Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 thập kỷ sau Thế chiến II, hàng trăm nghìn tấn bom vẫn rình rập ở Đức

Với người Đức, việc quả bom nửa tấn sẽ buộc hàng nghìn người sơ tán ở Berlin là chuyện thường ngày. Nhưng các chuyên gia cảnh báo càng về sau, bom mìn càng nguy hiểm, dễ nổ hơn.

Một quả bom chưa nổ nặng 500 kg từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 vừa mới được phát hiện ở trung tâm thủ đô Berlin. Các tòa nhà trong phạm vi 800 m được sơ tán sáng ngày 20/4 để đảm bảo an toàn trong khi quả bom bị vô hiệu hóa.

“Quả bom này vẫn an toàn, chưa có mối nguy hiểm trước mắt”, cảnh sát Berlin viết trên Twitter. Giao thông công cộng bị gián đoạn trên diện rộng do khu vực sơ tán bao gồm trạm trung chuyển lớn nhất ở Berlin, theo AFP.

Tuy nhiên, quả bom ở Berlin chỉ là một trong số hơn 2.000 tấn bom mìn chưa nổ từ thời chiến tranh được phát hiện ở Đức mỗi năm, theo Reuters.

Việc phát hiện bom mìn dưới lòng đất là chuyện thường ngày ở Đức, dù chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn 7 thập kỷ. Hiếm có ngày nào trôi qua mà trên toàn nước Đức không có một con đường hay khu vực nào phải sơ tán và cách ly vì phát hiện bom mìn, theo Spiegel Online.

Các chuyên gia cũng đang lo ngại lượng bom mìn còn ẩn dưới lòng đất sau hơn 70 năm đang trở nên nhạy và dễ phát nổ hơn. Một khi các chuyên gia không thể tháo ngòi cho những quả bom hàng trăm kilogram và chỉ còn cách kích nổ, thiệt hại nghiêm trọng là không thể tránh khỏi.

Quen với việc sơ tán

Cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2, thủ đô Berlin, từ một trong những thành phố hiện đại nhất Châu Âu, trở thành vùng đất hoang với cảnh đổ nát khắp nơi. Anh và Mỹ đáp trả các vụ không kích của Đức Quốc xã bằng cách thả bom các thành phố của Đức, dội xuống tổng cộng 1,9 triệu tấn bom trong 5 năm và giết chết 600.000 người, tuy có các ước tính khác nhau, theo Spiegel Online.

Trong những năm gần đây, nhiều thành phố ở Đức cũng bị tê liệt vì phải sơ tán hàng chục nghìn người sau khi phát hiện bom chưa nổ. Ngày 13/4 vừa qua, 12.000 người ở thành phố Neu-Ulm ở bang Bavaria phải sơ tán để các chuyên gia xử lý một quả bom 500 kg, và đây là quả bom thứ 3 phải tháo ngòi nổ ở thành phố 50.000 dân này chỉ trong vài tuần, theo AFP.

Tháng 10 năm ngoái, hoạt động của 10.000 người Berlin và hệ thống tàu điện ngầm phải tạm ngưng trong khi một quả bom được vô hiệu hóa ở phía tây thành phố. Frankfurt phải sơ tán 60.000 người cuối hè năm ngoái do một quả bom 1,8 tấn.

Ở Oranienburg, một trong những thị trấn chịu nhiều bom đạn nhất ở Đức, “mọi người coi đó là chuyện bình thường, họ chỉ nghĩ ‘lại một lần sơ tán nữa’. Còn trẻ con còn tiếc là trường của mình nằm ngoài khu vực sơ tán, vì chúng sẽ không được nghỉ”, theo Rick Minnich, người làm phim The Bomb Hunters (Thợ săn bom) năm 2015 nói về đội ngũ rà phá bom của bang Brandenburg.

Trong phim này, Gunthard ‘Paule’ Dietrich, một tài xế taxi đã nghỉ hưu ở thành phố Oranienburg, phát hiện bom ở vườn sau nhà mình. Các chuyên gia tới để tháo ngòi, nhưng họ đành phải kích nổ bom, khiến mọi tài sản của ông bị phá hủy. Sau đó, ông còn không được phép xây lại nhà ngay lập tức vì chính quyền nghi có 2 quả bom khác ở vườn sau các nhà hàng xóm.

so tan Berlin vi bom min chua no The chien II anh 1
Chuyên gia rà phá bom đứng cạnh một quả bom đã vô hiệu hóa ngày 13/4/2018 ở Neu-Ulm miền nam nước Đức, nơi khoảng 12.000 người phải sơ tán. Ảnh: AFP.

Sống trên nóc trăm nghìn tấn bom

Các ước tính cho rằng khoảng 5-15% số lượng bom mà Anh - Mỹ thả xuống Đức đã không phát nổ, tức khoảng 95.000-285.000 tấn. Sau chiến tranh, các thành phố ở Đức muốn mau chóng tái thiết đã không bỏ thời gian tìm kiếm, và phần lớn số bom trên không được vô hiệu hóa, theo Spiegel Online.

“Bom mìn chưa nổ có ở khắp nơi”, Wilfried Mueller, chuyên gia ra phá bom mìn của chính phủ, nói với Reuters.

Với số lượng này, thêm nhiều tấn bom sẽ tiếp tục được phát hiện trong tương lai, nhờ công nhân xây dựng, máy xúc, nhờ các nông dân, hoặc do chúng bị vướng vào lưới đánh cá. Chúng có thể ở đâu đó dưới lòng đất: ở vườn sau nhà, dưới đường tàu, dưới đường cao tốc, gần sân bay.

Năm 2016, hãng xe hơi hàng đầu ở Đức Volkswagen phát hiện quả bom 250 kg dưới lòng trụ sở của hãng ở Wolfsburg. Năm 2013, một quả bom được phát hiện chỉ cách 2 m so với đường tàu đang hoạt động.

“Bom mìn càng cũ càng nguy hiểm”, Detlef Jaab, chuyên gia bom mìn thuộc cảnh sát Berlin nói với Reuters. Qua thời gian, các chất giúp bom ổn định bắt đầu mất tác dụng, khiến nguy cơ phát nổ tăng lên, theo Vice News.

Tuy có nhiều bom mìn chưa nổ như vậy, thương vong do tai nạn bom mìn được cho là hiếm: 1 người năm 1994, 1 công nhân sửa đường năm 2006, 3 chuyên gia bom mìn năm 2010 và 1 công nhân lái máy xúc năm 2014.

so tan Berlin vi bom min chua no The chien II anh 2
Các điểm phát hiện bom ở Berlin được đánh dấu trên một bản đồ của cảnh sát thành phố. Ảnh: Reuters.

Cách xử lý bom chưa nổ ở Berlin

Tiến sĩ Rainald Häber là chủ một công ty rà phá bom thường được chính quyền Berlin đặt hàng. Là chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này, ông đã tìm kiếm bom mìn ở khắp nơi, từ Châu Phi đến Nhật Bản.

Häber nói với Vice News năm 2014 nếu muốn vô hiệu hóa một quả bom ở Berlin, nơi ẩn giấu 2.000-4.000 bom chưa nổ, các chuyên gia có thể khoan, hoặc dùng máy cắt bằng tia nước để tách đôi quả bom, rồi lấy ngòi nổ. Họ có thể dùng một lượng nhỏ thuốc nổ cao cấp để khiến ngòi nổ bật ra mà không kích nổ quả bom.

so tan Berlin vi bom min chua no The chien II anh 3
Một mẫu ngòi nổ kích hoạt trên không của một quả bom đã được vô hiệu hóa bởi cảnh sát Berlin. Ảnh: Reuters.

Ông nói rằng khác với phim ảnh, trong đó diễn viên thường toát mồ hôi suy nghĩ nên cắt dây vàng hay dây đỏ, bom từ thời Chiến tranh Thế giới thứ 2 không có dây. Nếu bom vẫn còn chắc, chúng sẽ được di chuyển tới nơi có thể cho nổ có kiểm soát. Nếu bom được tìm thấy ở một cánh đồng trống, các chuyên gia có thể kích nổ ngay lúc đó.

Rừng Grunewald phía tây Berlin là nơi mà âm thanh và mùi vị của Thế chiến II quay trở lại 8 lần mỗi năm khi tiểu đội của Jaab cho nổ số bom mìn tìm được ở Berlin trước đó. Họ đóng cửa đường cao tốc và đường bay trong nửa tiếng. Báo động vang lên trước khi mặt đất của khu vực được canh phòng nghiêm ngặt này rung chuyển dữ dội.

so tan Berlin vi bom min chua no The chien II anh 4
Cảnh sát Berlin chất đống các quả bom cần cho nổ ở rừng Grunewald, phía tây thủ đô. Ảnh: Reuters.

Buộc phải kích nổ bom trong tương lai?

Đối với Häber, loại bom tệ nhất là “bom nổ chậm dùng ngòi nổ hóa học”. Loại bom này không phát nổ khi chạm đất, mà đợi vài giờ hay thậm chí vài ngày, khi người Đức không còn ở dưới hầm trú ẩn. Mục đích là gây thương vong cao nhất và làm đối phương kinh hoàng.

Loại bom này có các lọ nhỏ chứa chất acetone mà trong vài giờ sẽ bào mòn một vòng nhựa giữ cố định ngòi nổ. Tuy nhiên, tùy vào góc mà bom tiếp đất, acetone có thể nhỏ giọt theo hướng khác và khiến bom không nổ cho tới bây giờ. Sau hơn 70 năm, những quả bom này đang vô cùng mong manh.

Các chuyên gia đang lo ngại một ngày không xa, họ sẽ buộc phải kích nổ tại chỗ bom mìn từ Thế chiến II vì không thể tháo ngòi nổ của chúng một cách an toàn. Nếu như vậy, người Đức có thể sẽ phải làm quen với cảnh bom nổ thường xuyên trên đường phố của họ.

Nếu phải kích nổ ở giữa thanh phố lớn, thiệt hại có thể sẽ nghiêm trọng: năm 2012, một quả bom 250 kg bị cho nổ ở Munich, tạo ra một quả cầu lửa rực trời và gây thiệt hại hàng triệu euro cho 17 tòa nhà.

so tan Berlin vi bom min chua no The chien II anh 5
Vụ kích nổ quả bom ở Munich năm 2012 gây hỏa hoạn cho nhiều nhà trong một khu phố. Ảnh: AP.

Đức không phải nước duy nhất đối phó bom mìn còn sót lại. Bom chưa nổ do chính Đức thả xuống cũng đe dọa Anh, Pháp và Bỉ. Lào phải chứng kiến ít nhất 20.000 người thiệt mạng kể từ năm 1975 do 2 triệu tấn bom Mỹ dội xuống đây trong những năm 1960 và 1970.

Việt Nam cũng là một trong những nơi ô nhiễm bom mìn sau chiến tranh nặng nề nhất thế giới. Bom mìn còn sót lại đã làm hơn 40.000 người chết và hơn 60.000 người bị thương kể từ năm 1975. Ước tính vẫn còn tới 800.000 tấn bom, mìn nằm rải rác trên cả nước.

Bom nhiệt hạch tàn khốc như thế nào? Bom nhiệt hạch (bom H), mà Triều Tiên vừa tuyên bố thử nghiệm thành công ngày 3/9, được Liên Xô thử nghiệm từ 1953. Nó có thể gây bỏng chết người ở cách xa 100 km.

Đức: 13 quả bom từ Thế chiến II khiến 50.000 người sơ tán

Ngay 7/5, hơn 50.000 người dân ở thành phố Hanover của Đức sẽ buộc phải sơ tán trong khi nhà chức trách nước này tháo ngòi 13 quả bom chưa phát nổ từ Thế chiến II.

Frankfurt sơ tán 60.000 người do bom từ Thế chiến II

Khoảng 60.000 cư dân tại Frankfurt, Đức, phải sơ tán sau khi nhà chức trách phát hiện một quả bom từ thời Thế chiến II.

Trọng Thuấn

Bạn có thể quan tâm