Đối với ông John Hamner và vợ Lisa, cư dân thị trấn East Palestine (bang Ohio), cuộc sống mà họ từng biết đã chấm dứt vào lúc 20h55 hôm 3/2. Đó là ngày một chuyến tàu chở hóa chất nguy hiểm đã trật bánh chỉ cách cơ sở kinh doanh xe chở rác của nhà Hamner vài mét, gây ra vụ cháy lớn.
"Cuộc sống của chúng tôi hoàn toàn bị hủy hoại", ông Hamner nói với BBC, không kìm được nước mắt khi đứng trong bãi đậu xe của công ty, nơi mùi hôi thối của hóa chất và lưu huỳnh từ vụ trật đường ray vẫn còn nồng nặc.
"Lúc này, tôi chỉ muốn thoát khỏi đây", ông nói thêm. "Chúng tôi sẽ rời đi. Chúng tôi không thể chịu đựng thêm nữa".
Đôi mắt của ông Hamner đỏ và sưng lên, ông cho rằng đó là do tác động vật lý kéo dài sau khi hóa chất tràn ra thành phố. Song cả ông và vợ đều nói rằng vết thương lớn hơn cả là những vấn đề tâm lý không thể thấy bằng mắt thường.
"Tôi mất ngủ quá nhiều"
Đêm 3/2, ít nhất 50 trong số 150 toa của đoàn tàu đi từ Conway (Pennsylvania) đến Madison (Illinois) đã bị trật bánh. Khu vực xảy ra sự cố là East Palestine (Ohio) - một thị trấn có khoảng 5.000 cư dân dọc ranh giới Ohio và Pennsylvania. Đám cháy lớn đã bùng lên, nhưng may mắn không có thương vong, theo Guardian.
Cư dân trong bán kính 1,6 km kể từ hiện trường vụ tai nạn được sơ tán, khi các quan chức cho rằng có toa chở vinyl clorua - hóa chất gây ung thư - và có thể đã dính lửa.
Sau đó, họ đã tiêu hủy hóa chất độc hại từ các toa tàu. Đến ngày 8/2, cư dân được trở về nhà sau khi các quan chức kiểm tra tính an toàn trong không khí và nước, song họ vẫn không thể yên giấc.
"Tôi mất ngủ triền miên. Tôi đã đi khám bác sĩ hai lần và đang uống thuốc điều trị rối loạn lo âu", ông Hamner nói. "Điều này tồi tệ hơn gấp 10 lần so với việc mất sinh kế. Chúng tôi đã xây dựng doanh nghiệp này".
Cư dân East Palestine thảo luận về sự an toàn của họ tại một cuộc họp ở tòa thị chính sau vụ trật tàu, vào ngày 15/2. Ảnh: Reuters/Alan Freed. |
Vợ chồng nhà Hamner đã mất 18 năm gây dựng sự nghiệp, phát triển từ 5 khách hàng đầu tiên đến 7.000 khách hàng trên khắp thị trấn. Giống như chồng mình, bà Hamner đã mất ngủ nhiều đêm vì lo lắng cho công việc kinh doanh, 10 nhân viên và thị trấn nơi bà đã gắn bó suốt 20 năm.
Hiện tại, vài chục khách hàng lâu năm của họ đã hủy dịch vụ thu gom rác và cho biết có kế hoạch rời East Palestine.
"Tôi lo cho những người sống ở đây", bà nói. "Không ai có thể ngủ được vì rất nhiều lý do. Đó là công việc, sức khỏe của (chúng tôi) và cả sức khỏe của bạn bè".
Hướng mắt về những tàn tích cháy đen của một số toa tàu bị trật bánh, ông Hamner ví vụ việc hôm 3/2 giống như “thảm họa Chernobyl của East Palestine", ám chỉ đến thảm họa hạt nhân tồi tệ xảy ra vào tháng 4/1986 khi nhà máy điện Chernobyl ở Ukraine phát nổ.
Không chỉ riêng ông Hamner có cảm nhận này. Trong suốt hai ngày ở East Palestine, một số cư dân nói với BBC rằng họ coi vụ trật bánh là một khoảnh khắc quan trọng trong lịch sử. Ít nhất trong tương lai gần, cuộc sống của họ sẽ được đo lường bằng những gì xảy ra trước thảm họa hôm 3/2 và những gì diễn ra sau đó.
Theo Washington Post, các quan chức liên bang và địa phương đã khuyên người dân nên uống nước đóng chai. Họ cũng cho biết mọi người có thể quay trở lại thị trấn vài ngày sau vụ trật bánh một cách an toàn, song các chuyên gia môi trường tỏ ra hoài nghi.
Việc tiếp xúc với các hóa chất rò rỉ trong vụ va chạm - bao gồm vinyl clorua và butyl acrylate - với một mức độ nhất định có thể dẫn đến các triệu chứng buồn nôn và cả ung thư.
"Đối với thị trấn này, đây là trận Trân Châu Cảng hay sự kiện 11/9/2001 - một trong những điều mà mọi người luôn nhắc đến", chủ quán cà phê Ben Ratner chia sẻ.
Giờ đây, ông Ratner luôn nổi da gà trước âm thanh của các đoàn tàu chạy ngang qua. Theo ông, những người hàng xóm ở East Palestine hiện rất dễ hoảng sợ và thường xuyên cảnh giác.
“Chúng ta cần bắt đầu xem xét tác động lâu dài về mặt tâm lý”, ông nói. "Mọi người lo lắng khi họ nghe thấy tiếng tàu hỏa, nghĩ đến việc con cái họ đi ra ngoài, hoặc để chú chó của họ ra ngoài và vô tình uống phải nước ô nhiễm,... Điều đó thật nghiêm trọng".
Ông Ratner nói thêm rằng trẻ em địa phương - sau nhiều năm bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 - giờ lại đối mặt với một sự kiện đau buồn khác ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng.
"Điều này có thể tiếp tục trong nhiều thế hệ", ông nói. "Nó không chỉ là khí gas, đám mây lớn và hóa chất", ông lo ngại.
Ngờ vực
Theo ông Keeve Nachman, giáo sư về sức khỏe môi trường tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore, các hóa chất bị rò rỉ trong vụ tai nạn có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.
"Một thiếu sót lớn hiện này là việc thiếu thông tin về cách người dân có thể tiếp xúc với các hóa chất này trong không khí, nước uống hoặc qua đất", ông nói.
Cư dân East Palestine lo ngại hậu quả lâu dài sau vụ tai nạn hôm 3/2. Ảnh: Reuters. |
Hôm 16/2, thành viên cấp cao của Cơ quan Bảo vệ Môi trường (EPA), ông Michael Regan, đã đến thăm thành phố East Palestine để giám sát nỗ lực phục hồi, gặp gỡ các quan chức địa phương và trấn an người dân.
"Chúng tôi nhìn và lắng nghe bạn. Chúng tôi hiểu tại sao có sự lo lắng", ông nói.
EPA cho biết họ không phát hiện mức độ ô nhiễm có hại trong không khí và đã kiểm tra chất lượng không khí bên trong hàng trăm ngôi nhà.
Ngoài ra, cả hai Thượng nghị sĩ của Ohio - JD Vance và Sherrod Brown - đều đưa ra thông điệp ủng hộ cộng đồng, trong khi Thống đốc Ohio Mike DeWine yêu cầu chính quyền liên bang hỗ trợ.
Các quan chức phụ trách cấp nước thừa nhận các tuyến đường thủy của sông Ohio đã bị ô nhiễm, nhưng họ nói rằng nguồn cung cấp nước uống không bị ảnh hưởng.
Trong một bức thư, Alan Shaw, Giám đốc điều hành của Norfolk Southern - công ty vận hành đoàn tàu trật bán - thừa nhận cư dân đang mệt mỏi, lo lắng và còn "nhiều câu hỏi chưa có lời giải đáp".
SongNorfolk Southern đã quyết định không tham gia buổi hỏi đáp với cư dân địa phương hôm 15/2 với lý do an toàn, và điều này càng làm tăng sự tức giận. Một số người cũng cho rằng chẳng có lời nói nào xoa dịu được sự ngờ vực và tức giận đang bao trùm thị trấn.
Gần hai tuần sau vụ tai nạn, nhiều cư dân cho biết vẫn chưa tiếp cận được các thanh tra hoặc quan chức. "Không ai đến hỏi chúng tôi hay kiểm tra bất cứ điều gì. Không gì cả", bà Kim Hancock, sống cách hiện trường vụ tai nạn chỉ hơn 1,6 km, phàn nàn.
"Làm sao họ có thể nói với tôi rằng tất cả đều an toàn? Không đời nào. Tôi không ngu ngốc. Tôi đã nhìn thấy đám khói tràn qua nhà mình", bà nói.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.