Các bầy châu chấu lớn và hung dữ đã xâm chiếm và tàn phá hơn 20 huyện ở các vùng sa mạc phía Tây Ấn Độ, bao phủ vùng diện tích hơn 50.000 ha. Rajasthan, Madhya Pradesh và Gujarat là các bang bị ảnh hưởng nặng nhất.
Tại các nước láng giềng Pakistan, chính quyền đã ban bố tình trạng khẩn cấp toàn quốc vào tháng 2 vì phải đối mặt với khủng hoảng châu chấu tồi tệ nhất trong hơn 2 thập kỷ.
Các báo cáo địa phương cho biết nông dân Pakistan đang chiến đấu với “dịch bệnh châu chấu tồi tệ nhất trong gần 3 thập kỷ”. Các bầy châu chấu đang tàn phá mùa màng và đẩy giá lương thực lên cao, theo BBC.
Theo một báo cáo của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO), khoảng 38% diện tích của Pakistan trải qua các tỉnh Balochistan, Sindh và Punjab là “nơi sinh sản” của châu chấu.
“Tình hình nghiêm trọng hơn nhiều trong năm nay không chỉ ở Afghanistan, Ấn Độ, Iran và Pakistan mà còn ở nhiều nước châu Phi và bán đảo Arab”, Muhammad Tariq Khan, Giám đốc Cục Bảo vệ Thực vật Pakistan, nói.
Quan hệ ấm lên nhờ mối bận tâm chung
Quan hệ giữa hai nước láng giềng sở hữu vũ khí hạt nhân Ấn Độ - Pakistan đã đóng băng nhiều năm qua. Nhưng cuộc khủng hoảng châu chấu tạo ra một ngoại lệ.
Đã có khoảng 9 cuộc họp Skype giữa hai nước kể từ tháng 4, một quan chức cấp cao Ấn Độ cho biết. Hai bên cũng dự định sẽ họp mặt trực tiếp vào đầu tháng 6.
“Chúng tôi đang chiến đấu với cuộc tấn công lớn của châu chấu lớn từ bên kia biên giới. Đây là cuộc xâm chiếm lớn nhất trong gần 3 thập kỷ. Bầy châu chấu rất đông. Chúng di cư từ bên kia biên giới sau khi sinh sản, sớm hơn một tháng so với chúng tôi dự tính”, KL Gurjar, Phó giám đốc Tổ chức Cảnh báo Châu chấu Ấn Độ, nói.
Các đàn châu chấu bay qua biên giới vào ngày 30/4 và hiện vẫn hoạt động ở các huyện Rajasthan và Madhya Pradesh của Ấn Độ. Trung bình, một đàn châu chấu trải dài trong 1 km2 có đến 40 triệu con. Chúng bay nhanh, có khi đến 400 km/ngày.
Châu chấu sa mạc ăn lá cây xanh. Ảnh: Reuters. |
“Chúng tôi may mắn vì hiện tại không có cây trồng nào trên các cánh đồng. Nhưng châu chấu ăn hết thực vật màu xanh như lá, hoa, quả, hạt và cây”, ông Gurjar nói. “Một đàn châu chấu nhỏ đến trung bình một ngày có thể ăn số thức ăn đủ cho khoảng 35.000 người”.
Khoảng 100 công nhân đang ngày đêm miệt mài diệt châu chấu. Họ sử dụng máy phun thuốc, thuốc trừ sâu và drone trong thời tiết sa mạc nắng nóng. Họ ở lại các ngôi làng và được người dân địa phương chăm lo. Ban đêm, họ đeo khẩu trang, mặc đồ bảo hộ ra ngoài săn bắt côn trùng.
Ấn Độ đã hứng chịu làn sóng đổ bộ của châu chấu trong nhiều năm qua. Nếu không được khống chế, châu chấu sa mạc có thể làm tàn phá nguồn cung cấp lương thực và gây ra nạn đói.
Theo FAO, khoảng 45 triệu km2 của 90 quốc gia có khả năng trở thành mục tiêu xâm chiếm của châu chấu.
Nạn nhân thứ hai
Đông Phi là khu vực thứ hai chịu thiệt hại nặng nề bởi châu chấu.
Ethiopia - quốc gia đông dân thứ 2 châu Phi, Kenya - trung tâm kinh tế khu vực, và Somalia - nơi có tình hình chính trị bất ổn - là 3 trong các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi châu chấu ở châu Phi.
Liên Hợp Quốc ước tính các đàn châu chấu hiện tại có thể lớn gấp 20 lần những đàn đầu tiên, và có thể tăng lên 400 lần vào tháng 6.
Ngân hàng Thế giới (WB) đã phê duyệt gói cứu trợ 500 triệu USD để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp nhằm giúp các quốc gia Đông Phi và Trung Đông đối phó với tình trạng mất mùa.
Cậu bé nông dân cố gắng xua đuổi châu chấu ở làng Katitika, hạt Kitui, Kenya. Ảnh: AP. |
Theo Liên Hợp Quốc, các cuộc châu chấu tấn công hiện tại có thể bắt nguồn từ mùa bão năm 2018-2019, gây mưa nặng hạt trên bán đảo Arab và cho phép các thế hệ châu chấu sinh sản mà không bị phát hiện. Từ đó, chúng lan rộng ra Nam Á và Đông Phi.
Rõ ràng là Ấn Độ cần phải cảnh giác trong những tháng tới.
“Chúng ta cần cảnh giác và đoán trước nơi tiếp theo chúng đổ bộ. Tình hình càng đáng báo động hơn khi thời điểm này cũng là lúc các quốc gia đang quay cuồng chống dịch Covid-19 và hứng chịu sóng nhiệt”, Anshu Sharma từ tổ chức Môi trường bền vững nhận định.