Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Agassi và máy bắn bóng đáng ghét

Việc phải đối phó với ông bố nghiêm khắc đến mức tàn nhẫn suốt thời thiếu niên giúp Andre Agassi bước lên đỉnh cao nhất của làng quần vợt thế giới.

Andre Agassi là huyền thoại quần vợt, từng giữ vị trí số 1 thế giới với 8 danh hiệu vô địch Grand Slam. Hơn thế nữa, Agassi là nhân vật thể thao thú vị bậc nhất, được vây quanh bởi nhiều giai thoại, thật cũng có mà bịa đặt cũng có. Cuốn tự truyện “Open” của Agassi là một cuốn sách thú vị.

Đánh 1 triệu bóng mỗi năm để trở thành nhà vô địch

Tôi ghét chơi quần vợt từ nhỏ, ghét cay ghét đắng. Nhưng tôi vẫn phải đánh bóng mọi ngày, cả sáng và chiều, bởi tôi không có sự lựa chọn nào khác. Khoảnh khắc tôi ghét quần vợt nhất là khi phải tập trung vào chiếc máy bắn bóng gớm ghiếc đặt trên sân bóng cha tôi xây sau nhà.

Andre Agassi anh 1

Andre Agassi và người cha Mike ở sân bóng sau nhà họ.

Chiếc máy bắn bóng này giống một con quái vật. Nó rít lên những âm thanh rất khó chịu khi trái bóng từ miệng nó bắn thẳng đến chỗ tôi đứng. Nó ám ảnh tôi, cả trong giấc mơ. Khi mang nó về, cha tôi còn cải tạo nó để nó cao to, đồ sộ hơn.

Mục đích? Ông muốn tôi phải tôn trọng cái máy, đồng thời, ông muốn mỗi trái bóng được bắn ra từ chiếc máy rơi xuống gần chân tôi với tốc độ và trọng lượng như một chiếc máy bay đâm xuống đất. Khiến tôi không bao giờ thoải mái khi đánh bóng trả lại là mục đích của ông ấy.

Mike Agassi, cha tôi, la lối suốt ngày. “Đánh bóng sớm”, “Mạnh hơn nữa”, “Xoáy hơn”, “Đừng đánh vào lưới! Andre! Không bao giờ vào lưới!” Không điều gì khiến cha tôi bực dọc hơn là việc tôi đánh bóng vào lưới. Rất nhiều lần, ông nói với tôi: “Lưới là kẻ thù lớn nhất của con”.

Để cải thiện tình hình, ông ấy cho dựng lưới cao hơn so với tiêu chuẩn 20 cm: “Nếu con đánh bóng qua được cái lưới của cha thì con chẳng khó khăn gì khi đánh bóng qua lưới ở Wimbledon”, cha tôi nói như vậy.

Hàng giờ, hàng ngày, những trái bóng cứ xô đến tôi như những đợt thủy triều từ cái máy bắn bóng đáng ghét kia. Tôi không thể di chuyển được mà không dẫm lên bóng. Nhưng tôi không thể làm điều đó, dẫm lên những trái bóng của cha tôi chẳng khác nào dẫm lên con ngươi mắt ông ấy.

Cha tôi rất tin vào toán học. Ông nói nếu mỗi ngày tôi đánh được 2.500 trái bóng thì tôi sẽ đánh được 17.500 trái hàng tuần và gần 1 triệu trái một năm: “Những con số không bao giờ nói dối ai. Nếu một đứa trẻ đánh 1 triệu trái bóng trong 1 năm thì trong tương lai, nó không thể bị đánh bại”.

Và cha tôi lại tiếp tục la hét mỗi ngày cho đến khi tay của tôi gần như bị rụng ra vì đánh bóng. Để đối phó với ông, thỉnh thoảng tôi đánh bóng bằng cạnh cây vợt, bóng bay qua hàng rào giống như một tai nạn, cha tôi ra bên ngoài sân tìm bóng và thế là tôi được nghỉ khoảng vài phút.

Người cha bạo lực nhưng độc đáo

Cha tôi là người gốc Armenia, sinh ra ở Iran, từng là VĐV boxing đại diện Iran dự Olympic 1948 và 1952. Ông theo người anh trai đến Chicago năm 1952 và tốt nghiệp đại học ở đó, rồi gặp mẹ tôi. Năm 1962, cha mẹ tôi ôm chị Rita và anh Phillip đến Las Vegas sống. Năm 1967, chị Tami ra đời và đến năm 1970 tới lượt tôi.

Ông có thể nói 5 thứ tiếng nhưng không thứ tiếng nào giỏi cả, tiếng Anh của ông ấy rất nặng và thường nói nhầm những từ bắt đầu bằng chữ “w” với “v”. Ông là người bạo lực bẩm sinh. Trong mơ, ông cũng đấm bốc, mẹ tôi đã nhiều lần dính đòn của ông trong lúc ngủ.

Ông thích bắn chim diều hâu bằng súng trường, mái nhà tôi ở Las Vegas phủ đầy xác chim. Ông nói rằng không thích giống diều hâu bởi nó phá vỡ cân bằng sinh thái ở vùng sa mạc Nevada và ông không thể chịu nổi việc kẻ mạnh săn đuổi kẻ yếu. Thực tế thì tôi biết ông không phải là kẻ đạo đức giả vì mỗi lần câu được cá trong những lần đi câu, ông ấy hôn lên con cá và thả nó trở lại với dòng nước.

Cha tôi thường xuống phố với một gói muối và một gói hạt tiêu ở mỗi túi quần để phòng trường hợp nếu có đánh nhau thì quăng vào mắt đối thủ. Xe hơi của ông lắp một chiếc rìu và có súng trong xe. Trên đường, ai mà vượt qua ông hay chạy hơi ẩu là gặp rắc rối với ông. Một lần, ông đã ép xe khác vào lề đường, lôi rìu ra phang vỡ hết đèn và xịt sơn bẩn lên xe của một tay cứng đầu.

Cha tôi như vậy, làm sao tôi dám trái lời ông ấy? Việc của tôi là gật đầu trước mọi điều ông nói. Làm sao tôi có thể nói mình ghét quần vợt với ông ấy?

Andre Agassi anh 2

Lúc trẻ, Agassi là cá tính đầy màu sắc, anh mặc đồ thi đấu sặc sỡ, phá cách, thậm chí mặc cả quần short jeans ra sân.

Sui gia suýt choảng nhau trong nhà

Đó là năm 2000, Stefanie (tên thân mật của Steffi Graf) nói với tôi là cha cô ấy chuẩn bị đến Las Vegas thăm chúng tôi. Hai ông bố gặp nhau là điều không thể tránh được. Đó là viễn cảnh bất an đối với Stefanie và tôi.

Peter Graf là một người tinh tế, sành điệu. Ông ấy thích nói đùa nhưng tôi thì chả cảm nhận được hết sự buồn cười, vì thứ tiếng Anh của ông khó nghe. Ông muốn tôi quý mến ông nhưng điều đó không dễ dàng vì tôi hay căng thẳng khi gặp ông. Tôi biết ông ấy lắm chứ, một dạng nóng tính, độc đoán như cha tôi, Mike Agassi.

Peter là một cựu cầu thủ bóng đá, một người mê quần vợt cuồng si, ông bắt đầu cho Stefanie tập quần vợt từ khi cô ấy thôi tã lót. Ông ấy còn dữ dằn hơn cha tôi ở điểm kiểm soát rất chặt sự nghiệp và tài chính của con gái mình, ông đã ngồi tù 2 năm vì tội trốn thuế.

Andre Agassi anh 3

Từng qua lại với nhiều bóng hồng, trong đó có danh ca Barbra Streisand lớn hơn 28 tuổi, diễn viên Brooke Shields, năm 2001, Agassi kết hôn với huyền thoại quần vợt nữ Steffi Graf và sống chung hạnh phúc cho đến nay.

Cha tôi vốn không bao giờ thoải mái với người không nói tiếng Anh chuẩn, ông ấy cũng ít khi hòa nhập được với người lạ. Nhưng tôi cảm thấy bớt căng thắng khi cha tôi và Peter nói chuyện với nhau bằng ngôn ngữ thể thao bởi cả hai từng là vận động viên.

Điều tôi có thể đoán được đã xảy ra: Thay vì muốn xem đập nước Hoover nổi tiếng ở bang Nevada hay các show thoát y vũ ở Las Vegas, thứ Peter muốn thấy đầu tiên là chiếc máy bắn bóng gớm ghiếc mà cha tôi đã giúp tôi xây dựng sự nghiệp.

Cha tôi tự hào dẫn ông sui gia ra sân quần vợt ở vườn sau, lôi cái máy ra giữa sân và khởi động nó. “Ra đằng kia đứng”, ông ấn vào tay tôi cây vợt và chỉ ra giữa sân. Cái máy bắt đầu nhả bóng và tôi đập bóng một cách giận dữ trong sự hít hà thán phục của Peter.

Cha tôi vặn công tắc chiếc máy lên nấc tiếp theo, gần như 2 trái bóng cùng bay ra một lúc và tôi không có thời gian để đánh cú thứ hai. Peter bắt đầu gắt gỏng, ông ta giằng lấy cây vợt, đẩy tôi sang một bên. “Phải đánh thế này, cậu không bao giờ có được cú cắt bóng kiểu này, đây là cú đánh tôi đã dạy con gái tôi”.

Mặt cha tôi tím lại. Ông tiến đến lưới và hét lên: “Cú cắt đấy của ông quá tệ, nếu Stefanie có cú như tôi làm thì nó đã khá hơn”. Cha tôi cầm vợt thực hiện cú back-hand bằng hai tay ông đã dạy tôi. Sau đó, họ kéo nhau ra góc sân. Trong khi đánh bóng, tôi nghe thấy Peter đề cập đến các đối thủ của tôi, Sampras và Rafter. Đổi lại, cha tôi nói đến Seles và Davenport , các đối thủ của Stefanie.

Dừng tay vợt, tôi nhìn thấy cha tôi thủ thế như một tay boxing. “Tôi cũng từng đánh boxing, tôi sẽ hạ đo ván anh”, Peter hét lên. Sau đó, ông già 63 tuổi này cởi áo ra và nói với cha tôi lúc đó 69 tuổi: “Nhìn tôi đây này, vẫn còn ngon lắm, tôi cao hơn ông và với những cú thọc tay, đố ông lại gần được”.

“Anh nghĩ thế hả, lại đây, tôi chơi với anh”, cha tôi hét lên. Trước khi một trong hai người tung nắm đấm, tôi kịp nhảy vào giữa, đẩy họ ra xa nhau. Mắt cha tôi giãn ra, còn ngực Peter túa đầy mồ hôi. Khi họ đứng cách xa nhau, tôi mới quay lại tắt chiếc máy và chúng tôi bước ra khỏi sân.

Về nhà, Stefanie hôn tôi và hỏi mọi chuyện thế nào. “Anh sẽ kể với em sau”, tôi mệt mỏi với tay lấy chai tequila trên tủ.

Mục Thể thao giới thiệu cuốn sách “The Roger Federer Story: Quest for Perfection” xuất bản năm 2006, kể về cuộc đấu giữa hai huyền thoại làng banh nỉ: Roger Federer và Rafael Nadal. Cuốn sách ghi lại khởi nguồn cuộc màn đấu tay đôi hấp dẫn bậc nhất lịch sử thể thao này.

Những pha bóng khiến trọng tài quần vợt đau đớn Trọng tài quần vợt ngoài việc theo dõi những đường bóng nhanh, còn phải luyện phản xạ trước các tình huống bất ngờ.

Pacquiao như một đứa trẻ vì thiếu tuổi thơ

Cuộc đời thăng trầm của võ sĩ boxing vĩ đại người Philippines hiện lên sống động qua cuốn sách “PacMan: Behind the Scenes with Manny Pacquiao” của tác giả Gary Andrew Poole.

Sharapova và cuộc tình đến không đúng lúc

Sharapova và Dimitrov là cặp trai tài gái sắc của làng quần vợt. Cuộc tình của họ trong khoảng thời gian 2013-2015 không có hồi kết đẹp, vì mỗi người phải đeo đuổi sự nghiệp riêng.

Sharapova với người tình ích kỷ

Trong nhiều tháng, tôi chờ đợi một dấu hiệu nào đó từ anh ấy, một gợi ý nào đó. Bây giờ tôi đã có. Chỉ trong một câu. Mối quan hệ của chúng tôi đã kết thúc.

Chính Phong

Bạn có thể quan tâm