Theo Bloomberg, Ấn Độ sẽ triển khai bổ sung 35.000 quân dọc theo khu vực tranh chấp biên giới với Trung Quốc trên dãy Himalaya, giữa lúc khả năng hai nước đạt hòa giải sau vụ đụng độ chết chóc vào tháng 6 đang ngày một thấp.
Vụ đụng độ ngày 15/6 ở thung lũng Galwan, thuộc vùng Ladakh, giữa lực lượng hai nước khiến ít nhất 20 quân nhân Ấn Độ thiệt mạng. Trung Quốc đến nay không công khai số thương vong. Từ sau vụ việc, hai nước đã điều động thêm hàng nghìn quân, pháo và xe tăng đến khu vực căng thẳng.
Xe quân sự Ấn Độ di chuyển đến khu vực biên giới trên dãy Himalaya. Ảnh: Reuters. |
Giới chức Ấn Độ cho biết tình hình hiện nay đòi hỏi quân đội nước này tăng viện vì thỏa thuận biên giới Ấn - Trung đang không được tôn trọng.
Hiện trạng đối đầu giữa hai nước dọc theo Đường Kiểm soát Thực tế (LAC), ranh giới dài 3.488 km chia cách khu vực kiểm soát giữa Ấn Độ và Trung Quốc tại vùng tranh chấp biên giới, có thể đã thay đổi.
"Bản chất của Đường Kiểm soát, ít nhất là tại khu vực Ladakh, đã thay đổi vĩnh viễn", B.K. Sharma, Giám đốc viện nghiên cứu United Service tại New Delhi, đánh giá. "Quân tăng viện cả hai phía triển khai sẽ không rút đi, trừ khi có đối thoại ở cấp độ chính trị cao nhất".
Hiện các vụ đụng độ biên giới đã chấm dứt. Sau một số vòng đối thoại quân sự cấp cao, Trung Quốc thông báo lực lượng nước này đã lùi khỏi phần lớn các điểm nóng.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ngày 28/7 nói hai phía đang chủ động chuẩn bị vòng đối thoại cấp chỉ huy thứ năm nhằm giải quyết những vấn đề tồn đọng trên thực địa.
Một số nhân vật cấp cao trong chính phủ Ấn Độ tiết lộ quyết định tăng viện sẽ tạo thêm áp lực lên ngân sách quốc phòng vốn đang căng sức giải quyết nhiều vấn đề. Quân đội phải bảo vệ gần 742 km biên giới tranh chấp với Pakistan.
Chiến dịch chống phiến quân tại vùng Jammu và Kashmir cùng các bang phía đông bắc chưa kết thúc. Lực lượng vũ trang Ấn Độ còn phải giám sát thường trực mọi cửa ngõ dọc biên giới nước này và Trung Quốc.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 3/7 đến thăm một căn cứ quân sự gần khu vực đụng độ với Trung Quốc ở Himalaya. Ảnh: AP. |
Quyết định triển khai quân tăng viện đến khu vực có điều kiện khắc nghiệt, với nhiệt độ có thể xuống đến -30 độ C vào mùa đông, sẽ là phép thử nặng ký cho năng lực hậu cần của quân đội.
Cái lạnh kinh hoàng khiến việc xây dựng công sự trú ẩn cho quân nhân và cất trữ trang thiết bị phải giới hạn trong vài tháng mùa hè. Nhiên liệu, lương thực, thuốc men cần được chuyển trước đến khu vực. Chỉ có 2 con đường để vận chuyển hàng hóa, nhưng tất cả đều bị đóng vào tháng 12.
Việc củng cố phòng thủ biên giới tốn kém còn tăng sức ép ngân sách lên chương trình hiện đại hóa quân đội.
Dù Ấn Độ là nước chi tiêu quốc phòng cao thứ 3 trên thế giới, hải - lục - không quân nước này vẫn phải dùng nhiều loại vũ khí được đánh giá là lạc hậu.
Khoảng 60% ngân sách quốc phòng Ấn Độ dùng để trả lương cho 1,3 triệu quân. Số tiền còn lại phần lớn dành để trả những đơn hàng đặt mua từ trước.