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp (nguyên tác tiếng Pháp là Le Dê Thám (1858-1913) - Un résistant vietnamien à la colonisation francaise, do NXB L‘Harmattan, Paris xuất bản năm 2007) nhà nghiên cứu Claude Gendre, người có ông nội từng là lính Pháp đối địch với Đề Thám những năm đầu thế kỷ 20 tại Yên Thế, đã tìm hiểu tường tận về cuộc đời và cuộc chiến đấu của vị thủ lĩnh chống Pháp nổi tiếng này.
Dù là một kĩ sư cơ khí, nhưng Gendre cũng lấy thêm bằng thạc sĩ văn chương và đam mê lĩnh vực lịch sử, nhất là lịch sử liên quan đến người Pháp ở Đông Dương. Ông cảm thấy say mê với nhân vật lịch sử Đề Thám - người mà ông nội ông đã đối đầu, và viên tướng Pháp Geil đã đánh giá trong báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ Chiến tranh và Bộ Thuộc địa Pháp vào năm 1909 rằng “Đây là kẻ thù dai dẳng nhất mà người Pháp từng biết đến kể từ khi thực hiện cuộc xâm lược”. Từ đó, ba cuốn sách về cuộc chiến ở Việt Nam, về Đề Thám và con gái ông đã được Gendre liên tiếp cho ra mắt.
Theo các tài liệu tác giả nghiên cứu được, trong đó trích nhiều sách của Việt Nam, thì Đề Thám sinh năm 1846, là con ông Trương Văn Thận, có tên ban đầu là Trương Văn Nghĩa. Do ông Thận tham gia cuộc nổi dậy có vũ trang chống triều đình nhà Nguyễn, nên đã giấu con mình ở Lãng Chũng, xã Ngọc Nham, tổng Ngọc Cục, huyện Yên Dũng, nay là xã Ngọc Thiện, Tân Yên, Bắc Giang. Để che giấu gốc tích, cậu bé Nghĩa được gọi bằng cái tên là Giai Thiêm.
Cuốn Đề Thám – Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp là một tiểu sử khá đầy đủ của vị thủ lĩnh chống Pháp, do người Pháp viết. |
Dù là dân ngụ cư, không có tên trong sổ đinh, nhưng Giai Thiêm được viên cai tổng là Bá Phức bảo trợ, nhận cậu làm thuê và còn cưới cho cậu một cô gái người làng Ngọc Cục là Thị Tảo, người sinh ra Cả Trọng, một thủ lĩnh quan trọng dưới trướng của Đề Thám trong cuộc khởi nghĩa sau này.
Gendre cho rằng, Bá Phức sau một lần cùng thủ hạ đuổi đánh một bọn gây sự đốt nhà tại Nhã Nam, đã trở thành thủ lĩnh của cả Yên Thế và đưa Giai Thiêm vào sự nghiệp cướp bóc.
Tuy nhiên, chiến công đầu tiên của Giai Thiêm lại là một cuộc tấn công chống Pháp, diễn ra tháng 9 năm Hàm Nghi thứ nhất, tức năm 1885. Ở tuổi 38, ông đã đột nhập vào địa hạt quân sự của Dục Lâm và lấy được ba khẩu súng. Không lâu sau đó, ông chui thành công qua hàng rào tre bao quanh làng Sào và lấy trộm thêm hai khẩu súng nữa, để lập nhóm của riêng mình rồi lấy tên là Dương, và được thủ hạ gọi là Đề Dương.
Đầu tiên, Đề Dương đấu tranh chống Pháp dưới quyền của Đề đốc quân thứ Bắc Ninh Trần Xuân Soạn, sau đó là dưới trướng của Bá Phức, trước khi đầu quân cho đại thủ lĩnh nổi dậy là Cai Kinh, tên thật là Hoàng Đình Kinh.
Cai Kinh nhanh chóng nhận ra phẩm chất chiến đấu của người thanh niên và giao cho anh chức Đốc binh, sau đó nhận làm con nuôi khiến anh đổi sang họ Hoàng, đặt tên là Thám, với tên đệm là Hoa. Cái tên Hoàng Hoa Thám ra đời như vậy. Với cương vị thủ lĩnh, bạn bè, thủ hạ từ đó gọi ông là Ông Hoàng.
Sau khi Cai Kinh chết năm 1888, Hoàng Hoa Thám được Bá Phức nhận làm con nuôi và trở thành phó thứ nhất của ông này, được phong chức Đề đốc, từ đó, cái tên Đề Thám ra đời. Và từ năm 1890, Đề Thám liên tục chiến đấu quanh khu vực Bắc Ninh – Phủ Lạng Thương, liên tục phục kích và đánh úp các đội quân đồn trú thực dân. Nhiều lần bị đối phương với quân số áp đảo bao vây, ông đều thoát được và trốn về nơi đã cưu mang mình.
Cuốn sách của Claude đã đi suốt cuộc chiến đấu trường kỳ của Đề Thám, những lần giả hàng, giả chết và các mưu mẹo khác của ông, cùng những chiến công của các nghĩa quân trước đội quân viễn chinh hùng hậu của Pháp. Khép lại hơn 350 trang sách là cái chết bi tráng của vị thủ lĩnh, khi bị nhóm tàn quân cướp người Tàu được người Pháp mua chuộc, giả xin theo Đề Thám rồi sát hại ông vào rạng sáng ngày 10/2/1912.
Cuốn Đề Thám - Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp vừa được NXB Hà Nội cho ra mắt độc giả trong tháng 3/2020, theo bản dịch của Phạm Thị Thủy Triều và Dương Thị Thủy.
Trong lời tựa cuốn sách, nhà sử học Charles Fourniau (1921-2010), đã đánh giá: "Tác giả đã cho chúng ta thấy chân dung một con người phi thường, và làm sáng tỏ những giai đoạn khác nhau của lịch sử dân tộc Việt Nam".