Diễn đàn xuất bản 2019 khai mạc sáng 26/2 tại trung tâm triển lãm Eurasia, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Trong ngày làm việc đầu tiên, các đại biểu đã cùng nhau bàn về những vấn đề ngành xuất bản của hiện tại và tương lai.
Phát biểu trong lễ khai mạc, ông Mustafa Dogru - Chủ tịch hội Báo chí, Xuất bản và Bản quyền (Turkish Press and Publishers Copyright & Licensing Society) - chào đón các chuyên gia, khách mời và lãnh đạo xuất bản cả thế giới đã đến tham dự. Ông cam kết làm hết mình để 3 ngày diễn đàn đạt hiệu quả nhất.
Hình ảnh tại buổi khai mạc Istanbul Fellowship lần thứ 4. |
Ông Mustafa cho rằng diễn đàn không chỉ kéo dài 3 ngày mà sẽ diễn ra 365 ngày trong cả năm bằng các kết nối, giữ liên lạc của tất cả các chuyên gia và khách mời trong và sau diễn đàn.
Sau đó là 2 phát biểu của lãnh đạo Istanbul và Bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ. Cả 2 đều chào đón các chuyên gia, lãnh đạo xuất bản toàn thế giới. Tất cả khẳng định đây là cơ hội để xuất bản thế giới ngồi lại với nhau, lắng nghe, bàn luận, trao đổi về xuất bản của hiện tại và tương lai. Lãnh đạo nước chủ nhà cũng mong việc trao đổi bản quyền giữa các nước và các nhà xuất bản diễn ra thật hiệu quả.
Ngay sau lễ khai mạc là phiên tọa đàm đầu tiên với chủ đề “Các cuộc gặp gỡ thương mại đang tăng lên là xu thế mới của xuất bản toàn cầu”. Các chuyên gia của diễn đàn này là bà Claudia Kaiser - Phó chủ tịch Frankfurt Book Fair, TS Muhammed Agirakca của Thổ Nhĩ Kỳ và nhà báo Ed Nawotka từ tuần tạp chí Publishers Weekly.
Các chuyên gia nói về cách làm mới của xuất bản, xu hướng mới trong 5 năm tới, các giải pháp mới, những sự hỗ trợ mới, các nền tảng (platform) mới, xuất bản trong thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Ngay sau tọa đàm là các cuộc gặp song phương và đa phương. Mỗi vị khách được cấp 1 bàn làm việc, có biển tên, số bàn và biên bản mẫu. TS Nguyễn Mạnh Hùng từ Việt Nam tham dự diễn đàn và được xếp bàn số 212. Các cuộc gặp đã được hẹn trước, diễn ra liên tục.
Trong các cuộc gặp ngày đầu tiên, TS Nguyễn Mạnh Hùng có nửa tiếng trao đổi với bà Gvantsa Jobava - Chủ tịch hội Xuất bản Georgia - quốc gia vừa là khách mời danh dự của Hội sách Frankfurt 2019. Bà rất yêu quý Việt Nam và sẵn sàng đến Hà Nội để chia sẻ kinh nghiệm làm khách mời danh dự. Bà cũng sẵn sàng thuyết trình tại Hội sách Hà Nội sắp diễn ra.
TS Nguyễn Mạnh Hùng làm việc với lãnh đạo, chuyên gia xuất bản dự diễn đàn. |
Trong cuộc trao đổi 30 phút với ông Emrah Kisakurek - Chủ tịch hội Báo chí và Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ - TS Nguyễn Mạnh Hùng nghe giới thiệu về các nhà văn, nhà thơ và các tác giả nổi tiếng của đất nước ông.
Ông Emrah nói về lịch sử quốc gia từ thời Ottoman đến nay, về những cây cầu cổ và các di sản văn hóa, kiến trúc. Ông giới thiệu về tác giả nổi tiếng Necip Fazil đã để lại hơn 100 tác phẩm và muốn phối hợp với bộ Văn hóa Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam xuất bản một số đầu sách quý tại Việt Nam.
Khoảng thời gian 17h-18h là tọa đàm về sách trẻ em trên thế giới với sự tham gia của chuyên gia Oyunchimeg Bayarsaikhan từ Mông Cổ, Valentina Letunova đến từ Nga, Melike Gunyuz, đến từ Thổ Nhĩ Kỳ và Stephan Mijajlovic đến từ Serbia.
Bên cạnh các hoạt động chuyên môn, các chuyên gia, lãnh đạo xuất bản cũng tham gia tiệc chiêu đãi của hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ, tham quan bảo tàng Hagia Sophia.
Ngày 27/2, diễn đàn tiếp tục với 2 tọa đàm lớn. Lúc 10h15 là tọa đàm “Ngành xuất bản thế giới” với sự diễn thuyết và tham gia của TS Nguyễn Mạnh Hùng cùng bà Cate Blake đến từ NXB Penguin Random House và ông Thomas Atasana đến từ Indonesia. Dẫn chương trình và điều phối sẽ là ông Emrah Kisakurek của Hội Xuất bản Thổ Nhĩ Kỳ.
Lúc 17h diễn ra tọa đàm “Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ như một ngôn ngữ dịch thuật” với sự tham gia của chuyên gia Orhan Acikgoz từ Thổ Nhĩ Kỳ, chuyên gia Chieko Adachi đến từ Nhật Bản và Apollinaria Avrutina đến từ Nga.