Trung Quốc bồi lấp trái phép tại đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: Reuters |
Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hai bên đã thảo luận về hoạt động tuần tra chung và hy vọng sẽ tiến hành trong năm nay.
Vị quan chức nói thêm rằng hoạt động này nhiều khả năng sẽ được thực hiện ở Ấn Độ Dương và Biển Đông, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về quy mô của các cuộc tuần tra được hai bên đề xuất.
Washington muốn các đồng minh trong khu vực và các quốc gia châu Á khác có lập trường thống nhất hơn đối với các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông.
Việc Bắc Kinh xây dựng trái phép trên 7 điểm ở quần đảo Trường Sa trên Biển Đông khiến các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế phản đối. Ấn Độ và Mỹ yêu cầu đảm bảo tự do hàng hải và hàng không ở vùng biển này.
Ngoại lệ
Những năm gần đây, Hải quân Mỹ và Ấn Độ đã tăng cường quan hệ quân sự, bao gồm tổ chức tập trận chung trên Ấn Độ Dương vào năm ngoái (cùng với sự tham gia của Nhật Bản). Tuy nhiên, Hải quân Ấn Độ chưa từng tổ chức cuộc tuần tra hàng hải chung với một quốc gia khác.
Người phát ngôn hải quân Ấn Độ khẳng định với Reuters rằng, họ không có kế hoạch thay đổi chính sách này. Vị này khẳng định, Ấn Độ chỉ tham gia những hoạt động quân sự quốc tế do Liên Hợp Quốc khởi xướng. Ông dẫn ra các ví dụ như việc Ấn Độ đã từ chối tham gia hoạt động chống cướp biển trên Vịnh Aden cùng hàng chục quốc gia khác. Thay vào đó, New Delhi tiến hành hoạt động riêng ở khu vực này kể từ năm 2008.
Nguồn tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, đề xuất về cuộc tuần tra chung do Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ đưa ra khi đến thăm trụ sở Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ ở đảo Hawaii.
Về tình hình Biển Đông, cả Mỹ và Ấn Độ đều không phải là bên liên quan trong tranh chấp. Tuy nhiên, lãnh đạo hai nước cùng lên tiếng kêu gọi thực thi tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông trong chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Ấn Độ hồi tháng 1/2015. Khi đó, ông Obama và Thủ tướng Narendra Modi đều đồng thuận “xác định những lĩnh vực cụ thể để mở rộng hợp tác hàng hải”.
Cảnh báo Trung Quốc tiếp tục ý đồ quân sự hoá trên Biển Đông
Trong khi đó, ông James Clapper, người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ cũng cảnh báo tại phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hôm 9/2 rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục xây dựng những công trình trên đảo nhân tạo để duy trì yêu sách chủ quyền của nước này trên Biển Đông.
Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper. Ảnh: AP |
Cụ thể, ông Clapper dẫn ra những công trình mà Trung Quốc xây dựng phi pháp như đường băng, nhà kho đặt máy bay, các trạm radar, cảng biển để neo tàu hải quân và tàu tuần duyên của Trung Quốc, việc đưa máy bay quân sự để thử nghiệm hoạt động ở các phi trường trên đảo nhân tạo...
Hãng tin AP cho rằng, ông Clapper ngụ ý cảnh báo Trung Quốc đang quân sự hoá trên những đảo nhân tạo mà nước này bồi lấp trái phép. Những diễn biến này đi ngược lại với lời cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình đưa ra trong chuyến thăm Mỹ hồi năm ngoái, rằng Bắc Kinh không có ý định quân sự hoá trên Biển Đông.
Ngay từ những ngày đầu tháng 1/2016, Trung Quốc đã nhiều lần đưa máy bay dân sự đáp ở đường băng mà nước này xây trái phép trên đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Việt Nam và các nước trong khu vực đều lên tiếng phản đối hành động này của Trung Quốc.
Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain cho biết, Trung Quốc đã cải tạo và xây dựng phi pháp trên 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ngoài đá Chữ Thập, Trung Quốc còn xây đường băng trái phép trên đá Xu Bi và đá Vành Khăn.