Xuất bản sách ở nước ta là một nghề xuất hiện khá sớm, ngay từ thời trung đại. Cơ sở đầu tiên của việc ra đời sách là sự hình thành và sử dụng chữ viết.
Chữ Hán di nhập vào nước ta khoảng từ năm 207-137 TCN, trở thành phương tiện học tập và ghi chép đối với người Việt từ đầu Công nguyên. Thế kỷ X (triều Lý - Trần) nước ta đã trở thành quốc gia phong kiến độc lập, chữ Nôm xuất hiện nhưng chữ Hán vẫn được coi là ngôn ngữ chính thống trong cung đình cũng như trong giáo dục.
Nghề làm sách ở nước ta ngày càng phát triển mạnh hơn, trên phạm vi rộng lớn hơn và vượt qua khuôn khổ cung đình để đến được với đời sống xã hội.
Tác phẩm Đường Kách mệnh đánh dấu sư ra đời của nền xuất bản cách mạng Việt Nam. |
Lịch sử nên xuất bản cách mạng
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta rất coi trọng lĩnh vực báo chí, xuất bản. Dấu mốc đầu tiên của nền xuất bản cách mạng là việc biên soạn, in và phát hành cuốn sách Đường Kách Mệnh của đồng chí Nguyễn Ái Quốc năm 1927.
Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc bắt đầu con đường cứu nước, giải phóng dân tộc bằng hoạt động tuyên truyền, khơi dậy lòng yêu nước và tự hào dân tộc thông qua báo chí, xuất bản.
Tiếp đến là sự hình thành của một số nhà sách công khai trong phong trào Mặt trận dân chủ 1936-1939, cung cấp sách báo truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam.
Sự ra đời của các tác phẩm cách mạng như: Vấn đề dân cày của Qua Ninh và Vân Đình, 1938 (Trường Chinh và Võ Nguyên Giáp), Đề cương văn hóa Việt Nam, 1943 (Trường Chinh)... là sự tiếp nối của xuất bản cách mạng trước tháng Tám 1945.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngành xuất bản cách mạng đã hình thành, góp phần đắc lực cho công tác tư tưởng của Đảng, nhằm tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân hăng hái tham gia xây dựng và bảo vệ chính quyền non trẻ.
Trước những yêu cầu về sách báo của cán bộ và quần chúng, các nhà xuất bản: Sự thật, Lao động, Vệ quốc đoàn được thành lập; các cơ sở in: Việt Nam Quốc gia ấn thư cục, Tiến bộ, Trần Phú, Cứu quốc, Lao động lần lượt ra đời. Công tác phát hành trước còn riêng lẻ sau được tập trung thành Tổng phát hành sách báo cứu quốc.
Năm 1952, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chuyển sang giai đoạn mới, nhu cầu về sách báo ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng. Trong bối cảnh đó, cần có một cơ quan thống nhất điều hành cả ba khâu xuất bản, in, phát hành để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ mới.
Theo đề nghị của Nha Tuyên truyền Văn nghệ, ngày 10/10/1952, Chủ tịch Hồ Chính Minh đã ký sắc lệnh 122/SL thành lập Nhà in Quốc gia.
Sắc lệnh 122/SL ra đời có ý nghĩa cực kỳ to lớn. Lần đầu tiên từ khi giành được chính quyền, Nhà nước Dân chủ Nhân dân đã thành lập một doanh nghiệp quốc gia đồng thời là cơ quan quản lý ba khâu xuất bản - in và phát hành.
Mục tiêu là giải quyết kịp thời việc in ấn, phát hành sách báo, tập trung mọi nguồn lực và khả năng, phục vụ cho công tác tuyên truyền, giáo dục, mở ra thời kỳ phát triển mới cho sự nghiệp xuất bản ở nước ta.
Số tên sách tăng nhanh, nội dung sách phản ánh trung thực và sinh động đời sống chiến đấu và xây dựng đất nước của quân và dân ta. Phạm vi phát hành đã mở rộng ra các chiến khu, tới các mặt trận, miền xuôi cũng như miền núi, góp phần vào thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Từ đó, ngày 10/10 trở thành Ngày truyền thống của ngành Xuất bản - In - Phát hành sách Việt Nam.
Hội Xuất bản nỗ lực thúc đẩy văn hóa đọc và hoạt động xuất bản trong nước. |
Những thành tựu trong thời kỳ Đổi mới
Những thành tựu về kinh tế, xã hội của công cuộc đổi mới đất nước đã tạo điều kiện thuận lợi cơ bản cho hoạt động xuất bản vượt qua những khó khăn, thách thức khi chuyển đổi cơ chế.
Xuất bản đạt được những chỉ tiêu chủ yếu, liên tục khẳng định vị trí quan trọng trong đời sống xã hội, từng bước thích ứng với cơ chế thị trường và có bước phát triển mới trong đổi mới công nghệ và nâng cao đời sống, thu nhập của người lao động.
Từ một quốc gia thiếu sách, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước có nền xuất bản độc lập, tự chủ, cung cấp đủ sách cho nhu cầu xã hội.
Trước hết là sách giáo khoa cho các bậc học phổ thông với chất lượng nội dung và hình thức không ngừng tăng lên, cung cấp một khối lượng kiến thức sâu rộng, thông tin bổ ích về nhiều lĩnh vực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, nâng cao dân trí, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, đóng góp tích cực vào công cuộc đổi mới.
Hiện nay, mức hưởng thụ xuất bản phẩm/đầu người là khoảng 4,1 bản sách/người/năm.
Nội dung, hình thức xuất bản phẩm có sự cải tiến, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của xã hội. Cơ cấu đề tài hợp lý hơn, phong phú, đa dạng hơn về thông tin, mảng sách khoa học kỹ thuật phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày càng được nâng cao về chất lượng và số lượng.
Các chỉ tiêu về cuốn, bản, trang in không ngừng tăng lên. Nếu như năm 1939, năm thịnh vượng nhất của hoạt động xuất bản thời Pháp thuộc, toàn cõi Đông Dương chỉ xuất bản được 1.570.000 bản sách các loại, thì đến năm 2011 đạt 293.723.000 bản sách, tương đương 187 lần.
Cơ sở vật chất - kỹ thuật có sự tiến bộ, từng bước đi lên hiện đại, công nghệ xuất bản và in đang tiếp cận với những công nghệ tiên tiến. Ngành ứng dụng rộng rãi và mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác biên tập bản thảo, đầu tư nhiều thiết bị thuộc các thế hệ mới, đưa năng suất lao động tăng hơn 10 lần so với năm 1991.
Hội cũng là cầu nối nhiều hoạt động hợp tác đối ngoại của ngành xuất bản trong nước. |
Toàn ngành đã chú trọng tăng cường mối quan hệ hợp tác xuất bản toàn diện giữa 2 nước Việt Nam và Lào. Mở rộng hợp tác quốc tế với các nước: Cuba, Trung Quốc; phát triển quan hệ với Nga và các nước ASEAN, Pháp, Nhật Bản và các tổ chức quốc tế khác.
Ngành xuất bản Việt Nam đã trở thành thành viên sáng lập của tổ chức Hiệp hội Xuất bản châu Á Thái Bình Dương (APPA), Hiệp hội Xuất bản ASEAN (ABPA), góp phần đắc lực vào hoạt động thông tin đối ngoại, đưa sách báo Việt Nam đến với thế giới.
Hơn 60 năm qua, các đơn vị trong toàn ngành đã được Đảng và Nhà nước khen thưởng dưới nhiều hình thức. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ngành Xuất bản - In - Phát hành, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng cho toàn ngành Huân chương Độc lập hạng nhất.