Tôi thấy nhiều nhận định cho rằng âm nhạc của những thập niên trước, những năm 80, 90 hay hơn âm nhạc ngày nay. Khi nghe những bài hát trên các trang nghe nhạc và các bảng xếp hạng hiện nay, bạn thấy rằng khá nhiều trong số chúng có chất lượng kém, đặc biệt là về nội dung. So với những bài hát của những thập niên trước thì là một trời một vực! Hoặc các đồ vật như ti vi, xe máy sản xuất trong quá khứ thường có chất lượng tốt hơn bây giờ. Những thứ xưa cũ, được làm ra trong quá khứ dường như luôn tốt hơn và bền vững hơn so với ngày nay. Tại sao lại như vậy?
Hãy xét một ví dụ cụ thể, với những con số để chúng ta có thể dễ hình dung.
Giả sử, bạn có một danh sách các bài hát với 100 bài hát hiện nay và 100 bài hát thuộc những thập niên 80, 90.
Trong 100 bài hát hiện nay, có 50 bài bạn thấy có chất lượng tốt và yêu thích, còn 50 bài bạn cho rằng có chất lượng kém. Trong khi đó, với những bài hát thuộc thập niên trước, bạn thấy thích 90 bài, và chỉ có 10 bài bạn không đánh giá cao. Như vậy, rõ ràng là các bài hát trong quá khứ có chất lượng tốt hơn, đúng không?
Ảnh của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và em gái do gia đình cung cấp. |
Nhưng hãy nhìn lại một chút. 100 bài hát trong quá khứ mà bạn có được là những bài hát vẫn đang lưu hành ở thời điểm hiện tại. Thứ mà bạn không thấy là những bài hát trong quá khứ, nhưng quá dở và không còn được lưu hành nữa! Giả sử có 100 bài hát trong quá khứ không còn được lưu hành, trong 100 bài đó, bạn chỉ thích 10 bài và không thích 90 bài còn lại. Khi đó, tỉ lệ số bài hát quá khứ mà bạn thích sẽ là 100/200 = 50%, bằng với tỉ lệ số bài hát bạn thích ở hiện tại!
Trong trường hợp này, chúng ta không thể biết về những bài hát cũ không còn được lưu hành. Vì vậy, việc so sánh chất lượng âm nhạc của hai thời kỳ chỉ dựa trên những bài hát đang lưu hành sẽ không cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn. Do đó, tôi sẽ không thể cho bạn một kết luận chắc chắn rằng âm nhạc của thời kỳ nào là tốt hơn.
Để biết chắc chắn, bạn cần khảo sát tập hợp những người lớn tuổi đã nghe cả âm nhạc trong quá khứ và âm nhạc hiện tại. Họ có thể sẽ cho bạn một cái nhìn đúng đắn hơn, tuy rằng sẽ có những sai lệch do sự thay đổi về tư duy âm nhạc khi tuổi tác thay đổi. Những người lớn tuổi có thể sẽ thích âm nhạc cũ hơn do họ không quen với những thể loại âm nhạc mới.
Điều tương tự cũng đúng với các đồ vật trong quá khứ. Nếu nhà bạn có một chiếc tivi đã dùng được 10 năm, bạn sẽ nghĩ rằng nó có chất lượng thật là tốt và chịu được thời gian. Nhưng bạn không nhớ đến những món đồ khác đã hỏng hóc và bị đem đi bán sắt vụn. Chúng không còn tồn tại nữa nên chúng ta thường quên mất chúng.
Tại sao những công trình kiến trúc trong quá khứ thường rất bền vững và có thiết kế tuyệt vời? Vì những công trình yếu kém thì đã không thể trụ vững hoặc bị phá bỏ. Chỉ những công trình có khả năng “sống sót” sẽ tồn tại lâu và được biết đến nhiều hơn.
Trong các ví dụ này, tôi không nói rằng các sản phẩm hiện tại là tốt hơn hay kém hơn so với quá khứ. Để có thể kết luận, chúng ta cần phải có những nghiên cứu chuyên sâu và khắc phục được hiện tượng thiên lệch sống sót. Các ví dụ này được đưa ra với mục đích minh họa rằng, nếu chúng ta chỉ nhìn vào thực tế những sản phẩm đang tồn tại hoặc đang được lưu hành, kết luận của chúng ta sẽ bị sai lệch. Bạn cần chú ý đến cả những sản phẩm hoặc đồ vật đã không còn hiện hữu nữa. Khi đó, bạn sẽ có một cái nhìn chính xác và toàn diện hơn.