Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Ai vừa soán ngôi người giàu nhất Trung Quốc?

Thành lập sàn TMĐT chuyên bán hàng giá rẻ, kèm chương trình khuyến mãi chạm đáy, Colin Huang nhanh chóng thăng hạng trong hàng ngũ những người giàu nhất thế giới.

Nguoi giau nhat Trung Quoc anh 1

Với khối tài sản trị giá 48,6 tỷ USD, Colin Huang, nhà sáng lập tập đoàn TMĐT khổng lồ PDD Holdings, đã thay thế vua nước đóng chai Zhong Shanshan để trở thành người giàu nhất Trung Quốc.

Theo Bloomberg, Huang cũng là ông trùm công nghệ đầu tiên xuất hiện trên bảng xếp hạng tỷ phú trong hơn 3 năm. Áp lực của chính phủ đối với doanh nghiệp tư nhân khiến các đối thủ như Alibaba của Jack Ma rơi vào đà suy giảm.

“Jack Ma và Jeff Bezos từng là những lãnh đạo nổi bật trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT). Nhưng thời thế đã thay đổi. Huang đang đạt được thành công lớn với một cách tiếp cận khác, ít công khai hơn”, Brock Silvers, giám đốc điều hành của công ty cổ phần tư nhân Kaiyuan Capital nhận xét.

Thần đồng toán học

Không giống như Jack Ma - từ giáo viên tiếng Anh trở thành cha đẻ Alibaba - Colin Huang đại diện cho thế hệ doanh nhân công nghệ mới của Trung Quốc. Họ là những người bắt đầu sự nghiệp với những cơ hội vươn ra toàn cầu.

Năm 12 tuổi, tài năng toán học nổi bật đã giúp Huang có được một suất vào Trường Ngoại ngữ Hàng Châu (HFLS) danh giá. Tại đây, ông được học với những đứa trẻ thuộc tầng lớp xã hội cao của Trung Quốc. Sau khi tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, ông rời Trung Quốc vào năm 2002 để theo học thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.

2 năm sau khi tốt nghiệp, ông quay lại góp sức thành lập Google Trung Quốc. Ông thành lập công ty đầu tiên của mình vào năm 2007, sau đó bán nó vào năm 2010 để thành lập một công ty mới, giúp các doanh nghiệp tự marketing trên các trang web như Taobao, JD.com. Khi căn bệnh nhiễm trùng tai buộc ông phải nghỉ bệnh vào năm 2013, ông đã ấp ủ ý tưởng thành lập Pinduoduo (PDD).

Nguoi giau nhat Trung Quoc anh 2

Colin Huang tại bữa tiệc niêm yết Nasdaq của Pinduoduo năm 2018. Ảnh: Visual China Group.

Trả lời phỏng vấn với tạp chí Caijing năm 2018, Huang cho biết: “PDD sinh ra không phải là để người dân Thượng Hải cảm thấy như đang sống một cuộc sống sang chảnh ở Paris, mà là giúp người dân ở tỉnh lẻ An Huy có giấy ăn và trái cây tươi. Mục tiêu của tôi không phải là giá rẻ, mà là làm cho người dùng cảm thấy như họ đã mua được hàng giá hời”.

Kết hợp kinh nghiệm trong TMĐT và ngành game, Huang đã biến Pinduoduo thành một ứng dụng mua sắm tích hợp trò chơi, với các tính năng thú vị để khuyến khích người dùng truy cập hàng ngày. Viết trong bản cáo bạch IPO của công ty, Huang nói Pinduoduo giống như sự kết hợp giữa Costco và Disneyland.

Pinduoduo còn phát thưởng tiền mặt cho người dùng khi chơi game, giới thiệu khách hàng mới. Cách tiếp cận của ông đã thu hút đông đảo người mua và người bán. Đây là chìa khóa cho mô hình kinh doanh của công ty.

Mặc dù gia nhập muộn, công ty đã phát triển thành gã khổng lồ TMĐT trị giá 185 tỷ USD nhờ chiến lược giảm giá đến mức giá chạm đáy. Cách làm này càng trở nên hấp dẫn khi nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm.

Khách hàng có thể tham gia các nhóm mua hàng trên nền tảng và mua số lượng lớn mọi thứ từ quần áo, đồ điện tử đến thực phẩm. Ví dụ họ chỉ cần trả 17,7 nhân dân tệ (2,50 USD) cho một chiếc áo phông hoặc 9,8 nhân dân tệ cho một hộp bánh quy 80 gói.

“Ngoài giá rẻ, công ty còn có thị phần khá cao ở các thành phố và thị trường cấp thấp. Cạnh tranh trên thị trường vẫn sẽ tiếp diễn nhưng tôi nghĩ PDD Holdings có lợi thế lớn”, chiến lược gia Kenny Ng tại Everbright Securities International nói với Forbes.

Thời đại của thương mại điện tử giá rẻ

Sau khi từ chức CEO của PDD vào năm 2020, Huang dần ít xuất hiện trước công chúng. Ông cũng rời khỏi hội đồng quản trị với tư cách chủ tịch vào năm 2021, khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu có biện pháp kiềm chế những gã khổng lồ công nghệ của nước này.

Đó cũng là khoảng thời gian mà PDD và giá trị tài sản ròng của ông bắt đầu sụt giảm.

Song, Temu, công ty hoạt động bên ngoài Trung Quốc của PDD, nhanh chóng trở thành nguồn lợi nhuận hàng đầu và vực dậy tình hình kinh doanh của công ty. Ra mắt vào tháng 9/2022, Temu chỉ mất một thời gian ngắn để vươn lên dẫn đầu App Store tại Mỹ.

Khách hàng mục tiêu của hãng là những người Mỹ mệt mỏi vì lạm phát tăng cao, ảnh hưởng đến các sản phẩm giá rẻ, thiếu những thương hiệu Trung Quốc. Trong báo cáo doanh thu năm 2023, PDD thu về khoảng 248 tỷ nhân dân tệ (35 tỷ USD), tăng 90% so với năm 2022.

Neil Saunders, nhà phân tích bán lẻ tại GlobalData Retail, cho biết: “Trong bối cảnh kinh tế đi xuống, mọi người đang tìm những mặt hàng mang lại giá trị lớn cho cùng một số tiền họ phải bỏ ra, tức là tìm hàng giá rẻ. Vì vậy, đây là thời điểm để các nhà bán lẻ như Temu tỏa sáng”.

Những yếu tố này kết hợp với việc Trung Quốc bãi bỏ chính sách Zero Covid vào tháng 12/2022 đã khiến định giá của PDD tăng vọt. Tháng 11, công ty đã lần đầu tiên vượt qua Alibaba để trở thành công ty Internet lớn thứ 2 Trung Quốc. Kể từ đó, đây là 2 đối thủ luôn so kè nhau trên thị trường.

Nguoi giau nhat Trung Quoc anh 3

Temu là nền tảng thương mại điện tử thuộc sở hữu của PDD Holdings. Ảnh: Nikkei.

Tuy nhiên, sự tăng trưởng chóng mặt của Temu đã thu hút sự chú ý trong và ngoài nước. Các đợt khuyến mãi giảm giá siêu rẻ của Temu khiến một số thương nhân và người bán bên thứ 3 bất mãn. Họ cảm thấy gã khổng lồ TMĐT đang ngày càng ép giá nhà bán để kiếm doanh thu.

Đỉnh điểm là hàng loạt cuộc biểu tình công khai vừa diễn ra trong mùa hè năm nay. Hàng trăm nhà bán nhỏ lẻ đã tập hợp trước văn phòng Temu ở Quảng Châu, hô khẩu hiệu phản đối những mức phí, phạt tiền không công bằng mà công ty đang áp dụng trên nền tảng.

Các nhà phân tích cũng tỏ ra quan ngại về việc nền tảng Temu sẽ phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của chính phủ khi căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ gia tăng. Các nhà đầu tư bắt đầu lo lắng bởi các cơ quan quản lý trên toàn thế giới đang có động thái muốn áp thuế cao hơn đối với Temu, nhằm bảo vệ các doanh nghiệp địa phương khỏi làn sóng hàng hóa giá rẻ tràn vào.

Nói với Forbes, nhà nghiên cứu Ke Yan của DZT Research cho rằng rủi ro pháp lý của Temu dễ xử lý hơn TikTok. Ứng dụng video ngắn của ByteDance, Trung Quốc đang phải đối mặt với thế tiến thoái lưỡng nan, hoặc bị cấm hoặc thoái vốn ở Mỹ. Các nhà lập pháp Mỹ cho rằng ứng dụng gây ra rủi ro an ninh quốc gia, vì chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu người dùng, gây ảnh hưởng ở Mỹ thông qua nội dung trên nền tảng.

Trong khi đó, Temu không phải nền tảng phân phối nội dung. Sàn TMĐT này ít có khả năng được sử dụng để gây ảnh hưởng chính trị lên Mỹ, Ke Yan nhận định.

Những câu chuyện ít được biết về tỷ phú công nghệ

Tủ sách Công nghệ đem đến cho độc giả những cuốn sách hay nhất, đúc kết hàng trăm giờ chia sẻ của Steve Jobs, Elon Musk và những người liên quan. Chúng chứa đựng những câu chuyện công nghệ thú vị, ít khi được bật mí.

Thúy Liên

Bạn có thể quan tâm