Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt chiến lược tổng thể dài hạn mới trong đó xác định tầm nhìn chung của tổ chức và sự đáp ứng chiến lược trước các nhu cầu đang thay đổi của khu vực châu Á - Thái Bình Dương, theo thông cáo của ngân hàng ngày 26/7.
"Chiến lược 2030" thừa nhận rằng chương trình nghị sự phát triển toàn cầu cần phải được xây dựng phù hợp với những bối cảnh cụ thể của địa phương. ADB sẽ áp dụng những cách tiếp cận khác biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm quốc gia khác nhau, trong đó sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho các nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất khu vực.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao. Ảnh: AFP. |
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng châu Á - Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế trong một nửa thế kỷ qua, song vẫn còn những chương trình nghị sự phát triển chưa hoàn thành.
"Trong Chiến lược 2030, chúng tôi sẽ kết hợp tài chính, tri thức và quan hệ đối tác để duy trì nỗ lực của mình nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo khổ cùng cực và mở rộng tầm nhìn hướng tới một khu vực thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững", ông nói.
Thông cáo cũng cho biết các mục tiêu của ADB trong hơn 10 năm tới phù hợp với những cam kết toàn cầu chủ chốt, như Các Mục tiêu Phát triển bền vững, Tài chính cho Chương trình nghị sự phát triển, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Để hỗ trợ 7 ưu tiên hoạt động trong Chiến lược 2030, ADB sẽ mở rộng và đa dạng hóa các nghiệp vụ khu vực tư nhân nhằm đạt chỉ tiêu chiếm 1/3 tổng số các hoạt động vào năm 2024.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Năm 2017, tổng giá trị các hoạt động của ADB đạt 32,2 tỷ USD, bao gồm 11,9 tỷ USD đồng tài trợ.