Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 năm sau khi từ chức, Giáo hoàng Benedict khiến Vatican bối rối

Trong vòng 5 năm kể từ khi từ chức, Giáo hoàng Benedict khá kín tiếng, nhưng 2 năm trở lại đây ông nhiều lần thể hiện quan điểm khác biệt với người kế nhiệm là Giáo hoàng Francis.

Vào ngày 11/2/2013, Giáo hoàng Benedict XVI, khi đó đã 85 tuổi, tuyên bố bằng tiếng Latin - trước sự bất ngờ của các hồng y - rằng ông quyết định thoái vị với lý do tuổi tác.

Không chỉ giáo hội Cơ Đốc giáo mà cả thế giới đều cảm thấy sốc trước việc này, vì lần gần nhất một giáo hoàng từ nhiệm đã là từ 7 thế kỷ trước.

Vatican hai giao hoang anh 1

Giáo hoàng Danh dự Benedict trong một lần xuất hiện tại Thánh đường St. Peter vào năm 2015, bên cạnh là thư ký riêng - Tổng giám mục Georg Gaenswein. Ảnh: AP.

Khác biệt bắt đầu bộc lộ

AFP miêu tả kể từ đó ở Vatican - quốc gia nhỏ nhất thế giới - có 2 vị giáo hoàng cùng chung sống. Thay vì trở lại làm Hồng y Joseph Ratzinger, ông vẫn mặc áo choàng trắng và có tước vị là "giáo hoàng danh dự".

Trong vòng 5 năm đầu tiên, sự tồn tại song song này dường như không gặp vấn đề gì, nhưng mọi chuyện bắt đầu thay đổi theo chiều hướng đáng quan ngại trong vòng 2 năm trở lại đây.

Giáo hoàng Benedict, mặc dù thể chất đã yếu đi vì cao tuổi, nhưng vẫn giữ được sự minh mẫn và trí tuệ của một nhà thần học uyên bác, và vẫn hoạt động tích cực khi đang nghỉ hưu, để thảo luận về những chủ đề lớn mà giáo hội phải đối mặt.

Giáo hoàng người Đức luôn được biết đến với những quan điểm mang tính truyền thống hơn, trong khi người kế nhiệm - Giáo hoàng Francis - lại nổi tiếng toàn cầu với sự cởi mở của mình.

Và cuối cùng thì những sự khác biệt bắt đầu bộc lộ. Gần đây, giáo hoàng danh dự đã lên tiếng bày tỏ sự không tán thành với khả năng cho phép các linh mục ở một số vùng nhất định được phép kết hôn, điều mà người kế nhiệm được cho là đang cân nhắc.

Hồi tháng 10 năm ngoái, một hội nghị của các giám mục vùng Amazon đề xuất việc cho phép các linh mục bản xứ kết hôn, cho rằng ngoại lệ này sẽ giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân sự mục vụ ở đây.

Giáo hoàng Francis hôm 12/2 đã bác bỏ đề xuất này, quyết định được xem là một chiến thắng cho các nhóm bảo thủ trong giáo hội, nhưng gây ra nỗi thất vọng với nhiều người đã xem Giáo hoàng Francis là niềm hy vọng lớn nhất trong việc tạo ra thay đổi quan trọng đối với nhà thờ Công giáo.

Vatican khẳng định rằng quan điểm của Giáo hoàng Francis đã được quyết định từ tháng 12, trước khi có cuốn sách xuất bản tháng trước của Hồng Y Robert Sarah (người cực kỳ truyền thống) với sự góp bút của Giáo hoàng Benedict - trong đó ông thể hiện quan điểm bảo vệ yêu cầu độc thân đối với các linh mục.

Vatican hai giao hoang anh 2

Giáo hoàng Benedict và Giáo hoàng Francis trong một cuộc gặp với các hồng y tại chủng viện nơi cựu giáo hoàng sinh sống. Ảnh: Vatican Media.

Một số nhà quan sát Vatican cho rằng Giáo hoàng Francis đã không hài lòng khi ấn phẩm này xuất hiện, và các đoạn trích của nó được đăng trên báo Le Figaro của Pháp.

Thông qua thư ký riêng của mình là tổng giám mục người đồng hương Georg Gaenswein, Giáo hoàng Benedict đã phân trần rằng ông chưa bao giờ đồng ý trở thành đồng tác giả của cuốn sách.

Tuy nhiên, những thiệt hại về mặt truyền thông thì đã xảy ra rồi.

"Chỉ có một giáo hoàng"

Đây không phải là lần đầu tiên Giáo hoàng Benedict khiến cho người kế nhiệm bị "việt vị". Hồi tháng 4/2019, khi bê bối linh mục xâm hại tình dục đang chiếm trọn sự chú ý toàn cầu, đe dọa nghiêm trọng hình ảnh của Vatican, cựu giáo hoàng đã công bố một bức thư, trong đó đổ lỗi cho cuộc cách mạng tình dục sau Thế Chiến 2 và sự thiếu vắng của Chúa trong xã hội hiện đại, cho rằng đó là nguyên nhân dẫn tới nạn ấu dâm trong nhà thờ.

Giáo hoàng Francis trong khi đó cho rằng cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ những vấn đề nội tại trong hệ thống nhà thờ, và cũng chỉ trích "chủ nghĩa giáo sĩ" - tình trạng các linh mục cho rằng mình ở bậc trên so với những người khác - điều khiến cho họ trở nên xa rời các tín hữu.

Tổng giám mục Gaenswein, người giữ chức vụ chủ tịch Phủ Giáo hoàng, cơ quan phụ trách lên lịch và tổ chức các cuộc gặp của Giáo hoàng Francis - đã không còn xuất hiện bên cạnh người đứng đầu Vatican kể từ khi cuốn sách của Giáo hoàng Benedict được xuất bản. Giáo hội cho biết ông Gaenswein đã được cho rời khỏi cương vị này để có thể tập trung vào công việc làm thư ký riêng cho giáo hoàng danh dự.

Vào tháng 1 vừa qua, khi xuất hiện trên chương trình của một kênh truyền hình Đức, Giáo hoàng Benedict khiến nhiều người lo lắng khi phải ngồi xe lăn và nói với một giọng yếu ớt. Cựu giáo hoàng đã không còn tự mình cử hành thánh lễ trong nơi ở mình tại Vatican, một căn phòng nhỏ với những bức ảnh gia đình và đồ lưu niệm từ xứ Bavaria.

Cựu giáo hoàng giờ đây đã sử dụng đôi dép mà các giáo sĩ ở Vatican thường dùng, thay vì đôi giày màu đỏ nối tiếng trong quá khứ, tuy nhiên ông vẫn tiếp tục mặc áo choàng trắng, thay vì áo choàng đỏ của một hồng y.

"Bạn có thể thấy sức khỏe của ngài đã suy giảm khi nhìn ngài bước đi", Tổng giám mục Gaenswein, người sống bên cạnh cựu giáo hoàng trong chủng viện, chia sẻ trong bộ phim tài liệu.

Vatican hai giao hoang anh 3

Tổng giám mục Georg Gaeswein đã không còn giữ vị trí chủ tịch Phủ Giáo hoàng, cơ quan phụ trách các cuộc tiếp kiến của Giáo hoàng Francis. Ảnh: AP.

Mặc dù không còn là giáo hoàng, Giáo hoàng danh dự Benedict vẫn có tầm ảnh hưởng rộng lớn với các người có thiên hướng bảo thủ trong giáo hội, họ ngưỡng mộ các công trình nghiên cứu sâu sắc về giáo lý truyền thống của ông với tư cách là nhà thần học hàng đầu Vatican trong hơn 30 năm, cùng với quan điểm cho rằng các giáo lý nhà thờ không nên được hiểu khác đi để phù hợp với thời đại.

Từ lâu vị giáo hoàng danh dự - dù chủ động tránh xuất hiện trước truyền thông - đã trở thành biểu tượng của sự phản kháng trước mong muốn cải cách và những quan điểm trung lập hơn của Giáo hoàng Francis.

Cách đây một tuần, Hồng y Pietro Parolin, quốc vụ khanh Tòa thánh và được coi là người quyền lực thứ 2 ở Vatican, đã khẳng định giáo hội chỉ có một giáo hoàng duy nhất.

"Chúng ta hãy ngừng nói về việc có 2 giáo hoàng độc lập, vì sự thật là chỉ có một giáo hoàng và đó là Francis", ông Parolin nói.

Giáo hoàng Benedict muốn rút tên khỏi cuốn sách gây tranh cãi

Cựu giáo hoàng muốn bỏ tên ông với tư cách là đồng tác giả của cuốn sách có quan điểm ủng hộ luật linh mục độc thân, trong bối cảnh người đương nhiệm xem xét nới lỏng quy định này.

Giáo hoàng Benedict XVI muốn giữ luật linh mục độc thân

Cựu giáo hoàng khẳng định việc yêu cầu các linh mục độc thân là cần thiết, trong bối cảnh người đương nhiệm Francis từng đề xuất nới lỏng quy định này để giải quyết vấn đề nhân sự.

Sơn Trần

Theo AFP

Bạn có thể quan tâm