Ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia Trung ương. Sắc lệnh ra đời có ý nghĩa cực kỳ to lớn, mở ra thời kỳ phát triển mới cho sự nghiệp xuất bản ở nước ta. Từ đó, ngày 10 tháng 10 trở thành ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam.
Đường kách mệnh - cuốn sách đầu tiên của nền xuất bản cách mạng Việt Nam. |
Bốn thời kỳ phát triển của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách
Thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám 1945, nền xuất bản cách mạng nước ta (bao gồm xuất bản, in, phát hành) bắt đầu bằng dấu mốc quan trọng đầu tiên là việc xuất bản cuốn sách Đường kách mệnh của Nguyễn Ái Quốc viết năm 1927.
Tiếp đến là sự hình thành của một số nhà sách công khai trong phong trào Mặt trận dân chủ 1936-1939 cung cấp sách, báo truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam.
Sự ra đời của các tác phẩm cách mạng như: Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình (bút danh của Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp (1938)), Đề cương về văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh khởi thảo (1943)... là sự tiếp nối của xuất bản cách mạng trước Tháng Tám 1945.
Cũng trong khoảng thời gian này, xuất hiện tác phẩm Con Dế mèn của nhà văn Tô Hoài gồm 3 chương đầu do Nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội phát hành năm 1941. Đây là một tác phẩm văn xuôi đặc sắc, những trang văn mẫu mực mực của văn học thiếu nhi không chỉ thời kỳ này mà còn mãi mãi sau này.
Giai đoạn 1945-1975, là thời kỳ tạo dựng nền móng, hình thành và từng bước phát triển nền xuất bản cách mạng. Các xuất bản phẩm đã góp phần vào thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Cùng sự ra đời của các tờ báo: Sự thật, Cứu quốc, Văn hóa cứu quốc, Vui sống…, những nhà in typo đầu tiên được thành lập như: Tiến bộ, Lao động, Việt Nam quốc gia ấn thư cục… Nhà xuất bản Sự thật, cơ quan xuất bản của Đảng ra đời năm 1945, rồi sau này là các nhà xuất bản Lao động, Văn nghệ, Vệ quốc quân, Quân du kích…
Thời kỳ này toàn ngành đã xuất bản được 31.215 tên sách với 529.384.562 bản. Các tác phẩm tiêu biểu là: Sửa đổi lối làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với bút danh XYZ (1947); Kháng chiến nhất định thắng lợi của Trường Chinh (1947); Đất nước đứng lên của nhà văn Nguyên Ngọc (1955); sách Người tốt, việc tốt xuất bản theo sáng kiến của Bác Hồ; Những lá thư từ tuyến đầu Tổ quốc…
Thời kỳ 1976-1985, sau khi đất nước thống nhất, nền kinh tế, xã hội nước ta đứng trước khủng hoảng nghiêm trọng. Hoạt động xuất bản, in, phát hành nước ta đã vượt qua những thách thức to lớn để tồn tại và phát triển.
Thông qua các xuất bản phẩm, ngành đã làm tốt chức năng tuyên truyền, giáo dục và cung cấp tri thức cho xã hội trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế; trong cuộc đấu tranh lựa chọn con đường xã hội chủ nghĩa, khẳng định chân lý độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; phản ánh đường lối, chính sách, quan điểm của Đảng trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nhiệm vụ quốc tế; chuẩn bị về mặt lý luận cho công cuộc đổi mới đất nước.
Trong thời kỳ này đã xuất bản được 22.000 tên sách với 533.326.000 bản. Tác phẩm tiêu biểu: Tuyển tập Hồ Chí Minh; Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng;Mưa mùa hạ; Từ điển tiếng Việt...
Thời kỳ 1986-2017 là thời kỳ đổi mới đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các xuất bản phẩm ra đời trong thời kỳ này đã góp phần vào công cuộc giữ vững ổn định chính trị - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, chủ động hội nhập quốc tế, nâng cao dân trí, phát triển kinh tế và văn hóa. Tốc độ phát triển của ngành được duy trì đều đặn. Năm 2011, xuất bản, phát hành tăng gấp 3,33 lần về số bản; tăng 11 lần về số trang in so với năm 1986. Trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn ngành đã xuất bản 38.568 tên sách (tăng 6,5% về số lượng so với cùng kỳ năm 2016).
Nhiều bộ sách có giá trị cao, các công trình nghiên cứu về chính trị, văn hóa, xã hội, văn học nghệ thuật, khoa học công nghệ, quản lý kinh tế... đã được xuất bản. Có thể kể đến một số tác phẩm tiêu biểu: Hồ Chí Minh toàn tập; Tuyển tập văn học Việt Nam thế kỷ XX; Từ điển bách khoa Việt Nam; bộ sách Tác phẩm văn học được Giải thưởng Hồ Chí Minh; Tủ sách 1000 năm Thăng Long - Hà Nội; Nhật ký Đặng Thùy Trâm…
Đây cũng là thời kỳ các tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người làm xuất bản, in, phát hành sách ra đời. Tháng 10/2001, Hội Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam được thành lập (năm 2006 đổi tên là Hội Xuất bản Việt Nam) đáp ứng nguyện vọng thiết tha của cán bộ, công nhân, viên chức và người lao động toàn ngành. Năm 2005, Hiệp hội In Việt Nam được thành lập (tách ra từ Hội Xuất bản, In, Phát hành sách Việt Nam), tập hợp rộng rãi các doanh nghiệp in trong một tổ chức có tính nghề nghiệp hơn.
Từ năm 2005 đến 2016, Hội Xuất bản Việt Nam được Chính phủ giao tổ chức xét tặng Giải thưởng Sách Việt Nam nhằm tôn vinh các tác giả, nhà xuất bản và tác phẩm có giá trị cao về nội dung cũng như hình thức trình bày đẹp và kỹ thuật in tốt.
Từ trái qua: ông Đỗ Quý Doãn, ông Hoàng Vĩnh Bảo tại đại hội IV Hội Xuất bản Việt Nam. |
Những thành tựu nổi bật trong thời kỳ đổi mới
Trong chặng đường 65 năm qua, hoạt động xuất bản đã đạt được những thành tựu vượt bậc trên cả 3 lĩnh vực xuất bản, in và phát hành sách.
Trong lĩnh vực xuất bản, nếu như năm 2002 xuất bản được 13.515 cuốn thì đến năm 2016 đạt 29390 cuốn (tăng 117,46%); số bản sách tăng từ 217,48 triệu bản năm 2002 lên 328,337 triệu bản (tăng 50,9%); số bình quân bản sách trên đầu người ở Việt Nam đạt 3,6 bản sách/người/năm (2016). Những con số trên cho thấy, hoạt động xuất bản sách về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Trong lĩnh vực in, đã có những bước tiến vượt bậc về số lượng và chất lượng ở tất cả các công đoạn, đồng thời hoàn thiện mạng lưới in báo quốc gia, bảo đảm hơn 90% lãnh thổ được đọc báo Đảng và một số tờ nhật báo ngay trong ngày ở vùng sâu, vùng xa; cung cấp đủ và kịp thời sách giáo khoa cho các cấp học. Đến nay, ngành in nước ta đạt trên 1000 tỷ trang in tiêu chuẩn với doanh thu trên 600 tỷ VND năm 2016, đáp ứng mọi nhu cầu về in của xã hội, kể cả các loại ấn phẩm cao cấp; đạt tới trình độ tiên tiến của khu vực và có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, tham gia in gia công xuất khẩu cho nhiều thị trường khu vực và thế giới.
Trong lĩnh vực phát hành sách, đã xây dựng được thị trường xuất bản phẩm đa dạng, phong phú trong cả nước; có nhiều chính sách nhằm đưa xuất bản phẩm đến với độc giả trong và ngoài nước, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Năm 2016 đã phát hành được 414,5 triệu bản sách, tăng 7% so với năm 2015.
Ngành xuất bản phát triển, sự ra đời của những đường sách, phố sách là tất yếu. |
Những thành tựu về kinh tế, xã hội của công cuộc đổi mới đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản vượt qua những khó khăn, thách thức khi chuyển đổi cơ chế, đạt được những chỉ tiêu cơ bản, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, từng bước thích nghi với cơ chế thị trường và có bước phát triển mới trong đổi mới công nghệ và nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.
Từ một quốc gia thiếu sách, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có nền xuất bản độc lập, tự chủ, cung cấp đủ sách cho nhu cầu xã hội, trước hết là sách giáo khoa cho các bậc học phổ thông với chất lượng nội dung và hình thức không ngừng nâng cao, cung cấp một khối lượng kiến thức sâu rộng, thông tin bổ ích về nhiều lĩnh vực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới toàn diện của đất nước.
Các đơn vị thực hiện tốt nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước, thực hiện Luật xuất bản, bước đầu đã có tích lũy để phát triển sự nghiệp.
Nội dung, hình thức xuất bản phẩm có bước tiến rõ nét. Cơ cấu đề tài hợp lý hơn, phong phú, đa dạng hơn về thông tin. Các chỉ tiêu về cuốn, bản, trang in không ngừng tăng lên. Nếu như năm 1939, năm thịnh vượng nhất của hoạt động xuất bản thời Pháp thuộc, toàn cõi Đông Dương chỉ xuất bản được 1.570.000 bản sách các loại, thì đến năm 2016 đạt 328,337 triệu bản sách, bằng 209 lần.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật tiến bộ, từng bước đi lên hiện đại, công nghệ xuất bản và in đang tiếp cận với những công nghệ tiên tiến. Công nghệ thông tin được ứng dụng trong công tác biên tập bản thảo: đầu tư nhiều thiết bị thuộc các thế hệ mới, đưa năng suất lao động tăng hơn 10 lần so với năm 1991.
Thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với người lao động. Thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước; năm 2016 bình quân của toàn ngành là hơn 5 triệu đồng/người/tháng.
Nguyễn Quang Thạch - người được UNESCO vinh danh với chương trình "Sách hóa nông thôn". |
Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ biên tập, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và lực lượng lao động khác ngày càng được nâng cao.
Năm 2016, toàn ngành có gần 70.000 cán bộ, công nhân viên, trong đó 18.000 người có trình độ đại học, cao đẳng, hơn 410 người có trình độ trên đại học. Đến nay, số lượng biên tập viên đạt gần 1.200 người. Công tác đào tạo nguồn nhân lực có những tiến bộ đáng kể với 5 cơ sở đào tạo bậc đại học và cao đẳng.
Ngành xuất bản, in, phát hành sách là một trong những ngành sớm xây dựng hệ thống cơ chế chính sách ngay từ thời kỳ đầu của công cuộc đổi mới; năm 1993 đã soạn thảo và trình Quốc hội thông qua Luật xuất bản. Năm 2004, Luật được sửa đổi căn bản, trong đó chính thức cho phép tư nhân được liên kết xuất bản từ tổ chức bản thảo, in và phát hành từng tác phẩm, nhà xuất bản biên tập nội dung và ký duyệt phát hành. Năm 2012, Luật Xuất bản mới được thông qua.
Cơ quan quản lý nhà nước đã có những bước đổi thay toàn diện theo hướng ngày càng tinh gọn về số lượng và nâng cao chất lượng, phân cấp quản lý mạnh mẽ lĩnh vực in và phát hành cho cấp tỉnh; tham gia soạn thảo và ban hành hệ thống văn bản quy phạm pháp luật làm cơ sở pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về xuất bản - in - phát hành; đặc biệt đã đề nghị Chính phủ chấp nhận hạ thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 10% đối với hoạt động xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm.
Sau nhiều năm chuẩn bị, Việt Nam đã trở thành thành viên của tổ chức mã số sách chuẩn quốc tế ISBN năm 2007; ứng dụng biên mục quốc tế trên xuất bản phẩm; biên soạn bộ Tiêu chuẩn kỹ thuật về sách và Tiêu chuẩn cấp bậc thợ ngành in năm 2010.
Công tác nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới đã gắn liền với hoạt động xuất bản, in, phát hành sách.
Đến nay đã trình Chính phủ: Quy hoạch phát triển ngành đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Đề án thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản; Mô hình tổ chức nhà xuất bản; Chính sách đầu tư ưu đãi đối với hoạt động xuất bản; Chính sách thuế đối với hoạt động xuất bản. Trình cấp có thẩm quyền nghiệm thu và đưa vào ứng dụng 1 đề tài khoa học cấp nhà nước, trên 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ. Đặc biệt, năm 2016, Hội Xuất bản Việt Nam đã đề nghị và được Chính phủ cũng như Quốc hội chấp thuận sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với những điều khoản quy định về hoạt động xuất bản, in, phát hành.
Các nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành sách đã nhận phụng dưỡng hơn 150 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; xây dựng hơn 150 căn nhà tình nghĩa, tình thương; xây dựng trên 2.300 tủ sách cho hệ thống trường học ở các xã đặc biệt khó khăn và thường xuyên tặng sách cho các địa phương, các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang. Từ năm 2002 đã chuyển giao hơn 30 triệu bản sách tài trợ của Chính phủ đến các thư viện trường học thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
Toàn ngành đã chú trọng tăng cường mối quan hệ hợp tác xuất bản toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào. Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước: Cuba, Trung Quốc; phát triển quan hệ với Nga và các nước ASEAN, Pháp, Nhật và các tổ chức quốc tế khác. Ngành xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á - Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội Xuất bản các nước ASEAN (ABPA), góp phần đắc lực vào hoạt động thông tin đối ngoại, đưa sách báo Việt Nam đến với thế giới.
65 năm qua, các đơn vị trong toàn ngành đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng dưới nhiều hình thức. Trải qua 65 năm xây dựng, phấn đấu và trưởng thành, ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam luôn xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực sự là vũ khí sắc bén trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, đóng góp tích cực vào thắng lợi của công cuộc đổi mới vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng, văn minh.