Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ấn Độ tuyên bố không tham gia RCEP

Ấn Độ ngày 4/11 cho biết sẽ không tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một đòn giáng lớn vào hy vọng thành lập hiệp định thương mại lớn nhất châu Á.

RCEP được kỳ vọng sẽ chiếm 30% GDP toàn cầu và một nửa dân số thế giới.

Nhưng Ấn Độ đã rút lui vì những lo ngại rằng các ngành công nghiệp nội địa sẽ bị ảnh hưởng khi hàng giá rẻ Trung Quốc tràn vào.

“Chúng tôi đã thông báo với các nước tham gia rằng chúng tôi sẽ không gia nhập RCEP”, Vijay Thakur Singh, nhà ngoại giao cấp cao phụ trách Đông Á trong Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết.

“Chúng tôi đưa ra quyết định dựa vào tác động của hiệp định này lên người dân thường Ấn Độ và kế sinh nhai của họ, bao gồm những người nghèo nhất”, bà nói.

An Do khong tham gia RCEP anh 1
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới dự cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN ở Bangkok, Thái Lan, ngày 4/11. Ảnh: Reuters.

“Phiên bản hiện tại của hiệp định RCEP không phản ánh toàn bộ tinh thần cơ bản và nguyên tắc đã được đồng thuận của RCEP”, đài Prasar Bharati News Services dẫn lời Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

“Hiện tại các vấn đề và lo ngại của Ấn Độ chưa được giải quyết”, ông Modi nói. “Ấn Độ sẽ không thể tham gia Hiệp định RCEP”.

Các thành viên còn lại của RCEP, bao gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand dự kiến ký kết hiệp định vào năm tới, sau quá trình rà soát lại bản thảo về mặt pháp lý.

Trước đó, ông Phạm Quang Vinh, nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nói với Zing.vn trong một cuộc phỏng vấn gần đây: “RCEP nhằm gắn kết các hiệp định tự do thương mại (FTA) mà ASEAN đã có với các đối tác riêng để trở thành một thể thống nhất. Hiện nay, ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, và với Australia-New Zealand - RCEP gắn kết 5 FTA đó thành một”.

Quyết định rút lui của Ấn Độ được đưa ra sau 7 năm đàm phán vất vả. Một quan chức thương mại cao cấp biết về các cuộc đàm phán nói với AFP rằng ông Modi không nhượng bộ vì chịu sức ép trong nước.

An Do khong tham gia RCEP anh 2
Một cuộc biểu tình của các nhóm nông dân phản đối chính phủ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ký hiệp định RCEP. Ảnh: AFP.

Nhưng quan chức này cho rằng Ấn Độ vẫn có lựa chọn tham gia “sau này” ngay cả khi RCEP đã được ký kết, nếu các vấn đề tồn đọng được giải quyết.

“Khi nào Ấn Độ sẵn sàng, họ sẽ được chào đón”, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành nói.

Trong khi đàm phán RCEP đang được hoàn tất, các lãnh đạo ASEAN và đối tác tiếp tục kêu gọi tự do thương mại.

“Chúng ta lại đối mặt với trở ngại của chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch”, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In tuyên bố. “Chúng ta cần bảo vệ tự do thương mại... và đưa kinh tế thế giới về với quỹ đạo của nó”.

VN làm chủ tịch ASEAN: Biển Đông, cạnh tranh Mỹ - Trung là thách thức

Đại sứ Phạm Quang Vinh nói Cộng đồng ASEAN đã qua 5 năm từ khi thành lập, đạt một số kết quả. Nhưng giai đoạn hội nhập tiếp theo, nhắm tới mức cao hơn về chất, sẽ khó khăn hơn.

Hiệp định RCEP có thể ký kết ở Việt Nam vào năm 2020

Hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, vốn được Trung Quốc kỳ vọng bù đắp cho những ảnh hưởng từ thương chiến với Mỹ, phải trì hoãn ký kết sang năm 2020.




Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm