Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

7 điều lãng phí thường gặp trong sản xuất

Để tăng lợi nhuận, ngoài việc tăng doanh thu, sản lượng, việc cắt giảm các chi phí không chất lượng, hay còn gọi là lãng phí, cũng là một yếu tố quan trọng.

Mục tiêu của mọi doanh nghiệp khi hoạt động kinh doanh đều là hướng đến lợi nhuận. Các doanh nghiệp cần phải nắm rõ khái niệm lãng phí trong sản xuất và các loại lãng phí. Dưới đây là những vấn đề lãng phí thường gặp trong sản xuất.

Lãng phí do tồn kho

Việc sản xuất và sau đó lưu trữ hàng tồn kho gây ảnh hưởng xấu đến không gian, diện tích kho xưởng cũng như dòng tiền của doanh nghiệp. Đồng thời, việc lưu kho sản phẩm qua thời gian dài cũng khiến chất lượng sản phẩm xuống cấp.

Lãng phí do chờ đợi

Nếu không cân bằng công đoạn sản xuất tốt, nhà máy sẽ dễ gặp phải tình trạng máy và công nhân không có việc để làm, phải dừng máy hoặc đứng không để chờ nguyên liệu từ công đoạn trước, chờ lấy dụng cụ…

Trung tam ho tro DNNVV phia Bac anh 1
Việc chờ đợi cũng gây lãng phí.

Lãng phí do sản xuất, nhập hàng quá yêu cầu

Việc sản xuất hoặc nhập hàng về nhiều hơn đơn hàng của khách khiến cho lượng bán thành phẩm và thành phẩm trong nhà máy nhiều hơn yêu cầu. Những hàng hóa như vậy cũng chiếm diện tích kho xưởng và gây ứ đọng tiền vốn của doanh nghiệp. Đồng thời, những bán thành phẩm và thành phẩm đó cũng sẽ bị suy giảm chất lượng qua thời gian dài lưu trữ.

Lãng phí do chất lượng sản phẩm kém

Một lãng phí khác thường gặp trong nhà máy sản xuất xuất phát từ vấn đề chất lượng sản phẩm. Khi chất lượng sản phẩm không tốt, nhiều hàng lỗi, doanh nghiệp buộc phải đầu tư thêm thời gian, nhân lực cũng như chi phí để tiến hành sửa chữa sản phẩm lỗi, hoặc loại bỏ các sản phẩm lỗi không sửa được.

Lãng phí do vận chuyển

Đây là lãng phí được sinh ra khi phải công nhân di chuyển hoặc vận chuyển hàng hóa từ xưởng này sang xưởng kia, từ công đoạn này sang công đoạn khác, từ máy này sang máy khác theo một lộ trình chưa tối ưu. Điều này dẫn đến chặng đường di chuyển dài hơn, tốn thời gian hơn mà không mang lại bất cứ giá trị gia tăng nào.

Lãng phí do thao tác thừa

Trong quá trình sản xuất, một số thao tác, đầu công việc không mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, như việc sắp xếp lại nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm... Đó chính là những thao tác gây tốn nhân lực và thời gian.

Lãng phí do phương pháp gia công

Bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn sản xuất ra những sản phẩm có chất lượng tốt nhất, nhưng quá tốt chưa hẳn đã có lợi cho hoạt động kinh doanh. Nếu gia công sản phẩm một cách tỉ mỉ, chăm chút, tốn thời gian, cho ra một sản phẩm có độ chính xác cao trong khi khách hàng không hề yêu cầu điều đó, doanh nghiệp đang lãng phí gia công, nhân lực và thời gian của mình.

7 loại lãng phí này chính là những đối tượng để doanh nghiệp tiến hành cải tiến hay còn gọi là “Kaizen”. Độc giả tìm hiểu thêm các kiến thức hữu ích về phương pháp quản trị 5S - Kaizen tại chuyên đề “Kaizen 5S - Cải tiến chất lượng liên tục”, hướng dẫn bởi giảng viên Kobayashi Noriaki, chuyên gia cao cấp của JICA.

“Kaizen 5S - Cải tiến chất lượng liên tục” là một trong 15 chuyên đề thuộc chương trình đào tạo trực tuyến của Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự tại đây.


Diệp Trà

Bạn có thể quan tâm