"Bộ Tứ hoan nghênh thông báo của Ấn Độ nối lại xuất khẩu các loại vaccine Covid-19 an toàn và hiệu quả bắt đầu từ tháng 10/2021", tuyên bố của Bộ Tứ cho biết.
Ấn Độ là một trong những trung tâm sản xuất vaccine AstraZeneca lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Ấn Độ phải dừng xuất khẩu vaccine từ tháng 4 khi làn sóng dịch bệnh bùng phát ở nước này.
Không chỉ nối lại xuất khẩu, Ấn Độ cũng sẽ mở rộng công suất sản xuất vaccine Covid-19 trong nước nhờ hỗ trợ tài chính từ chương trình đối tác với Bộ Tứ.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi dự hội nghị Bộ Tứ ở Nhà Trắng. Ảnh: Reuters. |
Các nước Bộ Tứ cho biết bên cạnh hỗ trợ tài chính thông qua cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX, 4 nước Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ cam kết viện trợ hơn 1,2 tỷ liều vaccine Covid-19 cho thế giới.
Tuyên bố chung cho biết Nhật Bản sẽ dành 3,3 tỷ USD hỗ trợ các nước trong khu vực mua vaccine thông qua chương trình Cho vay hỗ trợ khẩn cấp ứng phó Covid-19.
Trong khi đó, Australia cam kết chi 212 triệu USD mua vaccine viện trợ cho các nước Đông Nam Á và Thái Bình Dương. Ngoài ra, Australia cũng phân bổ 219 triệu USD hỗ trợ chiến dịch tiêm chủng của các nước trong khu vực.
Cuộc họp trực tiếp với sự tham gia của lãnh đạo các nước Bộ Tứ được tổ chức hôm 24/9 tại Nhà Trắng, thủ đô Washington của Mỹ. Tại cuộc họp, các nước nhất trí bổ sung lĩnh vực vũ trụ vào chương trình hợp tác chung, bên cạnh các vấn đề khí hậu, vaccine và công nghệ mới nổi.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị, lãnh đạo Bộ Tứ khẳng định quyết tâm thúc đẩy khu vực Thái Bình Dương "tự do, mở, dựa trên luật lệ, trên cơ sở luật pháp quốc tế và phản đối mọi hành động chèn ép".
Các nhà lãnh đạo đồng thời cam kết "thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dường và xa hơn nữa".