Các vụ cháy rừng gần đây tàn phá rừng mưa Amazon với tốc độ chóng mặt càng khiến các cuộc thảo luận tại hội nghị cấp bách hơn. Nội dung các cuộc họp sẽ bao gồm nỗ lực của Vatican nhằm bảo vệ hệ sinh thái quan trọng nhất thế giới.
Nhưng Giáo hoàng Francis còn bị chỉ trích về nỗ lực cải thiện quan hệ với mọi nhánh của thế giới Công giáo - một trong những ưu tiên của ông, theo Washington Post.
Một số quan chức của tòa thánh theo chủ trương bảo thủ, truyền thống cho rằng Vatican đang xa rời gốc rễ của mình, hành động như một tổ chức phi chính phủ hơn là một tôn giáo. Họ cũng chỉ trích một nội dung trong lịch họp mà giáo hoàng đã soạn ra: cho phép đàn ông lớn tuổi, đã có vợ, làm linh mục, để bù đắp sự thiếu hụt linh mục ở vùng Amazon.
Các ý kiến bảo thủ cho rằng việc chấp nhận đề xuất đó có thể mở đường cho nhiều nơi khác thế giới sửa đổi quy định truyền thống của Công giáo là linh mục phải không được kết hôn và kiêng cữ tình dục.
Giáo hoàng Francis dự buổi lễ của cộng đồng người bản xứ Amazon ở Vatican ngày 4/10. Ảnh: AFP. |
“Đây là thời khắc mang tính bước ngoặt cho giáo hoàng”, Marco Politi, nhà phân tích Vatican lâu năm và tác giả cuốn sách Sự cô đơn của Francis nói với Washington Post.
“Ông Francis rõ ràng có trong đầu một mô hình mới về nhà thờ, trong đó các tín đồ có vai trò lớn hơn. Hoặc là ông sẽ có được sự đột phá, hoặc là ông sẽ bị các thế lực bảo thủ ngăn chặn”.
Ông Politi so sánh sự chống đối giáo hoàng giống như phong trào Tiệc Trà của đảng Cộng hòa chống đối Tổng thống Obama, với sự gay gắt không kém.
“Họ ngày càng mạnh dạn hơn. Việc một hồng y gọi các văn bản của giáo hoàng là ‘dị giáo’ gần như trở nên bình thường”, ông nói.
Giáo hoàng Francis đã biến bảo vệ môi trường thành ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Đồng thời, ông cũng đang phải đối phó với phong trào tin lành đang lớn mạnh ở Brazil và Nam Mỹ.
Chuyên gia dân số José Eustáquio Diniz Alves ước tính số người Công giáo ở Brazil có thể giảm 50% trong ba năm tới, và số người tin lành sẽ vượt trên số người Công giáo trước năm 2032.