Nhà văn Trần Chiến là con trai của nhà sử học nổi tiếng Trần Huy Liệu. Ông là người con duy nhất trong gia đình theo nghiệp văn chương của cha. Ông ngoại Trần Chiến là nhà văn, học giả lừng lẫy Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc - người chuyên soạn sách khảo cứu văn hóa dân tộc, dân gian.
Trần Chiến sinh năm 1950, đi bộ đội năm 1968, rồi chuyển về đại học Quân sự. Sau đó, ông chuyển sang học khoa Văn, ĐH Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, ông làm biên tập ở NXB Quân đội, sau này làm biên tập ở báo Hà Nội mới. Tập truyện ngắn Con bụi và tập tiểu thuyết Đèn vàng của ông đã hai lần giành giải thưởng của hội Văn học nghệ thuật và hội Nhà văn.
A đây rồi Hà Nội 7 món là tuyển tập những bài viết của nhà văn Trần Chiến về Hà Nội. Cuốn sách có thể khiến nhiều người đang sống ở Hà Nội giật mình nhìn lại bản thân và Hà Nội mà mình đang sống. Tác giả đã vẽ lại Hà Nội dưới nhiều màu sắc, góc nhìn. Ở đó, có một Hà Nội đáng thương - một Hà Nội nhốn nháo, ồn ào, đông đúc.
Bìa cuốn "A đây rồi Hà Nội 7 món", sách dày 279 trang, có giá 79.000 đồng. |
Những bài viết trong A đây rồi Hà Nội 7 món không được viết cùng thời điểm. Có những bài viết cách đây hơn hai chục năm như Phố và chợ (1991), Hà Thành ẩm thực (1992), bài mới nhất là Hà Nội đáng thương được viết năm 2012. Dù thời điểm ra đời lâu như vậy nhưng chúng vẫn đầy tính thời sự.
Nhà văn Trần Chiến vốn được biết đến là một trí thức nho nhã, nhẹ nhàng, điềm đạm. Ở A đây rồi Hà Nội 7 món, ông đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, những điều có thể gây tranh cãi bằng một giọng văn điềm đạm quen thuộc. Có lẽ, chính vì phong cách sống từ tốn, chậm rãi giữa một Hà Nội nhộn nhịp, vội vã đã giúp cho nhà văn Trần Chiến có cái nhìn sâu hơn về Hà Nội.
Trần Chiến viết về ẩm thực Hà Thành, viết về những con phố cũ, về kiến trúc, hay cả những con ngõ gợi cảm ở Hà Nội. Như là ngõ Đoàn Nhữ Hài toàn nhà thấp, ngõ Tràng An có dáng dấp tiểu tư sản điển hình, ngõ Phất Lộc ngoằn ngoèo nhất khu Ba sáu phố phường. Ông còn viết về cả con người, trong đó có nhà văn Tô Hoài. Bạn đọc sẽ thấy một tình yêu Hà Nội thiết tha sau từng trang viết của Trần Chiến.