Á hậu Phương Nga đọc nhiều sách self-help. Người đẹp tâm sự việc đọc giúp cô sống tích cực hơn, dám đối diện với thử thách và vượt qua. Một trong những câu viết cô cảm thấy tâm đắc từ cuốn sách mình yêu thích là "Đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyện để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời”.
Ai cũng có lúc phải đương đầu với khó khăn
- Phương Nga có thể chia sẻ về một số cuốn sách mình yêu thích?
- Ngoài giáo trình hay các cuốn sách phục vụ cho việc học thì khi gặp những vấn đề trong cuộc sống và cần thay đổi suy nghĩ của mình, Nga sẽ dành thời gian đọc cũng như suy ngẫm về những điều đã trải qua. Một trong những cuốn sách ấn tượng mà Nga từng đọc là Cà phê cùng Tony của tác giả Tony Buổi Sáng.
Thông qua góc nhìn của tác giả về cách sống của người trẻ ngày nay, Nga cũng dần nhận ra cái nào tốt, cái nào không và cần thay đổi như thế nào để cuộc sống trở nên tích cực. Tôi cũng yêu thích một số cuốn nổi tiếng khác được các bạn trẻ ưa chuộng như Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu (Rosie Nguyễn), Ngay bây giờ hoặc không bao giờ (S.J.Scott)…
- Cụ thể, chị nhận ra điều gì tốt hoặc không tốt và đã thay đổi bản thân ra sao nhờ đọc sách?
- Trong Cà phê cùng Tony, tôi vẫn còn nhớ đến một câu chuyện nói về việc tự do ngôn luận ở Việt Nam. Vì là quan điểm cá nhân, ai cũng sẽ có quyền đưa ra lý lẽ của họ và dễ dàng xảy ra tranh cãi, dẫn đến những làn sóng trái chiều trong dư luận. Thay vì “gió chiều nào xuôi chiều đó”, mình phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều khía cạnh để đưa ra đánh giá khách quan nhất.
Bản thân tôi với vai trò Á hậu, ít nhiều có sức ảnh hưởng đến cộng đồng, tôi không thể phát ngôn bất cẩn hoặc đưa ra những chủ đề gây tranh cãi. Chính vì vậy, tôi thấy mình đã trưởng thành hơn trong suy nghĩ cũng như thận trọng với từng lời nói.
Á hậu Phương Nga từng là người trầm tính, chỉ biết đến sách vở. |
- Khi đọc một cuốn sách hay, thường sẽ có những câu nói hoặc đoạn trích nào đó khiến người đọc nhớ mãi. Với chị thì sao?
Tôi xin trích dẫn một câu để lại dấu ấn trong lòng mình khi đọc quyển Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu của nhà văn Rosie Nguyễn. Đó là “…đừng cầu nguyện để đời bạn không phải trải qua những nghịch cảnh, khó khăn. Mà cầu nguyên để bạn đủ sức lực để đương đầu với những sóng gió của cuộc đời”.
Đúng như vậy, tôi hay bất kỳ ai ở ngoài kia chắc chắn sẽ có lúc phải đương đầu với những khó khăn của cuộc đời mà mình không lường trước được. Nhưng thay vì than vãn, tôi sẽ chọn cách đối diện và bằng mọi giá vượt qua được những thử thách đó.
- Chị có thể kể một câu chuyện về giai đoạn khó khăn mình từng đối diện và đã vượt qua nhờ suy nghĩ tích cực?
- Nga nhớ về khoảng thời gian trong giai đoạn chuyển cấp. Vào năm đầu cấp 3, tôi rất trầm tính, gần như không chơi được với ai vì môi trường thay đổi. Suốt ngày, tôi chỉ làm bạn với sách vở. Đó cũng là lúc tôi đọc được nhiều quyển sách hay, giúp mình mở lòng và đón nhận những thay đổi xung quanh. Mình chủ động hơn trong việc giao tiếp và làm quen với những người bạn mới. Suy nghĩ tích cực đã giúp mình bước ra khỏi vỏ bọc của bản thân.
Mỗi khi bế tắc trong cuộc sống, tôi cũng đọc sách
- Hiện, với guồng quay công việc bận rộn, chị còn dành thời gian cho việc đọc nhiều không?
- Quãng thời gian tôi đọc nhiều sách nhất chắc là thời học sinh, sinh viên và trước khi Hoa hậu Việt Nam 2018. Bây giờ, tôi khá tất bật với lịch trình công việc và chuẩn bị thi tốt nghiệp, nên đọc ít hơn. Nhưng mỗi khi rảnh rỗi hoặc gặp bế tắc trong cuộc sống, tôi vẫn đọc một vài cuốn tiểu thuyết để chiêm nghiệm và giúp mình giải tỏa căng thẳng.
- Không ít người trẻ đổ lỗi mình quá bận rộn với nhịp sống hiện đại nên không có thời gian đọc sách hoặc cho rằng đã thu thập đủ kiến thức trên mạng hàng ngày. Quan điểm của chị thế nào?
- Những con chữ có thể được xem là khá khô khan với nhiều người khi mà ngày nay có những phương tiện phổ biến và sinh động khác để tiếp thu kiến thức. Tôi nghĩ khi ai đó không đọc sách có thể là do họ chưa có đủ yêu thích hoặc chưa nhận ra những lợi ích mà việc đọc đem lại. Mỗi người có một thói quen, sở thích khác nhau và không ai có thể ép buộc ai. Thay vào đó, tôi nghĩ mình hãy truyền cảm hứng cho mọi người đến gần với văn hoá đọc bằng những giá trị mà mình thu nhận được qua từng trang sách.
"Tôi đọc nhiều sách nhất chắc là thời học sinh, sinh viên". |
- Ngoài tiểu thuyết và sách self-help, chị thường đọc thể loại sách nào khác và nó giúp ích ra sao trong cuộc sống?
-Tôi đọc khá nhiều thể loại khác nhau, mỗi loại một ít. Đọc được một quyển sách hay sẽ kích thích tinh thần giúp tôi sống tích cực hơn hẳn. Đặc biệt, việc đọc nhiều còn giúp tôi trau dồi thêm kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau và củng cố vốn từ của mình.
- Nhà văn Thu Huệ từng ví khi đọc một cuốn sách hay, người ta có cảm giác bị cuốn vào đó, vừa cuống quýt muốn đi đến đích, lại vừa tiếc nuối sợ đọc đến trang cuối cùng. Chị từng gặp cảm giác này chưa?
- Hoá ra không chỉ tôi mà rất nhiều người từng bị một cuốn sách “lôi cuốn” như thế. Tôi nhớ lúc đọc truyện trinh thám Sherlock Holmes, khi vừa lật những trang sách đầu tiên, tôi đã đọc một mạch và cứ tiếp tục xuôi theo dòng chảy câu chuyện để đi thật nhanh đến cái kết. Nhưng rồi khi mọi nút thắt dần được mở ra là lúc một độc giả như Nga lại đầy luyến tiếc không nỡ chạm đến trang cuối cùng và nhận ra hành trình mà tác giả của quyển sách đó đưa mình đi đã đến hồi kết.
- Bạn trai Bình An chắc hẳn có chung sở thích đọc sách giống Phương Nga?
- Bình An rất thích đọc sách và cũng là người truyền cảm hứng cho Nga trong việc đọc. Tôi và An vẫn thường chia sẻ với nhau những quyển sách mình tâm đắc.