CNN đưa tin theo trang web theo dõi chuyến bay FlightAware, ít nhất 800 chuyến bay đã bị hủy trên khắp nước Mỹ chỉ riêng trong chiều ngày 27/6.
Trong 2 ngày trước đó, 1.500 chuyến bay nội địa cũng bị hủy, gây ra cảnh hỗn loạn tại các sân bay. Riêng Delta Air Lines đã hủy ít nhất 224 chuyến bay chỉ riêng trong ngày 27/6, còn United Airlines và American Airlines hủy lần lượt 128 và 67 chuyến bay.
Ngành công nghiệp hàng không đang chao đảo vì tình trạng thiếu hụt người lao động. Ảnh: Reuters. |
Hàng trăm chuyến bay bị hủy
"Đội ngũ của Delta đang tìm cách xử lý an toàn cho những vấn đề ảnh hưởng đến hoạt động của chúng tôi vào cuối tuần, bao gồm sự vắng mặt đột xuất, ngoài kế hoạch của một số nhóm nhân viên và đối tác, tình hình thời tiết và các hạn chế về kiểm soát không lưu", đại diện của Delta Air Lines tuyên bố hôm 26/6.
Giới chuyên gia cảnh bảo đây sẽ là "mùa hè địa ngục" của ngành công nghiệp du lịch Mỹ. Các hãng hàng không Mỹ đã nhận được 54 tỷ USD hỗ trợ liên bang trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, họ vẫn phải sa thải nhiều nhân viên, nhất là phi công, và giờ đối mặt với tình trạng thiếu hụt người lao động nghiêm trọng.
Do đó, các hoạt động của họ có thể bị gián đoạn nghiêm trọng trong trường hợp thời tiết xấu, những trung tâm kiểm soát không lưu thiếu nhân viên hoặc nhân viên nghỉ ốm.
Hôm 27/6, sân bay quốc tế Hartsfield-Jackson (Atlanta) và sân bay quốc tế Newark Liberty (thành phố New York) là 2 trong số các cảng hàng không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất. Chỉ riêng Newark Liberty đã có hơn 100 chuyến bay bị hủy.
Chỉ riêng trong 2 ngày cuối tuần vừa qua, 1.500 chuyến bay nội địa tại Mỹ đã bị hủy, gây ra cảnh hỗn loạn tại các sân bay. Ảnh: Reuters. |
Tuần trước, United Airlines cho biết sẽ cắt giảm 12% chuyến bay nội địa từ cảng hàng không Newark. Việc cắt giảm bắt đầu vào tháng 7 và lên tới khoảng 50 chuyến/ngày. Trong 2 ngày thứ bảy và chủ nhật, hãng bay này đã hủy lần lượt 56 và 70 chuyến bay.
Theo FlightAware, lần lượt 634 và 868 chuyến bay tại Mỹ đã bị hủy trong thứ bảy và chủ nhật.
"Các yếu tố khác nhau cùng lúc tác động tới hoạt động của chúng tôi, từ thời tiết, kiểm soát không lưu, thiếu hụt nhân viên, đến số ca nhiễm Covid-19 tăng lên khiến số nhân sự vắng mặt đột xuất cao hơn kế hoạch", bà Allison Ausban - Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng của Delta - bình luận.
"Tất cả khiến chúng tôi không thể đáp ứng các tiêu chuẩn đã đặt ra trong những năm qua", bà thừa nhận. Đại diện Delta cho rằng đây là thời điểm mà hãng phải đối mặt với nhiều trở ngại nhất từ trước tới nay.
Nhu cầu tăng cao nhưng thiếu hụt nhân viên
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng các hãng bay đáng lẽ phải lường trước vấn đề. Theo ông Dennis Tajer - người phát ngôn của Hiệp hội Phi công Đồng minh, công đoàn phi công tại American Airlines, một chuyến bay bị hủy không chỉ gây ra hiệu ứng lan tỏa, mà còn tạo ra "một làn sóng thủy triều mang tới nhiều vấn đề khác".
"Đó là déjà vu", ông Tajer nhớ lại tình trạng hỗn loạn của ngành công nghiệp du lịch vào cuối năm ngoái.
Mùa hè năm 2022, lạm phát và chi phí nhiên liệu tăng cao đã trở thành vấn đề nóng. Nhưng giới quan sát cho rằng triển vọng của ngành du lịch vẫn còn mạnh mẽ. Tuy lo ngại về giá cả, nhiều du khách không có ý định thay đổi kế hoạch du lịch của mình.
Các yếu tố khác nhau cùng lúc tác động tới hoạt động của chúng tôi, từ thời tiết, kiểm soát không lưu, thiếu hụt nhân viên, đến số ca nhiễm Covid-19 tăng lên khiến số nhân sự vắng mặt đột xuất cao hơn kế hoạch
Bà Allison Ausban - Giám đốc Trải nghiệm Khách hàng của Delta
Theo ứng dụng đặt vé du lịch Hopper, giá vé máy bay khứ hồi tại Mỹ trong kỳ nghỉ lễ ngày 4/7 dao động ở mức trung bình 437 USD, tăng 45% so với năm 2019.
Ông David Mann - nhà kinh tế trưởng tại Viện Kinh tế Mastercard - cho rằng giá tăng cao sẽ không ngăn cản du khách du lịch vào mùa hè này, nhất là sau khi người Mỹ đã bị mắc kẹt tại nhà trong thời kỳ đại dịch.
Nói với CNBC, ông thừa nhận lạm phát là một vấn đề đáng lo ngại. "Nhưng một phần nguyên nhân là nhu cầu bị dồn nén giờ được giải phóng", vị chuyên gia giải thích.
Theo cuộc khảo sát của trang web du lịch The Vacationer, 55% người Mỹ được hỏi cho biết họ có kế hoạch du lịch vào kỳ nghỉ lễ 4/7, tăng 8 điểm phần trăm so với cuộc khảo sát hồi năm ngoái.
Nhưng trong thời kỳ đại dịch, ngành công nghiệp đã sa thải hàng trăm nghìn người lao động từ phi công, tiếp viên đến nhân viên mặt đất.
Nhiều người lao động không muốn trở lại ngành công nghiệp du lịch nhiều biến động. Tuy nhiên, ngay cả các hãng bay và cảng hàng không cũng ngần ngại trong việc tuyển dụng quy mô lớn. Bởi lạm phát tăng cao và những áp lực đối với nền kinh tế có thể đe dọa nhu cầu trong dài hạn.