Tôi là Bệu (45 tuổi) - một thợ bánh mì lâu năm sống và làm việc tại Hà Nội. Gia đình tôi có 4 người gồm vợ chồng và hai cậu con trai. Trong thời gian áp dụng giãn cách, mặc dù phải hủy bỏ toàn bộ đơn bán buôn nhưng lò bánh nhà tôi vẫn hoạt động 24/24 để đảm bảo đủ bánh bán lẻ cho khách hàng trong khu vực. |
21h30 mỗi ngày, tôi cùng vợ bắt tay vào làm bột và nặn bánh. Trước dịch, các đơn hàng chủ yếu của tôi là bán buôn. Số lượng bánh bán mỗi ngày chừng 6.000 chiếc. Thời kỳ đông nhất, tôi phải thuê 6-9 người thợ để làm bánh. Từ khi có dịch, thợ nghỉ, toàn bộ công việc do gia đình tôi tự đảm nhận. |
Tôi là thợ chính trong nhà nên phụ trách việc làm bột. 30 năm cân đong đo đếm, tôi đã quá thuần thục. Tùy vào số lượng bánh làm mỗi ngày, tôi điều chỉnh lượng bột cho hợp lý. |
Khối bột làm ra luôn mịn, không dính tay mới đạt tiêu chuẩn. Trước kia, khi có thợ làm việc thì chúng tôi làm thành dây chuyền, người làm bột, người nặn, người nướng... Giờ thì vợ chồng tôi cố gắng phụ nhau làm hết.
Để đảm bảo vận hành suốt 24 giờ, 4 thành viên trong gia đình tôi chia làm hai ca trực. Ca làm bánh đêm do tôi và cậu con trai út - Thanh Tùng đảm nhận. Chừng 4-5h sáng cậu con trai lớn và vợ tôi sẽ thức giấc để nướng những mẻ bánh cuối cùng và bán hàng. |
Thời gian đầu tôi không khuyến khích các con làm việc muộn. Nhưng con trai tôi nhất quyết muốn được cùng tham gia với bố mẹ. Nghĩ rằng đây cũng là cơ hội để các con hiểu được giá trị của sức lao động nên tôi và vợ đã đồng ý. |
Sau khi nặn xong, bánh được đưa vào phòng ủ. Tôi sử dụng men vi sinh để làm bánh. Thời gian hoạt động của con men từ 4-5 tiếng. Nhiệt độ thời tiết cũng ảnh hưởng đến độ nở, với kinh nghiệm của mình, tôi sẽ sử dụng thêm đá lạnh hoặc nước ấm để kiểm soát hoạt động của men. |
3h sáng, sau khi bánh đã đạt độ nở, tôi chuẩn bị đưa những mẻ đầu tiên vào lò. Gia đình tôi nướng bằng lò điện thay vì lò thủ công như ngày xưa để đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ môi trường. Hôm nay tôi chỉ dùng hết 50 kg bột. Khác với trước dịch, có những ngày khối lượng bột lên tới 150 kg. |
Những mẻ bánh đầu tiên đã chín. Sức nóng từ lò nướng và các xe bánh khiến tôi phải nhăn mặt dù đã quá quen với công việc này. |
Trong lúc chờ con trai lớn tỉnh giấc và giao ca, tôi và người "đồng nghiệp" tí hon tranh thủ ăn lót dạ. Đồ ăn của hai bố con thường là mì tôm, bánh mì hoặc sữa... |
Gần 4h, vị khách đầu tiên trong ngày tới mua bánh. Hai mẹ con họ tới từ phía bệnh viện gần đây. Một trong những lý do tôi mở tiệm suốt 24 giờ là để phục vụ những bệnh nhân đến viện thăm khám thời gian này. Tôi chọn cho cậu bé một chiếc bánh ngọt nóng hổi mới ra lò, không quên chúc ngon miệng trước khi họ rời đi. |
7h, trời đã sáng. Lúc này tôi đã hoàn tất công việc nướng bánh và đi chợp mắt. Ca làm sáng do vợ và con trai lớn của tôi đảm nhận. |
Dù ở gần chợ và bệnh viện nhưng những ngày giãn cách, con phố nhà tôi cũng thưa người đến lạ. Không còn cảnh tắc đường như trước đây. |
Khách tới mua rải rác cả ngày, không vào khung giờ cố định nào cả. Họ có thể là những lao động ở trọ quanh đây hoặc những người đi ngang qua vào giờ đói bụng. Khi các quán ăn đã đóng cửa hàng loạt thì bánh mì gần như là lựa chọn duy nhất. |
Chi phí vận hành lò bánh thời gian này gần như lỗ vốn. Nhiều người khuyên tôi nghỉ bán. Nhưng nghĩ tới những lao động kinh tế thấp vẫn cần có bánh ăn và để vợ con tôi có việc làm ngay cả trong những ngày giãn cách, tôi chọn tiếp tục mở và duy trì lò bánh mỗi ngày. |
Đến chiều, khi vợ tôi đang bận bán hàng thì tôi và cậu út lại tranh thủ nấu cơm. Với gia đình tôi, việc bếp núc không của riêng ai. Thậm chí là rửa bát, quét nhà, giặt quần áo... cứ rảnh, bố con tôi lại xung phong làm. |
Tôi và cậu út thường ngủ quá giờ trưa nên chỉ bữa tối gia đình mới đông đủ. Mâm cơm những ngày dịch không có món gì cầu kỳ nhưng cả nhà đều vui vẻ quây quần sau ngày làm việc vất vả. Lúc này là 19h, cơm nước xong bố con tôi lại chuẩn bị vào làm bột. Công việc liên tiếp gối nhau, tiệm bánh nhà tôi vì vậy mà sáng đèn suốt 24 giờ trong thời giãn cách. |