Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

700.000 người đổ về London biểu tình đòi bỏ phiếu lần 2 về Brexit

Trung tâm London rơi vào cảnh ùn tắc khi gần 700.000 người tuần hành kêu gọi trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit, trở thành biểu tình lớn nhất kể từ phản đối chiến tranh Iraq năm 2003.

Số lượng người đổ về thủ đô nước Anh tham gia tuần hành, đòi hỏi “cuộc bỏ phiếu của nhân dân” trong vấn đề Brexit đã vượt ngoài mọi dự đoán của cảnh sát thành phố lẫn ban tổ chức sự kiện, theo Guardian.

Cuộc tuần hành còn có sự tham gia của hàng chục chính trị gia đến từ các đảng phái trên cả nước. Lãnh đạo đảng Tự do Dân chủ Vince Cable nói sự kiện lần này cho thấy người dân Anh đã bắt đầu nhận ra Brexit sẽ không thành công. Họ muốn bảo vệ cuộc sống, công việc và tương lai con cái mình khỏi hỗn loạn hậu Brexit.

“Người dân đã thức tỉnh trước viễn cảnh thảm họa. Chúng ta nhận ra rằng đàm phán sẽ không đạt được một thỏa thuận tốt và nhiều người dân đang vô cùng sợ hãi”, ông Cable khẳng định.

bieu tinh Brexit anh 1
Nhiều thành viên nghị viện Anh cũng tham gia cuộc tuần hành đòi trưng cầu dân ý lần 2 về Brexit. Ảnh: REX.

Người biểu tình mang theo những khẩu hiệu chỉ trích các chính trị gia khởi xướng Brexit đã nói dối với người dân, lên án tình trạng chia rẽ tại nghị viện và yêu cầu ở lại với Liên minh châu Âu (EU).

“Chúng ta tổ chức tổng tuyển cử mỗi 5 năm để chọn chính phủ mới. Trong khi đó, Brexit là vấn đề quan trọng hơn nhiều. Họ nói tổ chức thêm trưng cầu dân ý là phi dân chủ. Tôi thấy đó là tuyên bố phi lý”, John Branmich, một người biểu tình đi xe hơn 4 tiếng để đến London ngày 20/10, chia sẻ.

Trước đó, Bộ trưởng Đối ngoại Alan Duncan nói các nghị sĩ và bộ trưởng thuộc đảng Bảo thủ có trách nhiệm lèo lái một Brexit hợp lý và ổn định, đảm bảo các lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng điều này sẽ không thể đạt được nếu tình trạng chia rẽ sâu sắc về cách nhìn nhận Brexit chưa được giải quyết và các bên vẫn từ chối nhượng bộ.

“Không có kết quả lý tưởng nào có thể làm vừa lòng tất cả các bên. Mọi người cần từ bỏ những lý tưởng ám ảnh của mình và chấp nhận thỏa hiệp một cách thực dụng”, ông Duncan khẳng định.

“Chúng ta đứng trước rủi ro tự gây nên những tổn thương kinh tế và chính trị nghiêm trọng, cả về đối nội lẫn đối ngoại trong nhiều năm tới”, ông nói

bieu tinh Brexit anh 2
Người tham gia biểu tình chỉ trích phe Brexit không thể thực hiện đúng lời hứa về một cuộc "ly hôn" êm thắm. Ảnh: Getty.

Ông Duncan nhấn mạnh giai đoạn này là “thời khắc thức tỉnh to lớn nhất trong cuộc đời chính trị” của mình.

“Dường như chúng ta đang lao đến vực thẳm, nhưng vẫn không chấp nhận thức tỉnh rằng con đường chúng ta đã chọn sẽ đưa chúng ta rơi xuống vực”, ông cho biết.

Đàm phán Brexit vẫn chìm trong bế tắt. Tại thượng đỉnh EU ngày 17/10 vừa qua, Thủ tướng Theresa May đã không đưa ra được một đề xuất nào mới nhằm giải quyết nút thắt của Brexit là vấn đề biên giới Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland sau khi nước Anh rời EU.

Các nhà lãnh đạo châu Âu phải tạm hủy thượng đỉnh Brexit tháng 11 và dự kiến dời sang tháng 12 nếu các bên tìm ra đột phá trong đàm phán.

Bên cạnh đó, Anh và EU cũng đề cập khả năng nới dài giai đoạn chuyển tiếp 21 tháng hậu Brexit để đàm phán lại quan hệ thương mại.

Anh, EU muốn cho Brexit thêm thời gian sau thượng đỉnh 'tay trắng'

EU có thể sẽ gia hạn đến cuối năm 2018 để đạt được một thỏa thuận "ly hôn" êm đẹp với nước Anh trước khi Brexit chính thức có hiệu lực vào năm sau.

Brexit, Theresa May và cuộc họp thượng đỉnh định mệnh ở Brussels

Hơn 2 năm sau khi trở thành nữ thủ tướng Anh thứ hai trong lịch sử, bà Theresa May đang tiến gần đến những giờ phút quan trọng nhất trong sự nghiệp chính trị của mình.


Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm