9 thương hiệu Mỹ phổ biến nhất tại Trung Quốc
Apple, Nike, General Motors … là những thương hiệu chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc.
Trung Quốc không phải là một thị trường mở, nhiều công ty nước ngoài không thể thâm nhập vào một số lĩnh vực tại quốc gia này. Theo Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung, Chính phủ Trung Quốc hiện áp đặt rào cản đối với các doanh nghiệp ngoại tại 100 lĩnh vực khác nhau trong đó có sản xuất và công nghiệp dịch vụ, sản xuất thực phẩm, nông nghiệp, điện toán đám mây, dịch vụ tài chính, hóa dầu, bảo hiểm y tế…
Trong những lĩnh vực mở cho công ty ngoại, Trung Quốc là một thị trường đầy tiềm năng cho các thương hiệu với dân số thuộc tầng lớp trung lưu ngày càng gia tăng.
Dưới đây là 9 thương hiệu Mỹ phổ biến nhất tại Trung Quốc
1. General Motors
Thị phần: 14,7% (2012)
Lĩnh vực: Sản xuất xe hơi
Đối thủ: Toyota, Volkswagen
General Motors là hãng xe hơi có thị phần lớn nhất tại Trung Quốc trong gần một thập kỷ qua. Hãng này thâm nhập thị trường xe hơi Trung Quốc chủ yếu qua hình thức liên doanh. Một trong những công ty liên doanh là Shanghai GM, với 50% cổ phần thuộc về GM. Theo GM Trung Quốc, công ty này và các đối tác liên doanh đã bán hơn 2,8 triệu chiếc xe trong năm 2012. Trong khi đó, hãng này chỉ bán 2,6 triệu chiếc tại Mỹ. Mới đây, GM công bố xây dựng nhà máy trị giá 1,3 tỷ USD tại Trung Quốc để sản xuất dòng xe xa xỉ Cadillac.
2. Apple
Thị phần: 83% (quý IV/2012) máy tính bảng
Lĩnh vực: Thiết bị điện tử
Đối thủ: Samsung, Microsoft
Apple hiện thống lĩnh thị trường máy tính bảng tại Trung Quốc. Trong quý IV/2012, iPad và iPad mini của Apple chiếm tới 83% tổng số máy tính bảng được bán trên thị trường này.
3. Nike
Thị phần: 12,1% (quý IV/2012)
Lĩnh vực: Giày và phụ kiện thể thao
Đối thủ: Adidas, Reebok
Tính tới cuối năm 2012, Nike là hãng có thị phần lớn nhất trên thị trường giày thể thao Trung Quốc. Cũng trong năm ngoái, doanh thu và lợi nhuận của Nike tại Trung Quốc đại lục tăng lần lượt là 23% và 17%, tương đương 2,5 tỷ USD và 900 triệu USD.
4. Starbucks
Thị phần: 61%
Lĩnh vực: Cà phê
Đối thủ: McDonald’s, Pacific Coffee
Hãng bán lẻ cà phê lớn nhất thế giới này mở cửa hàng đầu tiên của mình tại Trung Quốc đại lục vào năm 1998. Đến nay, hãng có hơn 800 cửa hàng tại 60 thành phố tại quốc gia này.
5. Hệ điều hành Microsoft
Thị phần: 91% thị trường hệ điều hành máy tính
Lĩnh vực: Phần mềm ứng dụng
Đối thủ: Kylin (Canonical), Apple, Google
Microsoft chiếm hơn 91% mảng hệ điều hành máy tính tại Trung Quốc. Tuy nhiên, hãng này đang phải đối mặt với cạnh tranh gay gắt từ Kylin, Apple và Google.
6. KFC
Thị phần: Có nhiều cửa hàng nhất (4.260 cửa hàng)
Lĩnh vực: Đồ ăn nhanh
Đối thủ: McDonalds, Subway, Wendy’s
Hiện thương hiệu Yum!, công ty mẹ của KFC là công ty đồ ăn nhanh lớn nhất tại Trung Quốc. Năm ngoái, hãng này mở thêm 560 cửa hàng mới tại đây. Hãng này dự định sẽ mở thêm 700 cửa hàng trong năm tới.
7. Gillette
Thị phần: 70%
Lĩnh vực: đồ dùng cá nhân
Đối thủ: Schick
Gillette có mặt lần đầu tiên tại Trung Quốc năm 1992. Hiện Gillette chiếm tới 70% thị phần dao cạo râu nam toàn thế giới với khoảng 800 triệu người sử dụng sản phẩm này mỗi ngày. Đây là một trong những sản phẩm của P&G, công ty đang thống lĩnh thị trường tiêu dùng Trung Quốc cùng với các hãng khác như Safeguard, Olay, Pampers và Tide.
Từ 2002 tới 2012, doanh thu ròng của Procter & Gamble tại Trung Quốc mỗi năm tăng trung bình 17%. Năm 2012, công ty này đạt doanh thu gần 2 tỷ USD tại thị trường Trung Quốc.
8. Coca-Cola
Thị phần: 16,6% (toàn thế giới)
Lĩnh vực: nước giải khát
Đối thủ: Pepsi
Coca Cola thống lĩnh thị trường nước giải khát Trung Quốc với thị phần 16,6% trong năm 2012. Trong khi đó đối thủ Pepsi chỉ chiếm 5,1% thị phần. Trong đầu năm nay, các sản phẩm của Coca-Cola gồm Coke, Sprite và Fanta, có doanh thu tăng gần 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện hãng này có 42 nhà máy tại Trung Quốc và sử dụng gần 50.000 công nhân.
9. Intel
Thị phần: 85,2% thị trường thiết bị chất bán dẫn máy tính (toàn cầu)
Lĩnh vực: Thiết bị chất bán dẫn
Đối thủ: Advanced Micro Devices, Samsung
Tính tới quý I/2013, Intel chiếm tới 85,2% thị trường thiết bị chất bán dẫn máy tính toàn cầu. Máy tính Lenovo sử dụng chip của Intel hiện chiếm gần 40% thị trường máy tính tại Trung Quốc và hãng này chiếm 11% doanh thu của Intel trong năm 2012. Ngoài ra, doanh thu của Intel có 18% từ Hewlett-Packard và 14% Dell, cả hai đều chiếm thị phần lớn tại Trung Quốc.
Hoài Thu
Theo 247Wallst/Infonet