Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss sẽ bắt đầu các cuộc đàm phán trực tuyến vào ngày 22/6 để thảo luận về việc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), BBC đưa tin.
Bà Liz Truss chia sẻ khu vực châu Á - Thái Bình Dương là "một phần của thế giới, nơi mang lại những cơ hội lớn nhất cho Anh".
Tham gia CPTPP sẽ là một "kết quả quan trọng hậu Brexit mà chúng tôi muốn đạt được", bà cho biết.
Bà Truss cho hay việc Anh gia nhập hiệp định với tư cách thành viên sẽ giúp "nông dân và các nhà sản xuất trao đổi, buôn bán với các nền kinh tế lớn nhất hiện tại và tương lai".
Bộ trưởng Thương mại Anh Liz Truss. Ảnh: Reuters. |
Việc tham gia CPTPP cũng sẽ giúp một số mặt hàng xuất khẩu chính của Anh như ôtô và rượu whisky được hưởng các ưu đãi về thuế quan.
Tuy nhiên, thỏa thuận tự do thương mại với các nước thuộc CPTPP, trong đó có Australia, cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều.
Nông dân Anh cho biết hàng nhập khẩu từ Australia có thể khiến giá thành giảm và ảnh hưởng tiêu chuẩn phúc lợi.
Việc Anh gia nhập CPTPP được đánh giá là mang ý nghĩa biểu tượng tham vọng hậu Brexit. Với các thỏa thuận mà Anh đã có với 8 trong số 11 nước tham gia CPTPP, việc tham gia hiệp định có thể chỉ góp thêm 0,1% vào quy mô nền kinh tế Anh.
Hiện vẫn chưa rõ Anh sẽ phải nhượng bộ những gì để đạt được thỏa thuận.
Nếu các cuộc đàm phán gia nhập CPTPP thành công, Anh sẽ là nền kinh tế lớn thứ hai, chỉ xếp sau Nhật Bản, trong nhóm nước tham gia hiệp định.
Trước đó, Anh chính thức nộp đơn xin gia nhập CPTPP từ ngày 1/2.
Hiệp định thương mại có hiệu lực từ năm 2018, quy định xóa bỏ phần lớn thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên gồm Nhật Bản, Canada, Australia, Việt Nam, New Zealand, Singapore, Mexico, Peru, Brunei, Chile và Malaysia.