Theo AFP, trong buổi phóng vấn được đăng trên truyền hình, ông Singh cho biết Ấn Độ đã từ chối lời đề nghị hoà giải của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Tôi muốn đảm bảo với đất nước rằng chúng ta sẽ không để lòng kiêu hãnh của Ấn Độ bị tổn thương trong bất kỳ trường hợp nào", ông Singh trả lời kênh truyền hình Aaj Tak.
Trước đó, hàng trăm binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã tham gia vào một vụ ẩu đả tại khu vực biên giới giữa hai nước tại cao điểm Ladakh, đối diện với Tây Tạng.
Trong vụ việc khác, các binh sĩ hai nước cũng tham gia ẩu đả và ném đá vào nhau ở khu vực bang Sikkim, nhiều binh sĩ Ấn Độ liên quan đến vụ việc này hiện vẫn ở trong bệnh viện.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh. Ảnh: AFP. |
Hai quốc gia đông dân nhất thế giới chia sẻ đường biên giới dài 3.500 km, và họ có một vài điểm tranh chấp trên đường biên giới này. Một cuộc chiến đã diễn ra vào năm 1962 và kể từ đó tới nay binh sĩ hai nước đã nhiều lần đụng độ, mặc dù lần cuối súng nổ trên biên giới đã là từ thập niên 1970.
Cả hai bên đều đổ lỗ cho nhau về những căng thẳng gần đây, nhưng một số nhà phân tích cho rằng việc Ấn Độ xây dựng nhiều con đường mới xung quanh khu vực đã trở thành ngòi nổ cho tranh chấp.
Quân đội hai nước đều đã gửi quân tiếp viện và các thiết bị hạng nặng tới khu vực này. Ông Singh cũng đề cập tới vụ đụng độ giữa binh sĩ hai nước vào năm 2017 ở cao điểm Doklam, và cho rằng lần đó vụ việc "rất căng thẳng" nhưng "chúng ta đã không lùi bước".
"Vào một số thời điểm, có các tình huống phát sinh với Trung Quốc. Điều đó từng xảy ra trước đây", ông Singh nói nhấn mạnh rằng Ấn Độ đang cố gắng để đảm bảo "căng thẳng không leo thang".
"Các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa hai nước ở cấp độ quân sự và ngoại giao", ông Singh cho biết thêm.
Bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ đã trao đổi với người đồng cấp Mỹ Mark Esper hôm 29/5 để nhấn mạnh rằng Ấn Độ và Trung Quốc có các cơ chế để giải quyết vấn đề thông qua đối thoại ở cấp độ quân sự và ngoại giao.