Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tuổi thơ của Albert Einstein

Thiên tài Albert Einstein từng bị người hầu gái đặt cho biệt danh "cậu bé ngốc". Khi đi học, cậu thường không vâng lời giáo viên.

Ngày nay, chúng ta coi Albert Einstein là bộ óc khoa học sáng tạo nhất của thế kỷ 20. Nhưng ban đầu, Albert là học sinh chậm chạp và yếu kém, với tính hay chống đối khiến cậu suýt bị đuổi khỏi trường. Hành trình dài từ tồi tệ đến rực rỡ của cậu không dễ dàng như phép tính E=mc2.

Ngay từ khi mới sinh vào năm 1879, Albert Einstein đã là sự thất vọng lớn với cả gia đình. “Mập quá, quá mập!”. Bà ngoại thốt lên ngay lần đầu tiên thấy cháu.

Mẹ của Albert, bà Pauline Einstein, đã mất tinh thần bởi kích thước và hình dạng đầu của con mình. Đầu cậu bé dường như quá lớn và nhọn một cách kỳ quặc. Bà tự hỏi liệu đứa con mới sinh của mình có phải là thứ quái vật ngoài hành tinh.

Cuối cùng, gia đình Albert cũng thấy thoải mái hơn một chút về thành viên mới này. Một bác sĩ đã thuyết phục mẹ cậu rằng trí óc con trai bà hoàn toàn bình thường. Và sau giai đoạn sơ sinh mũm mĩm, cậu bắt đầu lớn lên và phát triển với tốc độ tương đương những đứa trẻ khác, với một ngoại lệ. Albert rất chậm biết nói.

Cha mẹ của Albert đã tham khảo ý kiến của một chuyên gia y tế để tìm hiểu xem liệu cậu có bị ảnh hưởng khả năng học tập không. Thời đó, nhiều người lầm tưởng rằng nếu một người cứ im bặt thì chắc phải có điều gì đó không ổn với họ. Người hầu gái của gia đình Einstein đã nghĩ ra một biệt danh xấu xí cho Albert. Cô gọi cậu là "der Depperte", tiếng Đức có nghĩa là “cậu bé ngốc”.

Albert Einstein anh 1

Albert Einstein từng là một cậu bé khác biệt. Ảnh: ESP.

Theo lời kể của những người trong gia đình, Albert đã phá vỡ sự im lặng kéo dài của mình vào một buổi tối tại bàn ăn bằng cách kêu lên.

Cảm thấy nhẹ nhõm vì con mình đã nói được, bố mẹ hỏi tại sao cậu chưa bao giờ lên tiếng. “Bởi vì từ trước tới giờ, mọi thứ đều ổn mà!”, Albert trả lời.

Ngay cả khi đã bắt đầu nói, Albert cũng ít khi nói những gì mọi người mong chờ ở mình. Ví dụ, khi cậu hai tuổi, lần đầu tiên cậu để mắt tới em gái Maja của mình. Cậu nghĩ cô bé là đồ chơi và hỏi: “Những cái bánh xe nhỏ của nó đâu?”.

Khi cậu nhận ra rằng em gái mình không phải là một cỗ máy cơ giới, Albert đã trở thành bạn thân nhất của Maja, và cô bé thì thành người ủng hộ anh mình nhất.

Maja thường thấy anh trai mình tự chơi, thì thầm những từ và cụm từ. Cậu đã luyện tập cho đến khi cảm thấy đủ tự tin để nói to lên.

“Mỗi câu anh ấy thốt ra”, Maja sau này nhớ lại, “bất kể được nói nhiều đến thế nào, anh ấy đều khẽ khàng lặp lại, mấp máy môi”. Albert giữ thói quen này cho đến khi lên chín tuổi.

Albert sống phần lớn thời thơ ấu tại thành phố Munich nước Đức, nơi cha cậu, ông Hermann, điều hành một công ty nhỏ chuyên về thiết bị điện cùng với người anh trai của mình là bác Jakob. Hồi nhỏ, Albert dễ nổi cáu, có lẽ là do những khó khăn cậu gặp phải trong khi nói.

Khi giận sôi lên, khuôn mặt cậu biến thành một màu trắng ma quái. Đôi khi cậu còn trút sự thất vọng của mình lên em gái. Một lần, trong cơn thịnh nộ, cậu đã ném quả bóng gỗ để chơi bowling vào Maja. Một lần khác, cậu dùng cuốc vườn đánh vào đầu em.

Khi bắt đầu đi học, Albert đã học được cách kiềm chế tính nóng nảy của mình. Nhưng cậu không bao giờ hòa đồng với các giáo viên, và nổi tiếng là một học sinh khó bảo. Cậu dành phần lớn thời gian trong lớp để nhìn chằm chằm vào không trung, suy nghĩ về bất cứ điều gì ngoại trừ chủ đề đang được dạy.

Albert đặc biệt thích làm các giáo viên của mình bối rối. Cậu hỏi họ những câu phức tạp mà cậu biết họ sẽ không thể trả lời. Thái độ và sự không vâng lời của cậu đã khiến một trong số giáo viên tuyên bố rằng Albert sẽ không bao giờ đạt được thành công trong cuộc sống.

Mẹ Albert hy vọng rằng âm nhạc sẽ đưa đến một cách giải tỏa tích cực cho con trai mình. Vì vậy, khi Albert lên năm tuổi, bà thuê một gia sư dạy cậu chơi violin.

Albert thấy những bài luyện nhạc bất tận này tẻ nhạt đến mức cậu đã ném một chiếc ghế vào cô giáo của mình, khiến cho người này phải chạy ra khỏi nhà trong nước mắt.

David Stabler / NXB Kim Đồng

SÁCH HAY