9X bỏ lương 6.000 USD ở Google, về Việt Nam khởi nghiệp
Có cơ hội làm việc cho Google với mức lương 6.000 USD mỗi tháng, nhưng Lê Yên Thanh từ chối, về Việt Nam lập nghiệp với kế hoạch riêng của mình.
Bảng thành tích Thanh sở hữu đáng nể, với hơn 100 giải thưởng tin học trong và ngoài nước, là tác giả của ứng dụng BusMap - phần mềm tìm xe bus áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM với hơn 300.000 lượt tải về; Thanh còn góp tên trong Top 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2016, một trong 7 người Việt thực tập tại Google. Chàng trai này vừa quyết định khởi nghiệp thay vì đầu quân cho các tập đoàn lớn. Anh là Backend Developer của Umbala - ứng dụng di động đang thu hút sự quan tâm của giới trẻ.
Để đi đến sự lựa chọn hôm nay, chàng trai sinh năm 1994 quê An Giang cũng trải qua bao khó khăn, áp lực cũng như âu lo về sự được mất khi quyết định làm khởi nghiệp.
"Nếu làm ở Google, chắc chắn lương hơn 6.000 USD"
- Lý do gì khiến Lê Yên Thanh chối cơ hội trở thành nhân viên chính thức của Google, đổi hướng làm start up?
- Trước khi bắt tay vào công việc hiện tại, mình đã vượt qua các vòng phỏng vấn để trở thành nhân viên chính thức của Google tại Singapore. Tuy nhiên, khi nhận offer từ tập đoàn này cũng là lúc mình quyết định không gắn bó nữa.
Nguyên nhân xuất phát từ định hướng lâu dài trong con đường sự nghiệp, ngay cả trước khi được thực tập và làm việc tại Google mình đã suy nghĩ về chuyện khởi nghiệp. Hơn nữa, nếu mãi làm một công việc như vậy, mình cảm thấy không có sức ảnh hưởng và khó có thể tạo được tiếng vang cho chính mình.
Mình luôn nghĩ đi làm cho các công ty lớn chỉ để học hỏi thêm và sẽ theo đuổi con đường startup khi có đủ khả năng và tìm được cơ hội thích hợp. Khi đã đến lúc, mình không phí thời gian mà sẽ bắt đầu ngay với startup.
- Điều này đồng nghĩa với việc Thanh đã từ chối mức lương bao nhiêu từ gã khổng lồ làng công nghệ?
- Do từ chối trở thành nhân viên chính thức của Google nên mình chưa biết rõ sẽ nhận được bao nhiêu. Nhưng chắc chắn đó là một con số lớn bởi lương thực tập của mình tại đó là 6.000 USD/tháng, cao hơn rất nhiều so với mức lương hiện tại của mình.
- Từ chối cơ hội làm việc tại tập đoàn danh tiếng, Thanh nghĩ mình đã được gì và mất những gì?
- Trước khi làm việc tại Google, mình từng có thời gian thử sức tại một số tập đoàn lớn trong nước. Từ bỏ những nơi này, mình nghĩ cái mình mất đó là cơ hội, nhưng chỉ là cơ hội trước mắt, còn về lâu dài thì đó là một sự đầu tư.
Môi trường khởi nghiệp thích hợp với tính cách và khả năng làm việc của mình hơn. Làm khởi nghiệp sẽ không thể nào có cơ hội để so sánh với các công ty lớn về điều kiện và môi trường. Tuy nhiên, điều mình nhận lại chính là các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm khi phải đối diện với khối lượng công việc khổng lồ và những bài toán khó gặp phải trong lúc làm việc.
Ví dụ như khi mới tham gia công việc, mình có nhiệm vụ phát triển tính năng tạo tương tác với người dùng. Mình chỉ có 20 ngày để hoàn thành yêu cầu này, dù chưa hiểu rõ về cách hoạt động của phần mềm.
Chính áp lực chạy đua với deadline đã phần nào giúp mình có thêm rất nhiều điều bổ ích cho bản thân.
Và mình biết con đường này tuy khó khăn nhưng cũng sẽ giúp mình phát triển bản thân mình được rất nhiều, giống như câu nói mà mình hay tâm niệm: "No pain no gain".
- Khó khăn lớn nhất bạn gặp phải khi quyết định khởi nghiệp là gì?
- Có lẽ khó khăn lớn nhất khi làm khởi nghiệp là sự thay đổi môi trường và áp lực công việc. Mình cũng phải đánh đổi rất nhiều thứ như thời gian, tiền bạc…
Ở Google, các nhân viên chỉ phải có mặt tại công ty lúc 10h và ra về lúc 14h, đồng thời luôn được tạo mọi điều kiện tốt nhất. Lương cao, bạn có thể vừa làm, vừa chơi, đồ ăn thức uống hoàn toàn miễn phí... Còn khi đã làm startup, bạn sẽ phải tự túc mọi thứ từ A đến Z. Thậm chí, có những lúc bản thân mệt mỏi đến muốn gục mà vẫn phải cố gồng gánh.
- Ứng dụng các bạn đang làm tính năng như thế nào, quy mô hoạt động ra sao? Các bạn có từng gặp thất bại chưa?
- Về cơ bản, Umbala là một sản phẩm giúp người dùng tạo ra được những video clip với hiệu ứng thú vị, đón đầu các trào lưu mới nhất của giới trẻ, giúp mọi người thể hiện bản thân bằng những clip vui nhộn, độc đáo.
Hiện tại, nhóm của mình có 9 thành viên, với 1 CEO, 3 developer, trong đó có mình, cùng 5 thành viên khác làm support và operation.
Trước khi mình tham gia, nhóm đã gặp rất nhiều thất bại dẫn đến phải thay đổi giao diện và concept, từ ứng dụng tạo video 12s cho tới ứng dụng tạo các clip trending... Sau đó, nhóm chủ trương phát triển thành một ứng dụng để người trẻ thể hiện những video cá nhân theo trào lưu hiện hành trên mạng xã hội.
Đây sẽ là nơi để người trẻ lên để tìm hiểu về những trào lưu và theo đuổi.
Sản phẩm tốt thì nhà đầu tư sẽ tìm đến
- Bạn đã đầu tư những gì cho kế hoạch này của mình?
- Có lẽ cái mà mình đầu tư nhiều nhất không phải là tiền mà đó là chất xám, là thời gian và công sức mà mình đã bỏ ra cũng như sự hy sinh những cơ hội làm việc khác tốt hơn rất nhiều để dành cho startup này.
Mình tham gia vào startup này trong giai đoạn đang phát triển, có nghĩa là ứng dụng này đã hình thành và có những bước đi thành công ban đầu. Tính đến nay, có thể nói thành công lớn nhất mà sản phẩm của mình đạt được đó là thu hút được rất nhiều người sử dụng trong và ngoài nước.
- Yên Thanh và nhóm đã giải quyết vấn đề gọi vốn như thế nào?
- Mình luôn nghĩ “hữu xạ tự nhiên hương”. Mình làm sản phẩm tốt thì nhà đầu tư sẽ đến với mình, bởi hiện nay các nhà đầu tư cũng đang mỏi mắt tìm những sản phẩm, những ý tưởng tốt để đầu tư. Vấn đề cần giải quyết quan trọng nhất là làm sao để có được sản phẩm tốt. Sản phẩm tốt sẽ tự thu hút các nhà đầu tư tìm đến.
- Trong thời buổi có hàng nghìn ứng dụng di động phát triển như hiện nay, bạn nghĩ mình sẽ phải làm những gì để thu hút người dùng?
- Mình nghĩ điều quan trọng nhất đó là ứng dụng phải làm được những điều mà chưa sản phẩm nào làm được. Sản phẩm của tụi mình đang phát triển rất nhanh để có thể đưa đến cho người dùng những trải nghiệm mới, những tính năng độc đáo nhất có thể.
Mình luôn nghĩ một startup có nghĩa là phải giải quyết được những bài toán khó mà chưa ai làm được hoặc chưa ai có thể chứng minh được là có hiệu quả!
- Trước đó, Lê Yên Thanh cũng từng được biết đến với thành công từ BusMap, ứng dụng này đem lại cho bạn những gì?
- BusMap mà mình phát triển trong thời gian còn là sinh viên, đến giờ có thể coi như đã ổn định và hoàn thành tốt nhiệm vụ mà mình đề ra từ khi bắt đầu làm.
Điều mà ứng dụng này đem đến cho mình nhiều nhất có lẽ là kiến thức, kinh nghiệm và tầm nhìn khi phát triển một ứng dụng - những điều mà mình sẽ khó lòng học được trong quãng thời gian học tập tại trường.
Dám khởi nghiệp là sẵn sàng chịu thất bại
- Rất trẻ nhưng sở hữu bề dày kinh nghiệm cũng như thành tích về lĩnh vực công nghệ thông tin, "vốn liếng" đó đã giúp Thanh những gì trong quá trình thực hiện kế hoạch riêng của mình?
- Những kinh nghiệm đó đã giúp mình rất nhiều, đặc biệt là trong quá trình làm khởi nghiệp mình gặp rất nhiều bài toán khó cũng như những vấn đề kỹ thuật mà mình chưa bao giờ gặp. Đó cũng là lý do mình mới bắt đầu làm khởi nghiệp hơn 2 tháng nhưng đã có thể phát huy được 100% khả năng của bản thân để làm tốt công việc.
Cụ thể như khi làm tới phần tối ưu hóa tính năng search của ứng dụng, mình có thể vận dụng các kiến thức từ môn Information retrieval (một môn học nâng cao của bộ môn Khoa học máy tính) để có thể thiết kế nên hệ thống search một cách tối ưu và chính xác cho ứng dụng trong một thời gian rất ngắn.
Ngoài ra mình còn gặp nhiều vấn đề khó khăn khác, nhưng nhờ kiến thức về thuật toán nên mình biết được những từ khóa và hướng đi đúng để giải quyết rất nhanh.
- Mục tiêu của Thanh dự tính cho dự án Umbala là gì? Bạn đặt ra bao lâu để thực hiện mục tiêu này?
- Mục tiêu của mình có lẽ là phát triển ứng dụng Umbala trở thành một sản phẩm hot và được công nhận bởi người dùng toàn cầu. Nhóm hy vọng ứng dụng này sẽ có thể chứng tỏ được với thế giới, rằng người Việt cũng có thể làm ra được những ứng dụng hấp dẫn và đầy tiềm năng.
Thời gian thì mình vẫn chưa thể biết trước, có thể một năm hoặc cũng có thể 5 năm. Điều đó tùy thuộc vào sự cố gắng của mình và của những thành viên trong nhóm.
- Đã có rất nhiều bạn trẻ thành công từ việc start up, song cũng không ít trường hợp gặp phải vô vàn thất bại. Bạn có chuẩn bị tâm lý gì cho điều này?
- Tất nhiên khi mình theo đuổi con đường này có nghĩa là mình sẵn sàng chấp nhận thất bại. Quan trọng là những kinh nghiệm mà mình học được khi nhận thất bại, và có lẽ đối với con đường mà mình đang chọn thì dù thành công hay thất bại mình cũng sẽ học được rất nhiều điều.
- Ngoài ứng dụng đang thực hiện, Thanh còn ấp ủ những gì trong tương lai?
- Trong tương lai chắc chắn mình còn rất nhiều dự định và những ý tưởng khác về sản phẩm công nghệ. Tất nhiên là khi sản phẩm hiện tại đạt được thành công thì mình sẽ bắt đầu một con đường mới. Bởi mục tiêu của mình là phải học hỏi được thật nhiều để có thể phát triển bản thân và làm ra những sản phẩm thật sự tốt cho con người.
- Cảm ơn Thanh, chúc bạn thành công trên con đường mới!