Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Albert Einstein muốn nhắn nhủ gì với các bạn nhỏ?

Nhà thiên tài vật lý lý thuyết người Đức nhắn nhủ tới thiếu nhi bài học về sự hồn nhiên, khiếu hài hước và cách đứng dậy sau vấp ngã để theo đuổi ước mơ, hoài bão.

Với khuôn mặt hiền hậu, gần gũi, mái tóc xù và bộ quần áo đơn giản, Albert Einstein gây tò mò, hiếu kỳ cho các bạn nhỏ vì ông mang trong mình lòng trắc ẩn lớn lao, sự khiêm tốn, tinh thần độc lập và khối óc thiên tài.

Người đàn ông với dáng hình nhỏ bé ấy được công nhận là một trong những nhà vật lý vĩ đại, người đã phát triển thuyết tương đối và được trao Giải Nobel Vật lý vào năm 1921 vì “những cống hiến đối với vật lý lý thuyết và sự khám phá ra định luật của hiệu ứng quang điện”.

Cuộc đời, sự nghiệp và “cá tính” của Einstein được kể lại trong nhiều cuốn sách. Thư gửi Giáo sư Einstein giới thiệu những lá thư giữa ông và thiếu nhi. Trong khi đó, Albert Einstein - Tuổi thơ gian khó và cuộc đời khoa học vĩ đại truyền cảm hứng tới độc giả nhí với 16 câu chuyện. Còn Thất bại của danh nhân kể về cách Einstein đứng dậy sau vấp ngã.

Albert Einstein anh 1

Cuốn sách tập hợp những lá thư giữa Einstein với thiếu nhi. Ảnh: Thu Trang.

Những lá thư của Einstein với thiếu nhi

Trong bức thư cũ nhất còn lưu giữ của Einstein gửi cho một cậu bé có tên Ley, ông viết: “Bác sẽ tả cho cháu biết trông bác như thế nào: Khuôn mặt nhợt nhạt, mái tóc dài và vòng bụng khiêm tốn. Ngoài ra, dáng đi thì vụng về, thêm cái bút nhét trong túi hoặc cầm trong tay. Tuy thế, bác không bị chân vòng kiềng hay mụn cóc, nên nhìn vẫn khá đẹp trai; và bác cũng không có lông tay như những người đàn ông xấu xí vẫn có. Thế nên, thật đúng là đáng tiếc vì cháu không được gặp bác”.

Lá thư này thể hiện cho khiếu hài hước của thiên tài vật lý Einstein. Nó được tập hợp trong ấn phẩm mới ra mắt: Thư gửi Giáo sư Einstein.

Cuốn sách là sự pha trộn giữa thông tin tiểu sử và những bức thư được gửi qua lại giữa ông và thiếu nhi từ nhiều vùng khác nhau trên thế giới trong khoảng thời gian 1928-1955.

Lật mở từng trang sách, độc giả nhí sẽ có những phút giây thư giãn với sự dí dỏm của Einstein cùng sự hồn nhiên, vô tư và ngây ngô của các bạn nhỏ.

Chẳng hạn, trong thư gửi Einstein, bạn nhỏ Tyfanny viết: “Lẽ ra cháu đã sớm viết thư cho bác từ cách đây lâu lắm rồi, chỉ là cháu không biết bác vẫn còn sống thôi. Cháu không thích lịch sử lắm nên cháu tưởng bác sống vào khoảng thế kỷ 18”.

Đây cũng chính là điểm lôi cuốn, thú vị của cuốn sách, cho thấy một bức chân dung rất khác về Einstein. Thông qua những bức thư ông hồi âm cho thiếu nhi, người đọc cảm nhận được đây là một vị giáo sư dễ mến và đầy khiếu hài hước.

Bên cạnh đó, cách ông tâm tình với con trai và giải đáp những thắc mắc của thiếu nhi sẽ giúp các bậc phụ huynh có cái nhìn khác trong việc nuôi dạy, giáo dục con trẻ.

Cuốn sách còn góp phần truyền cảm hứng cho các em thiếu nhi thêm yêu và tiếp tục thói quen viết thư tay đang dần mai một, vì những tài liệu quý báu này có thể được để lại cho các thế hệ tương lai.

Albert Einstein anh 2

Cuốn sách kể về cuộc đời và sự nghiệp của thiên tài Albert Einstein. Ảnh: Ngà Lương.

Cuộc đời thiên tài Einstein

Tài năng, khối óc và tính kiên trì của những danh nhân khiến cả thế giới phải nể phục, ngưỡng mộ. Nhưng đằng sau ánh hào quang của thành công, cuộc sống riêng tư của họ thực chất ra sao? Điều đó được kể lại qua bộ sách gồm 10 cuốn Kể chuyện cuộc đời các thiên tài.

Trong đó, cuốn Albert Einstein - Tuổi thơ gian khó và cuộc đời khoa học vĩ đại viết về 16 câu chuyện của nhà thiên tài vật lý Albert Einstein, được lược kể theo đúng trình tự thời gian, từ sinh nhật lần thứ 12, những ngày ở trường trung học, thời điểm nhận Giải thưởng Nobel Vật lý, đến “cơn bão đố kỵ” và những năm cuối đời.

Do xuất thân có nguồn gốc Do Thái, ngay từ khi bắt đầu đi học, Einstein đã chịu nhiều sự phân biệt, kỳ thị. Ngày đó, ông là học sinh chậm chạp và yếu kém, cộng thêm bản tính hay chống đối, ông suýt bị đuổi khỏi trường.

Ông đặc biệt thích làm giáo viên của mình bối rối bằng những câu phức tạp. Thái độ khó bảo và có phần khiêu khích đó khiến một giáo viên đã tuyên bố rằng ông sẽ không bao giờ đạt được thành công.

Cuộc đời nghiên cứu khoa học của ông sau này cũng gặp nhiều khó khăn do hoàn cảnh khách quan và thời cuộc.

Với lối viết đậm chất văn học, giọng văn truyền cảm, đi sâu khai thác những câu chuyện thú vị, giàu tính nhân văn, cuốn sách đưa các em nhỏ đến với những chân trời kiến thức đầy hấp dẫn và lý thú.

Từ câu chuyện cuộc đời Einstein, độc giả nhí sẽ rút ra bài học bổ ích về nhân sinh quan, thế giới quan và những quan niệm giáo dục trong cuộc sống cũng như nhiều bài học thành công quý giá trên đường đời.

Albert Einstein anh 3

Cuốn sách chỉ ra sự thất bại của các danh nhân. Ảnh: Thu Huệ.

Bài học từ sự thất bại

Những tên tuổi làm nên sự nghiệp vĩ đại như Albert Einstein, Pablo Picasso, Alfred Nobel hay Beethoven cũng đã phải trải qua không ít thất bại. Câu chuyện về cách họ đứng dậy sau vấp ngã được kể trong cuốn Thất bại của danh nhân.

Thuở nhỏ, Einstein là cậu bé chậm chạp và vụng về. Ngoài các môn học liên quan tính toán, ở những lĩnh vực khác, ông đều dở tệ, đến mức bạn bè cùng trang lứa phải gọi ông là: “Đồ lề mề”, “Đồ ngốc nghếch”.

Ông còn thường xuyên thất bại vì tính tin người quá mức. Ông còn chán ghét việc học ở trường đến mức phải thốt lên: “Điều duy nhất làm ảnh hưởng đến việc học của tôi chính là giáo dục”. Thời gian trên lớp, khi bạn bè chăm chú ngồi nghe giảng thì đầu óc ông lại nghĩ về hàng loạt các vấn đề khác.

Trong cuốn sách, độc giả còn được tiếp cận một Einstein khiêm tốn, bình dị. Khi thành danh trong lĩnh vực Vật lý, ông chỉ cho rằng thành công đó là do bản tính tò mò và “gắn bó với thứ mình thích trong thời gian dài”.

Khác với các cuốn sách viết về danh nhân, ở ấn phẩm này, tác giả chủ yếu khai thác khía cạnh thất bại mà những tên tuổi vĩ đại đã vấp phải, từ đó truyền cảm hứng cho thế hệ độc giả ngày nay.

Cuốn sách chỉ ra cho các em nhỏ thấy rằng không một ai sinh ra đã thành công, mà đôi khi, chính nỗ lực lại biến khiếm khuyết, cá tính dị biệt thành chất xúc tác cho sự nghiệp vĩ đại.

Hồi ức của Leonard Mlodinow về Stephen Hawking

Gần hai thập kỷ làm bạn và cộng sự của Stephen Hawking, tác giả Leonard Mlodinow có nhiều kỷ niệm đẹp về thiên tài này. Ông viết sách với mong muốn thuật lại hồi ức ấy.

Tuổi thơ của Albert Einstein

Thiên tài Albert Einstein từng bị người hầu gái đặt cho biệt danh "cậu bé ngốc". Khi đi học, cậu thường không vâng lời giáo viên.

Thu Huệ

Bạn có thể quan tâm