Cương vị này đòi hỏi khá nhiều, khi thường xuyên hứng chịu công kích từ các đài truyền hình và trùm kinh doanh, áp lực từ các chính khách, hay người biểu tình được thuê đến trước cửa nhà bạn.
Những lời đe dọa đôi lúc không hề giấu giếm. Ngày 8/7, một quan tài và các vòng hoa được đặt gần nhà của Yakiv Smolii, cựu thống đốc ngân hàng trung ương. Ông nói bị tổng thống gây sức ép buộc phải rời cương vị vào ngày 30/6.
Người đi bộ trước trụ sở ngân hàng trung ương Ukraine ở Kyiv năm 2017. Ảnh: Bloomberg. |
Đe dọa sự độc lập của ngân hàng trung ương
Theo Washington Post, các diễn biến trên tiếp tục xé tan những cam kết của vị tổng thống xuất thân từ danh hài Volodymyr Zelensky. Ông Zelensky lên nắm quyền năm ngoái, hứa hẹn loại trừ tham nhũng tràn lan hàng thập kỷ trong nền chính trị, tư pháp và kinh doanh của Ukraine.
Nhưng không chỉ liên quan tới nội bộ Ukraine, việc ngân hàng trung ương bị gây sức ép còn có khía cạnh quốc tế, có thể khiến Ukraine mất đi ủng hộ của những bên mà nước này cần nhất: Mỹ, châu Âu và các định chế tài chính quốc tế - vốn luôn coi ngân hàng trung ương phải độc lập với chính quyền, như một quy tắc căn bản.
Việc ngân hàng trung ương Ukraine (viết tắt là NBU) bị gây áp lực có thể đe dọa hàng tỷ USD tiền hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các tổ chức khác.
Một số nhà phân tích cho rằng áp lực lên NBU có thể đến từ ông trùm đầy quyền lực Ihor Kolomoisky, muốn làm suy yếu NBU để giành lại kiểm soát ngân hàng mà ông từng làm chủ, PrivatBank. PrivatBank bị ngân hàng trung ương quốc hữu hóa vào năm 2016.
Thống đốc NBU bị dọa giết
Những rắc rối chính trị xoay quanh NBU còn xảy ra với người tiền nhiệm của ông Smolii, bà Valeria Gontareva. Bà Gontareva đã phải kêu gọi IMF ngừng cấp vốn cho Ukraine, thậm chí thu hồi vốn đã hỗ trợ, nếu sự độc lập của NBU không được bảo vệ.
Tháng 6 vừa qua, IMF hỗ trợ Ukraine 2,1 tỷ USD vốn vay, nhưng các điều kiện bao gồm ngân hàng trung ương phải độc lập, tỷ giá hối đoái thả nổi, và liên tục kiềm chế lạm phát. Điều kiện nữa của IMF là Ukraine phải thông qua luật vào tháng 5 vừa qua để ngăn ông trùm Kolomoisky giành lại kiểm soát PrivatBank.
Bà Gontareva phải chạy sang Anh năm 2017 sau khi nhà của bà bị phá hoại, và những người bịt mặt mang súng đem tới trụ sở NBU một chiếc quan tài, bên trong có hình nộm của bà dính đầy máu.
Quan tài có hình nộm giống bà Gontareva ở trước trụ sở ngân hàng ngày 1/3/2017. Ảnh: AFP. |
Năm ngoái, những người bịt mặt có súng máy lại đột nhập vào căn hộ của bà ở Kyiv, và một căn nhà khác của bà ở ngoại ô bị cháy rụi.
Cơ quan tình báo nội địa của Ukraine (SBU) đưa ra cảnh báo không làm ai an lòng, nói các cựu quan chức ngân hàng trung ương không nên bình luận về hoạt động của ngân hàng.
Giới phân tích cho rằng cảnh báo đó ngầm ám chỉ Gontareva, Smolii và một số người khác. Bà Gontareva từng nói cơ quan tình báo Ukraine SBU là “KGB của Ukraine”, ý nói tới cơ quan tình báo đáng sợ thời Liên Xô.
“Cải cách đã chết ở Ukraine”?
Các ý kiến phản đối dấy lên ở Ukraine từ ngày 4/3, khi Tổng thống Zelensky đột ngột sa thải Thủ tướng có xu hướng cải cách, Oleksiy Honcharuk, và cả nội các. Sau đó, Trưởng công tố Ruslan Ryaboshapka bị buộc thôi việc sau khi cải tổ hệ thống công tố để trừ tham nhũng.
Ông Smolii, cựu thống đốc NBU, bị buộc thôi việc sau khi họp với ông Zelensky ngày 30/6. Ông nói can thiệp chính trị khiến ông không thể làm việc được.
Cựu thống đốc NBU Yakiv Smolii rời đi sau phiên bỏ phiếu ở Quốc hội Ukraine ngày 3/7. Ảnh: AFP. |
Ngày 8/7 vừa qua, ông Zelensky kêu gọi phá giá đồng tiền của Ukraine tới 11%. “Một mặt, ông Zelensky giả vờ ủng hộ sự độc lập của ngân hàng trung ương, mặt khác ông ngay lập tức phá hỏng mọi cải cách”, bà Gontareva nói.
Trước khi rời Ukraine, bà Gontareva đóng cửa hàng chục ngân hàng và quốc hữu hóa PrivatBank, ngân hàng lớn nhất của Ukraine, vào năm 2016, sau khi 5,5 tỷ USD tiền gửi bị mất.
Điều đó khiến bà trở thành kẻ thù của chủ PrivatBank, ông Kolomoisky, người được cho là đang bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) điều tra nghi vấn rửa tiền. Văn phòng tổng thống Ukraine vẫn nói ủng hộ sự độc lập của ngân hàng trung ương, và phủ nhận việc buộc ông Smolii từ chức.
Nhưng ông Smolii nói trong cuộc họp, việc tổng thống gây sức ép là rõ ràng. Phía IMF cho biết việc NBU bị sức ép chính trị nên là lo ngại cho tất cả mọi người.
“Cải cách dường như đã chết ở Ukraine”, Timothy Ash, chuyên gia phân tích thị trường mới nổi, nói.
“Lo ngại hiển nhiên bây giờ là chúng ta sẽ quay lại những chính sách kinh tế thảm họa dưới thời cựu tổng thống Viktor Yanukovych”, ông nói thêm, nhắc đến cựu tổng thống Ukraine thân Nga bị lật đổ năm 2014 sau nhiều tháng liền biểu tình.