Giá xăng trung bình tại Mỹ đi lên sau động thái của OPEC+. Ảnh: Bloomberg. |
Hôm 5/10, OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11, mức lớn nhất kể từ năm 2020.
"Người tiêu dùng chỉ vừa thở phào nhẹ nhõm khi giá xăng dầu lao dốc. Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng sẽ khiến tình hình thay đổi", ông Craig Erlam - chuyên gia phân tích thị trường cấp cao ở London - bình luận với Zing.
Ông cho rằng việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ nhằm ngăn chặn đà trượt giá của dầu thô khi triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi. "Thêm vào đó, một số nước có thể tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu. Điều này sẽ làm giảm đáng kể nguồn cung và đẩy giá dầu Brent vượt ngưỡng 100 USD/thùng", vị chuyên gia cảnh báo.
Giá xăng dầu tăng cao sau động thái của OPEC+. Ảnh: Reuters. |
Sức ép với lạm phát
Ác mộng giá xăng có thể trở lại với người Mỹ. Theo dữ liệu của Trading Economics ngày 7/10, giá dầu Brent đã tăng vọt lên 94,7 USD/thùng, mức cao nhất trong hơn 3 tuần. Trong khi đó, dầu WTI chuẩn Mỹ được giao dịch quanh ngưỡng 89 USD/thùng.
Theo AAA Gas Prices, sau động thái của OPEC+, giá xăng trung bình trên toàn nước Mỹ đạt 3,891 USD/gallon, tăng từ mức 3,764 USD/gallon cách đây một tháng và 3,797 USD/gallon cách đây một tuần.
Còn giá dầu diesel trung bình trên toàn quốc, vốn ít co giãn hơn, tăng từ 4,876 USD/gallon cách đây một tuần lên 4,916 USD/gallon.
Động thái của OPEC+ đồng nghĩa với việc giá xăng sẽ tiếp tục tạo sức ép lên lạm phát
Nhà báo John Authers của Bloomberg
Theo cuộc khảo sát hồi tháng 8 của AAA Gas Prices, gần 2/3 số người được hỏi cho biết đã thay đổi thói quen lái xe vì giá cả tăng cao. Đa số lái xe ít hơn hoặc kết hợp làm nhiều việc một lúc mỗi khi ra đường.
"Động thái của OPEC+ đồng nghĩa với việc giá xăng sẽ tiếp tục tạo sức ép lên lạm phát", nhà báo John Authers của Bloomberg nhận định.
"Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể phải tăng lãi suất mạnh hơn và thị trường tài chính càng thêm tồi tệ", ông cảnh báo.
Giá xăng đã giảm theo giá dầu thô trong những tuần qua. Triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi tạo sức ép lớn lên thị trường dầu.
Theo dữ liệu được Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố hôm 13/9, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ đã tăng lần lượt 0,1% và 8,3% so với tháng 7 và tháng 8/2021.
Giá năng lượng giảm 5% trong tháng 8, kéo chỉ số giá xăng lao dốc 10,6%. Nếu loại bỏ giá năng lượng và thực phẩm biến động, CPI lõi tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đà giảm của giá năng lượng phần nào giúp hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, thay vì nhiên liệu, giá thực phẩm, chỗ ở và các dịch vụ y tế đã đẩy lạm phát tăng cao trong tháng 8, buộc Fed tiếp tục hành động mạnh tay.
Việc Fed thắt chặt chính sách tác động xấu tới các thị trường. Ảnh: Reuters. |
Fed đã giảm lãi suất xuống gần 0 trong đại dịch. Đến nay, lãi suất điều hành của Mỹ tăng lên 3-3,25%. Trong cuộc họp chính sách tháng 9, ngân hàng trung ương Mỹ tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần thứ 3 liên tiếp.
"Quan điểm của tôi không đổi kể từ hội nghị Jackson Hole", Chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong buổi họp báo sau cuộc họp. "FOMC (cơ quan hoạch định chính sách của Fed) rất kiên quyết trong việc đưa lạm phát xuống 2%, chúng tôi sẽ không thay đổi quan điểm cho đến khi đạt mục tiêu", vị lãnh đạo ngân hàng trung ương Mỹ nhấn mạnh.
Dot plot - biểu đồ chấm thể hiện kỳ vọng của các thành viên FOMC - cho thấy 6 trong số 19 thành viên ủng hộ việc đưa lãi suất lên 4,75-5% vào năm tới, nhưng giá trị trung tâm là 4,6%, tức lãi suất sẽ khoảng 4,5-4,75%.
Kịch bản suy thoái phá hủy nhu cầu
Tuy nhiên, theo nhà báo Julian Lee, tác động của việc OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu sẽ không quá nặng nề. Bởi các nước thành viên vốn đã không đạt mục tiêu sản lượng từ trước đó.
Thêm vào đó, triển vọng suy yếu của kinh tế toàn cầu cũng có thể kéo tụt giá dầu bất chấp những nỗ lực từ phía OPEC+.
"Mối đe dọa về một cuộc suy thoái toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Việc các ngân hàng trung ương ồ ạt nâng lãi suất cũng làm dấy lên lo ngại đối với tăng trưởng", ông Craig Erlam nhận định.
"Các ngân hàng trung ương đã chấp nhận rằng một cuộc suy thoái là cái giá phải trả để kìm hãm lạm phát. Và điều này ảnh hưởng tới giá dầu", ông Erlam bình luận.
Nhà Trắng cũng không hài lòng về quyết định của OPEC+. Mới đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết tháng 11 sẽ xả 10 triệu thùng dầu từ Kho dự trữ dầu Chiến lược (SPR).