5 năm, mục tiêu cải tạo 14 chung cư cấp D (nguy hiểm) của TP.HCM chưa có biến chuyển. Sở Xây dựng TP.HCM cho biết nguyên nhân chính khiến chương trình cải tạo này bị trì hoãn do vướng quy định phải được 100% cư dân đồng ý.
Tại buổi làm việc mới đây với Sở Xây dựng về định hướng nhiệm vụ năm 2022, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình yêu cầu đơn vị đặt mục tiêu trọng tâm phải cải tạo 14 chung cư cấp D trong năm nay.
Trong số 14 chung cư cấp D trên địa bàn, có 7 chung cư tọa lạc ở trung tâm thành phố.
Chung cư 155-157 Bùi Viện ở phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, được xây trước năm 1975. Nơi đây có 8 tầng, rộng gần 600 m2. Công trình được Sở Xây dựng đánh giá có mức độ hư hỏng nặng và đã tiến hành di dời khẩn cấp người dân năm 2019. Hơn 80% cư dân rời đi, còn lại 16/100 hộ.
Chung cư Trúc Giang tọa lạc trên đường Lê Văn Linh (phường 13, quận 4). Quy mô 5 tầng, diện tích hơn 800 m2. Khu nhà này được xây dựng trước 1975, có 123 hộ sinh sống. Công trình được Sở Xây dựng đánh giá kiểm định ở mức D, khả năng chịu lực không thể đáp ứng yêu cầu sử dụng bình thường, nhà xuất hiện tình trạng nguy hiểm tổng thể. 119 hộ dân đã chuyển đến nơi tạm cư, còn 4 hộ dân ở lại.
Chung cư Vĩnh Hội (quận 4). Ảnh: Duy Hiệu. |
Chung cư 128 Hai Bà Trưng (phường Đa Kao, quận 1) ban đầu được thiết kế làm nhà ở tập thể, sau chuyển đổi công năng thành nhà ở căn hộ với 4 tầng. Theo kết quả kiểm định của Sở Xây dựng, chung cư này có mức độ nguy hiểm cấp D, bị hư hỏng nặng. Tháng 9/2017, UBND quận 1 đã thi hành cưỡng chế và tháo dỡ khẩn, di dời toàn bộ hộ dân chung cư này.
Chung cư 23 Lý Tự Trọng toạ lạc tại giao lộ Lý Tự Trọng - Thái Văn Lung (quận 1) có 2 khối cao 5 và 8 tầng, được xây dựng trước năm 1975. Sở Xây dựng đánh giá chung cư thuộc cấp D, có thể sập đột ngột. Cuối tháng 2/2020, UBND quận 1 tiến hành tháo dỡ chung cư này.
Chung cư Vĩnh Hội nằm trên đường Nguyễn Hữu Hào tại trung tâm quận 4, diện tích gần 4.000 m2 với quy mô 4 tầng. Chung cư đã xuống cấp nghiêm trọng, xếp loại nguy hiểm cấp D. Tháng 2/2019, UBND quận 4 được giao khẩn trương lập phương án di dời và sắp xếp nơi tạm cư cho các hộ dân, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư để triển khai dự án.
Chung cư 6 Bis Nguyễn Tất Thành (quận 4) có quy mô 2 tầng. Tháng 12/2012, công trình được phân loại mức độ nguy hiểm cấp D. Chính quyền địa phương đã di dời xong 26/26 hộ và đang lựa chọn chủ đầu tư.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo tọa lạc ở nút giao đường Trần Hưng Đạo - Châu Văn Liêm (quận 5), có quy mô 1 trệt, 1 lửng, 2 lầu, sân thượng và mái bê tông cốt thép. Chung cư này được xây dựng trước năm 1975, hiện xuống cấp nghiêm trọng nhưng vẫn là nơi cư trú của 32 hộ gia đình. Một số hộ dân tại đây cho biết họ sống 2-3 thế hệ nên nếu chuyển đi sẽ gây bất tiện. Ngoài ra, người dân muốn phương án đền bù phải có số tiền cụ thể về giá trị căn nhà hiện tại và căn hộ tái định cư.
Chung cư 440 Trần Hưng Đạo (quận 5) được xây dựng trước năm 1975. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngoài 7 chung cư trên, các chung cư như 43 Bình Tây (quận 6), 47 Long Hưng (Tân Bình), 137 Lý Thường Kiệt (Tân Bình), Tân Phước (Tân Bình)... cũng nằm trong danh sách chung cư hư hỏng nặng và có phân loại nguy hiểm cấp D, cần xây mới.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, đến tháng 9/2021, thành phố đã di dời hơn 333 hộ dân ở 6 chung cư cũ được xây trước năm 1975, đang di dời 303/566 hộ dân ở 5 chung cư. Thành phố đã tháo dỡ 4 chung cư cũ với tổng diện tích hơn 14.400 m2.
Chương trình hành động chỉnh trang đô thị, cải tạo chung cư cũ của TP.HCM được đưa ra từ năm 2016 đến nay. Theo mục tiêu đề ra, đến năm 2020 TP.HCM sẽ cải tạo, sửa chữa hoặc xây mới 237 chung cư (chiếm 50%) trong số 474 chung cư có trước năm 1975 bị xuống cấp, hư hỏng; tuy nhiên, hiện mới có 2 chung cư cũ được cải tạo, xây mới.