Theo dự thảo tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN, việc ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) sẽ được lùi sang năm 2020, theo AFP.
"Nhiều cuộc đàm phán tiếp cận thị trường đã hoàn thành. Chỉ còn một số vấn đề song phương còn sót lại sẽ được giải quyết trước tháng 2/2020", dự thảo tuyên bố chung của các lãnh đạo ASEAN cho biết.
Dự thảo khẳng định các nội dung của 20 chương hiệp định RCEP đã được các nước tham gia đàm phán thống nhất, ngoại trừ một nước duy nhất. Giới quan sát nhận định nước cuối cùng chưa đạt được đồng thuận là Ấn Độ.
Dự thảo cho biết mọi nước thành viên đều "quyết tâm ký kết RCEP" trong năm 2020 tại Việt Nam, khi đó sẽ giữ ghế chủ tịch luân phiên của ASEAN.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường (giữa) dự kiến có bài phát biểu nhấn mạnh về tầm quan trọng của RCEP vào ngày 4/11 trong khuôn khổ hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan. Ảnh: Reuters. |
Trong khuôn khổ các hội nghị cấp cao tại Bangkok, phái đoàn Ấn Độ đã phản đối một số nội dung thỏa thuận qua đó chấm dứt hy vọng RCEP được ký kết trong năm nay.
Chính quyền New Delhi lo ngại các doanh nghiệp nhỏ tại nước này sẽ bị bóp nghẹt bởi hàng giá rẻ từ Trung Quốc. Thủ tướng Narendra Modi cũng lặp lại mối lo ngại trong các cuộc thảo luận với lãnh đạo ASEAN ngày 3/11.
Các nước tham gia đàm phán RCEP bao gồm 10 nước ASEAN cùng các nước khác trong khu vực là Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand, chiếm gần 40% tổng thương mại toàn cầu.
Với 16 quốc gia tham gia đàm phán, tập hợp hơn gần 30% GDP toàn cầu và gần một nửa dân số thế giới, RCEP được kỳ vọng sẽ trở thành hiệp định thương mại lớn nhất thế giới.
Trung Quốc cũng hy vọng thỏa thuận thương mại này sẽ bù đắp những tổn thất mà nước này đang gánh chịu trong cuộc chiến thương mại chưa thấy hồi kết với Mỹ.