Trong cuộc phỏng vấn mới đây với tờ Nikkei, CEO hãng hàng không giá rẻ AirAsia Tony Fernandes tiết lộ kế hoạch về việc thâm nhập các thị trường mới ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, Việt Nam không còn nằm trong kế hoạch của AirAsia.
Sau 3 lần thất bại trong việc thành lập một hãng hàng không liên doanh ở Việt Nam, ông Fernandes cho biết đã chuyển hướng sang các quốc gia khác như Campuchia, Myanamar.
"Bây giờ tôi không có kế hoạch gì ở Việt Nam sau 3 lần thử. Chúng tôi không thể tìm được đối tác phù hợp và tôi nghĩ đã có quá nhiều hãng hàng không ở Việt Nam. Thời của chúng tôi sẽ đến", CEO AirAsia trả lời Nikkei.
Tháng 4 năm nay, liên doanh giữa AirAsia và Thiên Minh Group của đại gia Trần Trọng Kiên đã tan rã sau 2 năm theo đuổi đề án thành lập một hãng hàng không giá rẻ mới ở Việt Nam.
Sau đó, Thiên Minh Group tự nộp đề án xin thành lập hãng hàng không Cánh Diều (Kite Air) với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Lãnh đạo AirAsia khi đó cũng khẳng định đang tìm đối tác mới phù hợp để thành lập hãng hàng không liên doanh ở Việt Nam sau khi chia tay Thiên Minh.
CEO AirAsia Group Tony Fernandes. Ảnh: Thestar.my.com |
Trước đó, AirAsia từng suýt cất cánh ở Việt Nam trong vai trò đối tác chiến lược của Vietjet Air. Liên doanh với thương hiệu Vietjet AirAsia dự kiến cất cánh vào năm 2010 nhưng vấp phải sự phản đối của Vietnam Airlines.
Cục Hàng không cũng khuyến nghị Vietjet Air phải có thương hiệu, không được nhầm lẫn với bất kỳ hãng hàng không nào khác, nhất là hãng hàng không nước ngoài. AirAsia sau đó chấp nhận thoái vốn khỏi liên doanh với Vietjet Air.
3 năm trước, AirAsia tìm được đối tác chiến lược đầu tiên để thành lập liên doanh ở Việt Nam là Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Vinashin. Hai bên khi đó đạt thỏa thuận với việc AirAsia chịu trách nhiệm khai thác bay, góp 30% vốn còn Vinashin sẽ chuẩn bị thủ tục xin cấp phép bay.
Tuy nhiên, Chính phủ thời điểm đó không có chủ trương cấp phép thành lập hãng hàng không mới, nhất là hãng bay có vốn đầu tư nước ngoài.
Tính cả lần chạy đua trở thành cổ đông chiến lược của hãng hàng không Pacific Airlines, tiền thân của Jetstar Pacific, năm 2005 nhưng thất bại trước Qantas, AirAsia đã 4 lần thâm nhập thị trường Việt Nam bất thành.
"Việc tìm một đối tác đáng tin cậy đôi khi cũng dễ thôi nhưng chúng tôi phải chắc chắn mình có thể đem lại điều gì đó đặc biệt trong thị trường và cơ sở sân bay phải đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của hãng hàng không. Vấn đề chưa bao giờ nằm ở chuyện giấy phép", CEO AirAsia chia sẻ với Nikkei.
"Tôi thích Campuchia, Myanmar và Trung Quốc", ông Fernandes chia sẻ thêm. CEO AirAsia cho biết đang tìm một đối tác để thành lập hãng hàng không ở Campuchia.
Trong dài hạn, ông Fernandes cho biết AirAsia cũng muốn lập một hãng hàng không ở Trung Quốc. Quốc gia đông dân nhất thế giới là thị trường quan trọng của AirAsia. Gần 20% doanh số hàng năm của hãng đến từ các đường bay đến Trung Quốc.
AirAsia hiện là hãng hàng không giá rẻ lớn thứ hai tại châu Á sau Lion Air tính theo quy mô đội bay. Tổng số tàu bay AirAsia đang khai thác là 277 chiếc. AirAsia có trụ sở tại Malaysia và nhiều hãng bay liên doanh ở Thái Lan, Indonesia, Philippines, Ấn Độ và Nhật Bản.