Chiều 28/2, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật tại Công ty cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam (Vinasport) theo nội dung chỉ đạo của Phó thủ tướng Lê Minh Khái.
Vinasport là công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ 51,32% vốn điều lệ. Việc quản lý sử dụng vốn Nhà nước, chấp hành các quy định của pháp luật tại đơn vị này từ khi cổ phần hóa đã đạt được nhiều kết quả, nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, khuyết điểm và vi phạm.
Theo TTCP, đến thời điểm thanh tra (tháng 12/2021), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) chưa quyết toán giá trị doanh nghiệp phần vốn Nhà nước khi cổ phần; chưa quyết toán chi phí cổ phần hóa và thuế. Vinasport cũng chưa nộp số tiền cổ tức phải trả cho Nhà nước là hơn 2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL cử lại ông Nguyễn Ngọc Thạch làm đại diện phần vốn Nhà nước tại công ty trên (thời gian chưa đầy 1 năm, tháng 11/2016 miễn nhưng đến tháng 10/2017 cử lại) là cố ý làm trái quy định của Nhà nước.
Khu đất của Vinasport tại 181 Nguyễn Huy Tưởng. Ảnh: Vinasport. |
Ngoài các sai phạm trên, TTCP đã chuyển thông tin đến Bộ Công an điều tra, xác minh làm rõ 7 nội dung liên quan đến Vinasport.
Thứ nhất, hoạt động xuất đạn cho Trung tâm huấn luyện TDTT Vĩnh Phúc là trái pháp luật, không có hợp đồng, mất khả năng thu hồi và gây thất thoát hơn 1,4 tỷ đồng. Trách nhiệm thuộc tổng giám đốc và người đại diện vốn Nhà nước giai đoạn 2009-2012.
Thứ 2, đối với khoản tiền 150.000 Euro Vinasport chuyển trước cho Hãng ASIA, TTCP xác định việc này diễn ra khi chưa có kết quả trúng thầu. Đây là hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước. Số tiền này không có khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport. Trách nhiệm thuộc tổng giám đốc và người đại diện vốn Nhà nước giai đoạn năm 2013.
Thứ 3 là nội dung liên quan đến các khoản công nợ phải thu, khoản huy động vốn tại Xí nghiệp sản xuất dụng cụ TDTT (giai đoạn 2008-2010). Theo thanh tra, việc huy động vốn với tổng số tiền hơn 5,6 tỷ đồng không xin ý kiến của HĐQT, là vi phạm điều lệ và quy chế tài chính của Vinasport. Trách nhiệm thuộc về ông Trần Văn Chương, người trực tiếp huy động vốn.
Còn với các khoản công nợ tạm ứng chưa thu hồi, căn cứ tài liệu do Vinasport cung cấp, TTCP làm rõ các khoản tạm ứng của 21 người với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng. Đến thời điểm thanh tra (tháng 11/2021), khoản không có khả năng thu hồi. Trách nhiệm thuộc về giám đốc, kế toán trưởng theo thời kỳ.
Thứ 4 là việc Vinasport chuyển một tỷ đồng cho Công ty Nam Đô để trả một phần tiền hợp đồng ngày 20/7/2012 khi nhận chuyển nhượng 6.000 m2 đất tại khu công nghiệp. Phía thanh tra cho rằng khoản chi này không có khả năng thu hồi, nguy cơ làm mất vốn của Vinasport.
Thứ 5, hợp đồng cho Công ty HBI thuê mặt bằng tại 181 Nguyễn Huy Tưởng (Hà Nội). Cơ quan thanh tra đánh giá đây là hành vi sử dụng đất sai mục đích, giá cho thuê thấp hơn giá phải nộp cho cơ quan thuế. Số tiền thất thoát tạm tính trên 2,7 tỷ đồng.
Thứ 6, cũng liên quan đến mặt bằng 181 Nguyễn Huy Tưởng, cơ quan thanh tra chuyển Bộ Công an làm rõ việc một số tài sản bị phá dỡ năm 2015, gây thiệt hại vốn của doanh nghiệp với mức gần 7,5 tỷ đồng.
Thứ 7, TTCP cho rằng có dấu hiệu sai phạm khi Vinasport mua bán phôi thép với Công ty TNHH Xây dựng An Việt Úc. Việc mua bán này diễn ra với số tiền gần 4,9 tỷ đồng nhưng không còn khả năng thu hồi, làm mất vốn của Vinasport. Trách nhiệm thuộc tổng giám đốc và người đại diện vốn Nhà nước giai đoạn năm 2015.
Để hiểu hơn về Bộ luật hình sự, trách nhiệm hình sự, 55 cặp tội danh dễ nhầm lẫn trong Bộ luật hình sự hay những quy định về xử phạt hành chính, khiếu nại, tố cáo… mời độc giả của Zing truy cập Tủ sách Pháp luật.
Bên cạnh đó, bạn đọc cũng có thể tìm hiểu các quy định về thuế thu nhập cá nhân, quy định về các khoản thưởng không phải chịu thuế hoặc Luật cư trú, Luật hộ tịch và các điều cần biết khác…