Doanh nghiệp startup có nhiều phương thức huy động vốn kinh doanh. Dưới đây là 3 phương thức phổ biến nhất hiện nay.
Vay vốn
Vay vốn để đầu tư là một khái niệm khá quen thuộc. Trong đó, công ty khởi nghiệp vay một khoản tiền để đầu tư cho hoạt động của doanh nghiệp, với mức lãi suất theo thỏa thuận với chủ nợ. Ngoài ra, thông thường, doanh nghiệp cần cung cấp tài sản thế chấp để giảm rủi ro cho chủ nợ, trong trường hợp công ty hoạt động không như mong đợi. Tài sản thế chấp càng giá trị, doanh nghiệp càng có cơ hội vay được nhiều vốn.
Vay vốn là một hình thức huy động vốn phổ biến. |
Vay vốn là hình thức thích hợp nếu công ty khởi nghiệp cần một khoản tiền không quá lớn, cần vốn gấp. Trong trường hợp cần mua sắm máy móc, nhà xưởng, doanh nghiệp cũng có thể dùng chính tài sản đó để thế chấp và vay vốn. Ví dụ, startup A vay vốn ngân hàng với giá trị 50.000 USD, lãi suất 6% một năm và dùng nhà của người sáng lập làm tài sản thế chấp.
Huy động thông qua cổ phần hóa
Với phương pháp này, startup sẽ đổi lấy một phần quyền sở hữu của doanh nghiệp để đổi lấy vốn góp từ nhà đầu tư. Giá trị vốn góp và tỷ lệ cổ phần sẽ dựa trên thỏa thuận giữa công ty khởi nghiệp và nhà đầu tư.
Thông thường, giá trị huy động sẽ được dựa trên định giá của công ty vào thời điểm huy động. Nhà đầu tư sẽ thu lợi nhuận từ việc chia cổ tức khi công ty kinh doanh có lãi, hoặc bán cổ phần khi công ty được định giá cao hơn.
Công ty khởi nghiệp nên huy động vốn thông qua cổ phần hóa nếu cần một số tiền lớn mà không có tài sản thế chấp, hoặc cần sự hỗ trợ về nhiều mặt từ nhà đầu tư.
Ví dụ, startup B định giá doanh nghiệp của mình là 2 triệu USD và quyết định đổi 20% cổ phần để được đầu tư 400.000 USD từ nhà đầu tư X, với điều kiện nhà đầu tư này phải tham gia vào doanh nghiệp trong vai trò cố vấn.
Huy động thông qua nợ chuyển đổi
Nợ chuyển đổi (Convertible note) là hình thức kết hợp giữa bán cổ phần và vay vốn. Trong đó, công ty khởi nghiệp vay một khoản vốn từ nhà đầu tư và thỏa thuận rằng khoản vay có thể được hoàn trả cùng với lãi suất, hoặc chuyển đổi thành cổ phần vào một thời điểm trong tương lai.
Trước khi nợ được chuyển đổi, nhà đầu tư vẫn là chủ nợ, không nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp, nên không có quyền can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp nếu không có thỏa thuận nào khác.
Hình thức huy động qua nợ chuyển đổi thường được sử dụng khi công ty khởi nghiệp chưa có cơ sở để định giá, hoặc khi họ tin rằng giá trị công ty sẽ tăng mạnh trong tương lai gần. Với hình thức này, công ty có thể bảo vệ được giá trị cổ phần của mình, đồng thời nhà đầu tư cũng gặp ít rủi ro hơn.
Ví dụ, startup C huy động vốn từ nhà đầu tư X theo hình thức nợ chuyển đổi, với số tiền là 100.000 USD, thỏa thuận lãi suất là 5% và nếu nhà đầu tư X muốn mua cổ phần ở vòng huy động vốn tiếp theo, người đó sẽ được giảm giá 25%.
Độc giả tìm hiểu thêm các kiến thức hữu ích về khởi nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại chuyên đề “Kiến thức cơ bản về khởi sự doanh nghiệp”, hướng dẫn bởi giảng viên Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Học viện doanh nhân MVV.
“Kiến thức cơ bản về khởi sự doanh nghiệp” là một trong 15 chuyên đề thuộc chương trình đào tạo trực tuyến của Trung tâm hỗ trợ DNNVV phía Bắc (thuộc Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư). Chương trình được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí. Tìm hiểu thêm về các chuyên đề và đăng ký tham dự tại đây.