Cuộc gặp 2-2 giữa 2 bộ trưởng Mỹ và 2 bộ trưởng Australia đã diễn ra tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, bang California hôm 24/7. Tại đây, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã làm việc cùng Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne.
"Tôi không nghĩ bất kỳ ai nên đánh giá thấp cam kết của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương", ông Pompeo cho biết.
2 bộ trưởng Australia đã có cuộc gặp với 2 bộ trưởng Mỹ hôm 24/7. Ảnh: Viện Hoover. |
Ngầm nhắc đến việc Trung Quốc bành trướng thế lực tại Biển Đông, Ngoại trưởng Bishop cho rằng Australia và Mỹ "cam kết thực hiện các quy định của pháp luật và quy tắc quốc tế nhằm củng cố sự ổn định và thịnh vượng tại khu vực".
Mỹ và Australia thống nhất tăng cường hợp tác an ninh "với các quốc gia trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương có cùng chí hướng" bằng nhiều hoạt động diễn tập quân sự chung.
Tại cuộc gặp, các bộ trưởng đồng thời khẳng định hai bên sẽ tăng lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ tại căn cứ quân sự Darwin của Australia lên 2.500 người, đồng thời ký biên bản ghi nhớ về việc tăng cường năng lực phòng thủ qua mạng. Theo hãng tin Nikkei của Nhật, tất cả những biện pháp này là nhằm giám sát các hoạt động của Trung Quốc.
Mỹ sẽ tổ chức cuộc gặp tương tự với Ấn Độ vào ngày 6/9 trong bối cảnh New Delhi lo ngại sự thâm nhập của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia láng giềng như Myanmar, Pakistan, Sri Lanka,... Bắc Kinh đang tận dụng quyền lợi dài hạn của mình ở các quốc gia này để sử dụng hệ thống cảng chiến lược.
Mỹ sẽ tổ chức cuộc gặp tương tự với Ấn Độ vào ngày 6/9 trong bối cảnh New Delhi lo ngại sự thâm nhập của Trung Quốc đối với nhiều quốc gia láng giềng. Ảnh: AP. |
Mỹ, Australia, Ấn Độ và Nhật Bản đều có mối quan tâm chung về việc tăng cường hợp tác an ninh tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, dù có lập trường khác nhau đối với Trung Quốc.
Australia không muốn khơi mào xung đột toàn diện với đối tác thương mại lớn nhất của mình - Trung Quốc. Tại cuộc gặp 2-2 cấp bộ trưởng hôm 24/7, Ngoại trưởng Bishop và Bộ trưởng Payne không trực tiếp chỉ trích Bắc Kinh, trái ngược với 2 người đồng cấp Mỹ.
Tương tự, Ấn Độ cũng giảm bớt thái độ tiêu cực với Trung Quốc sau cuộc gặp giữa Thủ tướng Narendra Modi và Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 4. Trong khi quan ngại về việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng với các quốc gia láng giềng, New Delhi đề cao mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, đồng thời phản đối thuế nhôm, thép nặng nề của Tổng thống Trump.