Báo cáo tài chính quý II của Công ty Cổ phần hàng không Vietjet (Vietjet Air) vừa công bố ghi nhận doanh nghiệp đạt tới 5.648 tỷ đồng doanh thu, thu về 667 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng tới 90% so với cùng kỳ. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong một quý mà hãng tạo ra được khi thành lập đến nay.
Nửa đầu năm 2017, Vietjet Air đạt 10.743 tỷ đồng doanh thu, lãi trước thuế 1.091 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2016.
Kết quả kinh doanh của Vietjet Air với hoạt động chủ yếu là vận tải hành khách hàng không tăng trưởng mạnh nhờ hãng đưa vào khai thác thêm 5 máy bay A321 mới, cùng với 5 máy bay thuê.
Kết quả kinh doanh vận tải hàng không của Vietjet Air tăng trưởng rất mạnh trong những năm gần đây. Biểu đồ: Quang Thắng. |
Theo Vietjet Air, từ cuối quý II/2016 đến nay, hãng đã tăng đội bay từ 38 chiếc lên 45 chiếc, mở rộng thêm 20 đường bay cả quốc tế và nội địa, nâng tổng số đường bay lên 73 đường tại thời điểm 30/6.
Hãng cũng tăng tần suất chuyến bay giúp tổng số chuyến thực hiện tăng 17% so với cùng kỳ. Đây là nguyên nhân trực tiếp giúp kết quả doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh.
Tính đến 30/6, hãng hàng không giá rẻ này ghi nhận khoản doanh thu nhận trước thực hiện trong vòng 12 tháng lên tới 1.564 tỷ đồng. Phần lớn trong khoản này là tiền khách hàng đã trả mua vé máy bay của Vietjet Air nhưng chưa bay ở thời điểm hiện tại.
Trong 6 tháng đầu năm, Vietjet Air cũng thanh toán xong 12.300 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn. Tuy nhiên, hãng lại ghi nhận khoản vay ngắn hạn gia tăng thêm 11.719 tỷ đồng. Vietjet Air có tổng cộng 5.500 tỷ đồng nợ vay sẽ đến hạn trả trong vòng 12 tháng tiếp theo.
Chủ nợ lớn nhất chính là VietinBank với 2 khoản cho vay tổng giá trị 3.356 tỷ đồng. Hãng cũng đạt thỏa thuận với HDBank một khoản vay bằng USD tương đương 864 tỷ đồng, đồng thời tất toán 107 tỷ đồng tiền vay tại đây.
Một số chủ nợ ngắn hạn khác của Vietjet Air là Vietcombank với 178 tỷ đồng, khoản vay tại MBBank bằng USD tương đương 906 tỷ đồng và 130 tỷ đồng tại HSBC.
Trong kỳ, Vietjet Air đã tất toán một số khoản nợ vay ngắn hạn từ đầu năm như 334 tỷ đồng tại TPBank, 433 tỷ đồng tại ABBank, 894 tỷ đồng tại BIDV hay 128 tỷ đồng tại MaritimeBank…
VietinBank đang là chủ nợ lớn nhất của Vietjet Air với 2 khoản cho vay tổng trị giá hơn 3.356 tỷ đồng. Biểu đồ: Quang Thắng. |
Ngoài ra, Vietjet Air còn có khoản vay dài hạn tại MBBank với giá trị tại ngày 30/6 là 721 tỷ đồng và đáo hạn năm 2028. Khoản vay này được đảm bảo bằng các máy bay số hiệu A320 MSN 7167, VNA675.
Báo cáo cũng cho biết hãng có 2.637 tỷ đồng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, trong đó gồm 14,2 tỷ đồng tiền mặt và 2.623 tỷ đồng tiền gửi ngân hàng lấy lãi.
Kết quả kinh doanh tốt, nhưng nửa đầu năm cũng ghi nhận hãng hàng không giá rẻ này gặp nhiều phản ứng của khách hàng liên quan tới việc chậm, và hủy chuyến bay.
Theo số liệu từ Cục hàng không, trong 6 tháng đầu năm, Vietjet Air đã thực hiện 49.471 chuyến bay, trong đó có 5.791 chuyến bị chậm (tỷ lệ 14,4%), 30 chuyến bị hủy (tỷ lệ 0,1%), giảm so với cùng kỳ 2016
Một chuyên gia hàng không cho biết tỷ lệ chậm chuyến khoảng 10% trở lại là tỷ lệ trung bình của ngành hàng không thế giới, và là mức chấp nhận được.