Đối với tiểu thuyết gia và nhà viết kịch vĩ đại người Áo Thomas Bernhard, cuộc sống là một dạng sáng tác. Nhưng người anh cùng cha khác mẹ của Bernhard, Peter Fabjan, lại viết về một khía cạnh khác của ông trong cuốn sách A Life Alongside Thomas Bernhard: A Report. Cuốn sách được xuất bản bằng tiếng Đức vào tháng 1 vừa qua.
Ảnh Thomas Bernhard được chụp khoảng năm 1957, 1958. Ảnh: Helmut Baar/Getty Images. |
Một nghệ sĩ đích thực
Peter nhận định rằng: “Cuộc sống của tôi là bên cạnh một bóng ma".
Nằm trong top 10 cuốn sách bán chạy nhất ở Áo, và được tờ Die Welt (tạm dịch Thế giới) của Đức đánh giá là tác phẩm nên đọc.
Nhà phê bình Marc Reichwein viết trong Welt am Sonntag (tạm dịch Thế giới vào chủ nhật) rằng: "Đằng sau những câu nói của Fabjan, người ta cảm thấy 'những vết thương ám ảnh suốt cuộc đời của hai anh em'".
Bernhard hào phóng, có kỷ luật và dồi dào ý tưởng như một nghệ sĩ đích thực. Thế nhưng, ở đời sống thực, mặc dù được vây quanh bởi người thân và bạn bè, ông vẫn luôn dễ bị tổn thương, dằn vặt giữa “tình cảm và sự ghẻ lạnh”.
Fabjan viết: “Nếu Beethoven sáng tác Bản giao hưởng thứ chín của mình trong tình trạng không còn nghe thấy gì nữa, Bernhard lại làm việc trong tình trạng mất ý thức hoàn toàn về bản thể của mình".
Để có thể cảm nhận, Bernhard luôn cần một "bạn diễn" ăn ý; phản ứng của một người bạn diễn hợp gu với ông là cần thiết để thắp sáng tia lửa trong cuộc sống của chính Bernhard.
Nhưng một khi những người thân yêu của ông không đáp ứng những gì ông cần, Bernhard sẽ lạnh lùng gạt họ sang một bên mà như Fabjan mô tả hành vi của ông giống con "ma cà rồng" loại bỏ kẻ không còn giá trị.
Bản tiếng Việt cuốn Diệt vong của Thomas Bernhard, tác phẩm đoạt giải Hội Nhà văn Hà Nội năm 2018. Ảnh: T.Đ. |
Mối quan hệ với anh em cùng cha khác mẹ
Là anh em cùng cha khác mẹ, mối quan hệ của Bernhard và Fabjan rất phức tạp. Viết về mình và chị gái Susi, Fabjan nhớ lại: “Chúng tôi không được phép tự do yêu ghét. Thay vào đó là sự bắt buộc và chúng tôi phải chứng minh điều đó trong suốt cuộc đời của mình".
Tại các buổi ra mắt và các bữa tiệc văn học, Fabjan luôn đóng vai trò là “bạn diễn trầm lặng”. Sau đó, ông cũng đóng vai bác sĩ riêng của Bernhard, khi người anh cùng cha khác mẹ được chẩn đoán mắc bệnh u hạt vào năm 1978 và đối mặt với các vấn đề về sức khỏe đến hết đời.
Suốt những năm tháng đó, Fabjan đến thăm Bernhard thường xuyên như hình với bóng và ở bên cạnh khi ông lìa xa dương thế năm 1989.
Michael Hofmann, người dịch tác phẩm của Bernhard sang tiếng Anh, không ngạc nhiên trước những hồi ức của Fabjan.
“Rõ ràng là đối với Bernhard, những người khác là một thứ gì đó tựa như tài nguyên có thể sử dụng được. Ông ấy thường xuyên cần sự giúp đỡ của mọi người nhưng dường như rất ít khoan dung dành cho họ", ông nói.
Người duy nhất thực sự gần gũi với Bernhard có lẽ là Hedwig Stavianicek, góa phụ giàu có, đồng thời là người bạn của ông. Bernhard mô tả bà như hiện thân của Lebensmensch, một từ do chính ông tự nghĩ ra, có nghĩa đương thời chỉ người quan trọng nhất trong cuộc đời.
Fabjan nhận xét rằng Stavianicek là trung tâm của cuộc đời Bernhard, nhưng mối quan hệ này “không có sự lãng mạn”; Bernhard "về cơ bản chỉ yêu bản thân mình".
Cái chết của Stavianicek vào năm 1984 ít nhiều gây ảnh hưởng đến ông, khiến Bernhard như muốn biến mất khỏi thế giới khổ đau này.
Lần xuất hiện cuối cùng của Bernhard trước công chúng là ngày 4/11/1988, tại buổi ra mắt vở kịch gây tranh cãi nhất trong sự nghiệp của ông, Heldenplatz.
Đêm khai màn, tác phẩm phải đối mặt với sự phản đối từ các tờ báo lá cải và các nhóm cánh hữu, những người tuyên bố Bernhard đã bôi nhọ nước Áo.
Một ngày sau buổi ra mắt, Fabjan viết rằng Bernhard đã bị đột quỵ do chứng nhiễm trùng phổi nguy hiểm đến tính mạng. Ông qua đời 3 tháng sau đó, ngày 12/2/1989.
Trong khi đó, Ruth Franklin khẳng định trên tờ New Yorker vào năm 2006 rằng đó là cái chết do trợ tử, các cáo phó cùng thời và Fabjan đã xác nhận Bernhard bị đau tim.
“Giống như khi đến với thế giới này, tôi muốn rời xa nó”, Fabjan ghi lại lời Bernhard nói trong những ngày cuối cùng của mình.
Thomas Bernhard (1931-1989) là nhà thơ, nhà viết kịch và tiểu thuyết gia người Áo nổi tiếng. Ông được biết đến là tác gia Đức ngữ quan trọng nhất thời hậu chiến.
Những sáng tác của Bernhard được xem như thành tựu văn chương đỉnh cao kể từ sau Thế chiến II. Nổi tiếng là vậy, nhưng Bernhard có một tuổi thơ vô cùng cay đắng và gắn liền với bệnh tật. Cha ruột từ chối thừa nhận, ông nội và mẹ ông lần lượt qua đời khi ông chỉ là một cậu thanh niên.
Chính cái cảm giác bị bỏ rơi trong suốt những năm tháng tuổi trẻ và căn bệnh phổi nan y đã chi phối các tác phẩm của ông, bao trùm lên đó những triết lý đầy bi quan.