Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ai cũng có thể ra sách với công nghệ xuất bản điện tử

Ứng dụng công nghệ trong ngành xuất bản, việc ra mắt một tác phẩm có thể dễ dàng, tiết kiệm, nhanh gọn hơn nhiều, song hình thức mới này còn gặp nhiều thách thức.

Với cơ chế xuất bản truyền thống, hiện nay trung bình các nhà xuất bản, nhà in, công ty phát hành sách, năng lực sản xuất đáp ứng được khoảng 30% số lượng bản thảo được gửi đến, chưa kể hàng trăm công trình nghiên cứu, tác phẩm nghệ thuật có giá trị vẫn còn đang bỏ ngỏ mà chưa được giới thiệu với công chúng. Chính vì vậy, ngành xuất bản cần phải đưa công nghệ số để giải quyết những vấn đề trên.

Mới đây, một nền tảng công nghệ xuất bản điện tử có tên iPub đã ra mắt. Với nền tảng này, các tác giả tham gia có thể dễ dàng tìm kiếm nơi xuất bản tác phẩm cho mình, có thể “rút ngắn quy trình và minh bạch chi phí xuất bản, các bản thảo đều có cơ hội xuất bản và gửi đến bạn đọc của mình một cách nhanh chóng nhất”.

Công nghệ xuất bản điện tử trước sự khó khăn của sách giấy

Xuất bản điện tử không phải hình thức mới trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, đây là lần đầu tiên một nền tảng công nghệ xuất hiện, cho phép tác giả xuất bản sách một cách thuận tiện, nhanh chóng.

Nếu xuất bản theo hình thức truyền thống, khi tác giả gửi bản thảo, cần 30 ngày để chờ nhà xuất bản thẩm định, phản hồi xem sách có tiềm năng xuất bản hay không. Nếu được, cần chờ ít nhất 60 ngày để biên tập, in ấn, xin giấy phép xuất bản, phát hành. May mắn sách được phát hành, tác giả cũng cần chờ đợi các kênh bán sách, nhà phát hành, báo cáo theo năm xem sách mình bán được bao nhiêu bản.

Với nền tảng xuất bản điện tử, tác giả chỉ cần khoảng 72 giờ để được xuất bản tác phẩm tới công chúng. Nếu tự tin tác phẩm hay, tác giả có thể tự bỏ chi phí để in, hoặc kêu gọi cộng đồng góp vốn (crowd funding). Tác phẩm xuất bản, lượng người đọc, mua tác phẩm cũng sẽ hiển thị minh bạch, tác giả kiểm soát, đánh giá được lượng sách của mình.

Nền tảng xuất bản này không chỉ đánh giá tiềm năng bản thảo, tìm vốn, xin cấp giấy phép, mà cung cấp cả dịch vụ biên tập, và tác giả có thể tùy chọn tự thiết kế được cuốn sách của mình.

Cong nghe xuat ban dien tu giup ra sach de dang anh 1
Từ trái qua: Bà Minh Huệ, ông Cảnh Binh, ông Hoàng Hải tại tọa đàm về công nghệ xuất bản điện tử. 

Trước sự xuất hiện của nền tảng công nghệ xuất bản điện tử, một buổi tọa đàm có tên “Cách mạng công nghiệp 4.0 - Thách thức hay cơ hội đối với ngành xuất bản” tổ chức chiều 9/3.

Tại chương trình, ông Nguyễn Cảnh Bình - Chủ tịch hội đồng quản trị Alphabooks - đánh giá ngành xuất bản ở Việt Nam nói riêng, thế giới nói chung không phải là ngành giàu có. Nhiều yếu tố khó khăn mà ngành xuất bản phải đối mặt như câu chuyện tác giả không sống được bằng nghề viết, cuộc chiến với sách lậu như căn bệnh trầm kha... Đi lên từ nền tảng thấp, không mang về nhiều lợi nhuận, nên ngành xuất bản rất ít thu hút những quỹ đầu tư, đại gia giàu có.

“Trước những thách thức đó, ngành xuất bản truyền thống đang thu hẹp lại. Liệu ngành xuất bản có đi tới vực thẳm?”, ông Cảnh Bình đặt câu hỏi.

Trước đầy rẫy khó khăn, ngành xuất bản truyền thống có thêm thách thức khi đứng trước cơn bão của cuộc cách mạng công nghệ. Ông Mã Hoàng Hải - CEO Rada (ứng dụng Rada từng nhận gói tài trợ 1 tỷ từ Facebooks) - cho rằng xuất bản sách điện tử có từ rất lâu rồi.

Amazon từ bán sách, ebook đã trở thành một công ty công nghệ hàng đầu thế giới. 7 năm trước, ông Hải cùng một vài người bạn đã ôm ấp một cuộc chơi sách audiobook, sách tương tác. “Chúng tôi đã nhìn thấy sự dịch chuyển trong xuất bản từ đó. Giờ đây công đoạn xuất bản sẽ rút ngắn nhờ ứng dụng công nghệ”, ông Hoàng Hải nói.

“Tôi vẫn tin công nghệ, internet không phải điều gì bó hẹp, mà mở ra cánh cửa mới cho ngành xuất bản”, ông Nguyễn Cảnh Bình nói. Hơn 10 năm làm việc trong ngành xuất bản, ông Bình nhận định công nghệ mở ra cánh cửa cho việc đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, ngành vận tải, hoặc trong lĩnh vực phát hành... Vì vậy công nghệ cũng sẽ tạo cơ hội cho xuất bản. Điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra hướng đi đúng cho ngành xuất bản, mở đúng cánh cửa.

Bà Nguyễn Minh Huệ - Giám đốc NXB Công thương - cho rằng xuất bản điện tử vừa là cơ hội, vừa là thách thức hiện nay. Bà Huệ nói ebook thuận tiện, dễ tìm kiếm, đi tới ebook là xu thế tất yếu. Tới nay, rất nhiều nhà xuất bản đã tiếp cận mảng sách điện tử. Nhưng so với sách giấy ở Việt Nam, ebook còn rất khiêm tốn.

Những thách thức cho nền tảng xuất bản mới

Mặc dù nhìn nhận đi tới xuất bản điện tử là xu thế tất yếu, song các diễn giả tại tọa đàm cũng phân tích ngành sách đang gặp nhiều thách thức.

“Công nghệ xuất bản ở Việt Nam gặp một thách thức mà ở nhiều nền xuất bản khác không gặp phải, đó là giấy phép. Chúng tôi hy vọng ngày nào đó có thể xin giấy phép online, việc cấp giấy phép nhanh hơn, áp dụng được trí tuệ nhân tạo trong việc đánh giá bản thảo”, ông Nguyễn Cảnh Bình nêu khó khăn.

Là một người khởi nghiệp, ông Mã Hoàng Hải nhìn nhận công nghệ xuất bản điện tử cũng giống như các dự án khởi nghiệp khác, đều sẽ vấp một khó khăn đó là chưa có hành lang pháp lý rõ ràng.

“Trước cái mới, công nghệ mới xuất hiện, nó luôn nằm trong một vùng mờ, người làm luật hoặc chấp nhận vùng mờ để nó phát triển, hoặc loại bỏ nó khỏi cuộc chơi. Cộng đồng start up chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp như vậy. Tôi hy vọng ngành xuất bản cũng sẽ phấn đấu, nỗ lực, cùng nhau tạo ra môi trường thân thiện, tốt hơn khi áp dụng xuất bản điện tử”, ông Mã Hoàng Hải nói.

Cong nghe xuat ban dien tu giup ra sach de dang anh 2
Giao diện iPub - nền tảng xuất bản điện tử đã bắt đầu hoạt động. 

Trước những khó khăn, thách thức của xuất bản điện tử, ông Nguyễn Cảnh Bình tỏ ra lạc quan với công nghệ xuất bản điện tử. Theo ông Cảnh Bình, bất cứ hình thức xuất bản nào đều cần phải hướng đến quyền lợi độc giả. Xuất bản thật ra là lan tỏa tri thức. Ngày xưa khi chưa có giấy con người viết trên da bò, thẻ tre. Sau này có giấy, có máy in, ngành xuất bản thay đổi chóng mặt, tác động lớn tới thế giới, con người bước vào kỷ nguyên Gutenberg - đặt theo tên người phát minh ra máy in. Giờ đây có nền tảng số.

“Xuất bản hướng tới lan tỏa tri thức bằng các hình thức, nền tảng là điều cốt lõi. Các vẫn đề về bản quyền, giấy phép, tính pháp lý… tất cả đều là những điều kiện phụ, chúng ta có thể vượt qua”, ông Cảnh Bình nói.

Khi nền tảng công nghệ xuất bản điện tử iPub ra mắt, một số tác giả tỏ ra khá hào hứng. Phần lớn họ đều là những tác giả mới, đang loay hoay tìm cách giới thiệu tác phẩm ra công chúng, hoặc thiếu kiên nhẫn với cách xuất bản truyền thống mất nhiều thời gian.

Nhà văn Nguyễn Đình Tú - một cây bút với hơn 10 tiểu thuyết phát hành và có lượng fan lớn, nói anh có thể sẽ thử nghiệm với nền tảng xuất bản mới, tuy nó vẫn có nhiều điểm cần hoàn thiện.

Tác giả Xác phàm đặt ra 3 câu hỏi với xuất bản điện tử. Anh cho rằng, xuất bản điện tử có ưu điểm là minh bạch tài chính với người viết, song điều đó sẽ không có ý nghĩa nếu tác giả không có lợi nhuận. Liệu xuất bản trên nền tảng này, tác giả có bán được sách để bù vốn, quản lý chi phí hay không?

Nguyễn Đình Tú cho rằng, nếu không cẩn thận, công nghệ xuất bản điện tử có thể sẽ phủ nhận vai trò của người thẩm định bản thảo, mà quá đề cao vai trò bạn đọc. Một tác phẩm nếu viết không hay, nhưng gây tò mò, giật gân vẫn có nhiều người đọc, và xuất bản điện tử đưa nó thành best-seller theo ý số đông. Lợi thế của xuất bản điện tử là nhanh, nhiều nhưng gặp phải thách thức là làm sao cân đối được chất lượng tác phẩm.

Theo Nguyễn Đình Tú, khi nền tảng xuất bản công nghệ điện tử ra đời, nó là xu hướng tất yếu, về lâu dài, nó sẽ phát hủy cách trở thành một nhà văn truyền thống. Các cây bút không cần lấy giải thưởng, vào hội nhà văn… cũng đều có thể trở thành những tác giả danh tiếng nếu khai thác hiệu quả công nghệ xuất bản điện tử.


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm