Trước khi giữ chức Cục trưởng Thông tin đối ngoại của Bộ Thông tin- Truyền thông, nhà báo Đoàn Công Huynh đã được nhiều người biết tới với bút danh Đoàn Công Lê Huy. Cái tên này đã trở nên quen thuộc với những bạn đọc yêu quý chuyên mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa Học Trò.
Ngoài việc trở thành “anh trang ba” sâu sắc và thâm trầm của những câu chuyện đầu tuần thú vị, nhà báo Đoàn Công Huynh còn có hẳn một "công ty" dịch vụ chuyên gỡ rối những thắc mắc tuổi ẩm ương trên báo Hoa Học Trò. Với ngòi bút sắc sảo và đa dạng, trong khoảng thời gian từ 1991 đến 2005, anh lại hóa thân thành anh Chánh Văn hóm hỉnh và hài hước, để trả lời những câu hỏi chẳng giống ai của những cô cậu học sinh đang loay hoay trong bài toán trưởng thành.
Tập sách nhỏ Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào? là tập hợp những bài viết của nhà báo Đoàn Công Lê Huy trong chuyên mục “Trò chuyện đầu tuần” của báo Hoa Học Trò. Sau thành công của Những bàn tay vẫy, những ngọn đèn ngoan; Yêu xứ sở, yêu đồng bào; Một chú bé và một người cha, tập sách nhỏ này là một sự tiếp nối đầy sâu sắc và ý nghĩa của tủ sách Viết cho những điều bé nhỏ dành cho bạn đọc trẻ.
Như một người bạn, một người anh lớn, nhà báo Đoàn Công Lê Huy muốn cùng ngồi xuống, nói chuyện với những đứa em của mình về tương lai đất nước. Chuyện đó có quá lớn lao với những cô cậu học trò mới 17, 18 tuổi phần lớn đang sống trong vòng tay bảo bọc của ba mẹ?
Tập sách: Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào? của nhà báo Đoàn Công Lê Huy. |
Có thể, tương lai của dải đất hình chữ S này là điều gì đó quá xa xôi mà phần lớn các bạn trẻ còn chưa nghĩ tới. Nhưng chẳng có gì là quá sớm để nói về tương lai của một dân tộc với chính những chủ nhân tương lai của đất nước.
Chẳng phải trong lá thư gửi học sinh cả nước vào tháng 9 năm 1945, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở học sinh cả nước về tương lai của dân tộc đó sao?
Tương lai của một đất nước, đó là một điều rất xa xôi, nhưng cũng rất gần gũi, thật vĩ đại nhưng cũng thật giản đơn. Tương lai của đất nước đang nằm trong tay từng người trẻ luôn biết nỗ lực mỗi ngày.
Trong những bài viết của mình, nhà báo Đoàn Công Lê Huy luôn đề cao giá trị của học vấn. Học không chỉ dừng lại ở việc nâng cao cơ hội tìm được một công việc tốt và có mức thu nhập cao. Học để hiểu và để biết, học để thoát ra khỏi những đêm dài mông muội của sự vô tri.
Những điều chúng ta chắt lọc mỗi ngày từ những trang sách nhỏ rồi sẽ làm nên điều vĩ đại. Chỉ cần có ý chí, có quyết tâm và có tri thức, con người sẽ chiến thắng được tự nhiên và thay đổi cả tự nhiên. Chuyện người Nhật trồng được quả dưa hấu hình vuông hay bông hoa biết hát không phải là minh chứng cụ thể nhất cho những điều phi thường mà học vấn đã mang lại hay sao? Họ làm được, tại sao người Việt Nam lại không thể?
Theo nhà báo Đoàn Công Lê Huy, sự học không chỉ dừng lại ở việc cập nhật và mở mang tri thức. Một con người chỉ học tập toàn diện khi mở mang tri thức và hoàn thiện vốn sống mỗi ngày. Hãy sống một cách trung thực, ngay thẳng và luôn cởi mở. Đừng để sự sợ hãi hay e ngại ngăn trở chúng ta nói ra những điều đúng đắn đang lớn dần lên trong suy nghĩ. Bởi con người không ai hạnh phúc trong ốc đảo của riêng mình. Chúng ta chỉ hạnh phúc khi được sẻ chia.
Nhà báo Đoàn Công Lê Huy trong buổi ra mắt tủ sách Những điều bé nhỏ tại Hà Nội. Ảnh: Lê Huy. |
Tôi muốn hỏi em: Về sau thế nào? Đây sẽ là câu hỏi với nhiều trăn trở và suy tư cho cả người hỏi lẫn người trả lời. Tương lai của một quốc gia một dân tộc là con đường bất tận được nối dài bởi mỗi con người của hôm nay.
Những chia sẻ chân thành và thằng thắn của nhà báo Đoàn Công Lê Huy hy vọng sẽ gieo lên trong lòng các độc giả trẻ một khát vọng cố gắng vươn lên để chiếm lĩnh tri thức và tạo nên những điều kì diệu để thay da đổi thịt cho non sông gấm vóc.
Để nói về một vấn đề rất lớn lao và quan trọng, nhà báo Đoàn Công Lê Huy luôn chọn một cách tiếp cận rất nhẹ nhàng, như một lời tâm sự, như vài câu thủ thỉ của người anh lớn với đứa em thơ.
Anh không đứng ở một góc nhìn của một nhà ngoại giao để nghĩ về tương lai đất nước. Anh đặt mình vào vị trí của một công dân bình thường luôn yêu Tổ quốc để nghĩ về mai sau. Giản dị thế thôi!