Có rất nhiều lời khuyên khi sử dụng sản phẩm công nghệ giả mạo đang lan truyền khắp nơi. Mỗi thế hệ sản phẩm và dịch vụ công nghệ mới lại càng tạo ra nhiều niềm tin sai lầm hơn.
Thậm chí, có những thông tin được thêu dệt như sự thật, khiến nhiều người dùng công nghệ lâu năm bị đánh lừa dễ dàng.
Chế độ ẩn danh giúp bạn không lộ thông tin
Chế độ Incognito (ẩn danh) là một trong những tính năng được sử dụng nhiều nhất trên Google Chrome, vì người dùng tin rằng nó giúp bảo mật thông tin và che giấu lịch sử mỗi khi duyệt web.
Nhưng trên thực tế, chế độ này không đảm bảo riêng tư như nhiều người nghĩ. Năm 2023, Google đã bị kiện và đòi bồi thường 5 tỷ USD vì sai cam kết với người dùng. Thậm chí, chính một quản lý của Google cũng cho rằng cái tên “Chế độ ẩn danh” chỉ là trò bịp.
“Chúng ta nên ngừng gọi nó là chế độ ẩn danh và sử dụng biểu tượng gián điệp”, một kỹ sư Google nói trong đoạn chat với đồng nghiệp. Một người trong nhóm cũng đồng ý và cho rằng biểu tượng gián điệp đã biến chế độ này thành một trò đùa và không hề riêng tư như tên gọi của nó.
Trợ lý ảo đang nghe lén bạn
Nhiều người nghi ngờ việc các ứng dụng trên di động bí mật nghe lén mình để lấy thông tin quảng cáo.
Những ý kiến dạng “chắc chắn điện thoại đã nghe lén vì quảng cáo hiện lên đúng như những gì tôi nói với bạn mình” dễ dàng được tìm thấy.
Thực tế, việc các mẫu quảng cáo điện tử nhắm chuẩn mục tiêu, sát với nhu cầu, nội dung trao đổi của người dùng không hề hiếm. Do đó, việc nghi ngờ nhà quảng cáo nghe lén là có cơ sở. Tuy nhiên, những giả thuyết dạng này không thực tế.
Theo PC Mag, các sản phẩm loa thông minh tích hợp trợ lý ảo như Amazon Echo, Google Home và Apple HomePod chỉ "lắng nghe" một cách thụ động. Cụ thể, thiết bị chỉ ghi lại đoạn âm thanh khi được đánh thức bằng khẩu lệnh.
Điện thoại có thể chụp ảnh tốt như máy Full Frame
Camera trên smartphone đã có những bước tiến đáng kinh ngạc, với hàng loạt thông số đáng chú ý như cảm biến 200 MP hay khả năng zoom đến 100x.
Tuy nhiên, hãy nghĩ xem, bạn đã bao giờ thấy một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp sử dụng điện thoại trong một đám cưới, bên lề một trận đấu lớn hay trong buổi chụp ảnh của người mẫu chưa?
Nhiều người dùng vẫn quan niệm số megapixel càng lớn, hình ảnh càng đẹp hơn. Thực tế, kích thước cảm biến bên trong mới là yếu tố quan trọng hơn.
Ngoài ra, việc chụp những bức ảnh "có chủ thể sắc nét nhưng phần hậu cảnh lại bị mờ đi" với smartphone gần như là hoàn toàn bất khả thi.
Điều này xuất phát từ sự khác biệt về mặt vật lý giữa smartphone và những chiếc máy ảnh chuyên dụng, to lớn hơn.
Sạc điện thoại qua đêm khiến pin quá tải
Lý thuyết này đã không còn đúng với các smartphone ngày nay bởi việc sạc pin trên smartphone hiện đại được thiết kế để có thể ngắt mạch khi sạc đầy.
Nhiều năm trước, việc sạc pin quá mức cho điện thoại di động có thể khiến chúng bị quá nóng hoặc làm giảm tuổi thọ pin.
Nhưng với các smartphone mới, chúng đều được trang bị các công nghệ hỗ trợ sạc qua đêm như tự động ngắt điện khi đầy hay kiểm soát nhiệt độ pin...
Ngoài ra, một quan niệm sai lầm khác là sử dụng pin đến cạn mới cắm sạc. iPhone cũng như hầu hết dòng smartphone hiện nay đều sử dụng loại pin Lithium-ion.
Loại pin này dễ bị "chai" nếu người dùng thường xuyên sử dụng điện thoại cho đến khi cạn kiệt.
Việc này sẽ khiến viên pin sẽ rơi vào trạng thái xả sâu và bị giảm đi khả năng giữ lại năng lượng khiến thời lượng sử dụng của máy giảm đi nhanh chóng.
Tháp phát sóng 5G có thể khiến bạn bị bệnh
Thuyết âm mưu về 5G đang ngày càng phổ biến, nhất là trong năm 2020 khi thế giới trải qua đại dịch Covid-19. Guardian cho rằng những giả thuyết do các trào lưu cực hữu như QAnon đặt ra khiến nhiều người nghi ngờ công nghệ mạng mới nhất.
Không chỉ đưa ra những âm mưu như 5G là công cụ theo dõi của chính quyền hay gây ung thư, những nhóm này còn cho rằng 5G gây ra hoặc giúp Covid-19 lan truyền rộng rãi hơn.
Thậm chí, điều này dẫn tới trào lưu đốt phá, tấn công trạm phát sóng 5G tại nhiều quốc gia.
Sự thật là giới khoa học đã nhiều lần khẳng định 5G không gây hại tới sức khỏe hơn các loại sóng viễn thông khác.
Tất cả các sóng không dây đều phát bức xạ không ion hóa. Các bức xạ của sóng di động chỉ đủ năng lượng để kích hoạt các nguyên tử nhưng không ion hóa chúng.
Mặt khác, bức xạ ion hóa, như tia cực tím hoặc tia X, có đủ năng lượng để không chỉ làm rung động các nguyên tử và phân tử mà còn làm ion hóa chúng, điều này có thể dẫn đến những thay đổi bất lợi trong cấu trúc DNA, và cuối cùng dẫn đến ung thư.
Do vậy, các loại sóng di động sẽ không gây hại cho sức khỏe. Đây là kết luận chung của giới khoa học.
Nên tắt máy tính mỗi đêm
Năm 2020, Panda Security đã khảo sát chủ đề và nhận được kết quả là ít nhất 37% người dùng sẽ tắt máy tính hàng đêm, 23% lựa chọn không tắt máy và 15% còn lại cho rằng sẽ chỉ tắt máy nếu nó ngừng hoạt động.
Panda sau đó đưa ra kết luận chỉ nên tắt máy vào ban đêm nếu máy tính của bạn chứa thông tin nhạy cảm, kết nối mạng không được bảo mật, khi không cần chạy bản sao lưu hoặc truy cập ổ đĩa từ xa.
Do đó, người dùng có thể để máy tính mở nguồn liên tục và chỉ thỉnh thoảng khởi động lại để xóa bộ nhớ hay thực hiện cập nhật cài đặt hệ điều hành.
Bỏ điện thoại bị ướt vào thùng gạo
Từ lâu, nhiều người dùng đã có quan niệm dùng bao gạo để hút ẩm cho điện thoại gặp nước. Chỉ cần nhét điện thoại của bạn vào một túi gạo, niêm phong lại và đợi khoảng một ngày. Ý tưởng là gạo sẽ rút nước ra khỏi bên trong điện thoại.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đã khẳng định tất cả chỉ là chuyện hoang đường. Gạo không thực sự làm khô điện thoại nhanh hơn, mà thậm chí còn có thể làm chậm quá trình và khiến bảng mạch thiết bị dễ bị hư hỏng thêm.
Điều này cũng được phía Apple xác nhận trong tài liệu hỗ trợ mới nhất. “Đừng bỏ iPhone của bạn vào túi gạo. Làm như vậy có thể khiến những hạt gạo nhỏ làm hỏng iPhone của bạn”, tài liệu hỗ trợ năm 2024 của Apple cho biết.
Ngoài bao gạo, Apple cũng khuyến cáo người dùng không nên làm khô iPhone bằng nguồn nhiệt bên ngoài, máy nén khí hoặc nhét vật lạ như tăm bông hay khăn giấy vào cổng sạc.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.