Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho biết việc Mỹ điều tàu khu trục vào vùng 12 hải lý xung quanh đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là sự phủ nhận rõ ràng của Mỹ với yêu sách lãnh thổ mà Trung Quốc đang có dã tâm thực hiện.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trục nêu rõ, việc tàu Mỹ tiến vào khu vực và không có các hoạt động như do thám hay khiêu khích là điều bình thường. Nếu Mỹ có những động thái khác, hành động này có thể gây ra sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc, tạo ra bất ổn trong khu vực. Đáp lại động thái của Mỹ, Trung Quốc có thể tăng cường quân sự hóa trên các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp trên Biển Đông nhằm khẳng định cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh.
Trung Quốc có thể tăng cường quân sự hóa
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Hồng Duy |
Trên thực tế, Tri Tôn dù nhỏ nhưng vẫn là đảo tự nhiên, có đầy đủ các quyền được quy định trong công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982. Nó nằm ở cực nam quần đảo Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc đang cưỡng đoạt bất hợp pháp thực thể này vào năm 1974 và xây dựng trên đó nhiều công trình phi pháp.
Theo quan điểm của nguyên trưởng ban Biên giới chính phủ, nếu tàu Mỹ hoạt động ngoài khu vực 12 hải lý quanh đảo Tri Tôn, "chúng ta không có gì để phàn nàn". Trong bối cảnh Trung Quốc đang đẩy mạnh các hoạt động nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên Biển Đông, "chúng ta cần hoan nghênh các hoạt động nhằm đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực".
"Tuy nhiên, các nước cần thực hiện theo tiêu chí tôn trọng luật pháp quốc tế và công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982. Việc vận dụng sai các quy định của công ước cần bị lên án", ông Trục nói thêm.
Nguyên trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh, nếu Mỹ lợi dụng tự do hàng hải, gây bất ổn trong khu vực và tạo cơ hội cho Trung Quốc - quốc gia toan tính độc chiếm Biển Đông, chúng ta cần có tiếng nói thích hợp nhằm kêu gọi các bên kiềm chế và tuân thủ pháp luật. Mỹ cần tôn trọng chủ quyền, quyền và các lợi ích hợp pháp của Việt Nam khi đi vào vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.
"Trục Hải Nam, Hoàng Sa, Trường Sa" sẽ vấp nhiều phản đối
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường là cựu đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển, Mexico, Panama, Peru và Phần Lan kiêm Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế. Ảnh: Hồng Duy |
Trao đổi với Zing.vn, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường, cựu đại sứ Việt Nam tại 5 quốc gia kiêm chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Phát triển Quan hệ Quốc tế, cho rằng, việc Mỹ đưa tàu áp sát đảo Tri Tôn, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nơi đang bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp, là hành động nhằm bác bỏ yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo Tiến sĩ Trường, Mỹ hoàn toàn không có tham vọng với các đảo, đá và rạn san hô ở Biển Đông. Phía Mỹ cũng nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong tranh chấp trên biển. Việc Mỹ quan tâm chính là quyền tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển huyết mạch bậc nhất thế giới, nơi Washington nhiều lần khẳng định lợi ích chiến lược.
"Hành động của Mỹ cho thấy Washington không thừa nhận vai trò của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam. Mỹ đưa tàu chiến áp sát là sự bác bỏ và thách thức với phía Trung Quốc cũng như ngăn chặn yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông", tiến sĩ Trường nhấn mạnh.
Theo ông Trường, các nước trong khu vực không cần lo ngại trước hành động của Mỹ. Quốc gia duy nhất cần lo lắng chính là Trung Quốc. Việc hình thành trục Hải Nam, Hoàng Sa và Trường Sa nhằm hiện thực hóa yêu sách đường lưỡi bò của Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp nhiều sự phản đối.
Trước nguy cơ Trung Quốc mượn cớ tàu Mỹ hoạt động trong khu vực nhằm gia tăng việc quân sự hóa các đảo, đá và rạn san hô đang chiếm đóng phi pháp, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Trường cho rằng Bắc Kinh luôn có những tính toán cụ thể để đạt được mục đích độc chiếm Biển Đông. Nếu không có sự hiện diện của Mỹ, Bắc Kinh vẫn từng bước hiện thực hóa tham vọng này.