Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsiras đối mặt với sự chống đối dữ dội khi chấp nhận gói cứu trợ 85 tỷ euro của châu Âu. Ảnh: Reuters |
Theo AFP, IMF nhận định, trước những nguy cơ kinh tế lớn mà Hy Lạp đang phải đối mặt, chắc chắn gói cứu trợ 85 tỷ euro mà các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đưa ra hồi đầu tuần là không đủ.
IMF nhấn mạnh trong vòng 10 năm tới, gánh nợ công Athens đang vác trên vai sẽ trở nên nặng nề hơn nhiều so với hai tuần trước đây, trước khi nước này phải đóng cửa các ngân hàng.
IMF dự báo trong năm 2016, nợ công Hy Lạp sẽ tăng vọt lên ngưỡng 200 GDP so với dự báo 177% trước đây. Nguyên nhân do nền kinh tế Hy Lạp sẽ tiếp tục suy thoái trong năm 2015.
Đến năm 2022, nợ công Hy Lạp sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao 170% GDP thay vì 142% như dự báo cũ. Do đó, IMF cho rằng các nước châu Âu cần phải kéo dài thời hạn trả nợ cho Hy Lạp hoặc xóa một phần nợ của nước này.
“Nợ công của Hy Lạp là rất không bền vững và đòi hỏi tái cơ cấu”, một quan chức cấp cao IMF nhấn mạnh.
Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều quốc gia trong khối đồng euro, đặc biệt là Đức, luôn phản đối dữ dội khả năng xóa một phần nợ cho Hy Lạp. Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras cũng từng nhiều lần kêu gọi châu Âu xem xét xóa một phần nợ cho Athens nhưng bất thành.
Hôm nay, Quốc hội Hy Lạp sẽ bỏ phiếu về kế hoạch thắt lưng buộc bụng cùng khổ mà châu Âu ép nước này thực hiện để được nhận gói cứu trợ 85 tỷ euro. Ông Tsipras đã phải cầu viện sự giúp đỡ của phe đối lập sau khi 30 nghị sĩ đảng Syriza của ông lên tiếng phản đối gói cứu trợ.
Khảo sát của hãng Kapa Research cho thấy 72% người dân Hy Lạp cho rằng gói cứu trợ là cần thiết, nhưng đa số chỉ trích châu Âu đã “xỉ nhục” đất nước. Giới công chức Hy Lạp đang chuẩn bị tổ chức đình công 24 giờ để phản đối kế hoạch thắt lưng buộc bụng cùng khổ.
Các chủ nợ cho biết Hy Lạp đang cần gấp 12 tỷ euro để cầm cự cho đến giữa tháng 8. Hiện khối nợ công mà Hy Lạp đang gánh đã lên đến 323 tỷ euro (355 tỷ USD).