Ai cũng muốn được cất nhắc, được lên làm sếp. Nhưng muốn lên làm sếp, tiêu chí đầu tiên là bạn phải đủ chuyên nghiệp. Tuy nhiên, chẳng mấy sếp được nhân viên văn phòng, đối tác hoặc đồng nghiệp công nhận phẩm chất đó. Thật ra, không phải bạn dở, mà tại bạn chưa tìm được cánh để trở nên chuyên nghiệp.
7 kỹ năng sau đây sẽ giúp bạn nhanh chóng trở thành người chuyên nghiệp nếu luyện tập thường xuyên.
Mạnh dạn chịu trách nhiệm
Khi công việc xảy ra sai sót, theo bản năng, bạn hay tìm cách trốn tránh trách nhiệm, chối quanh co hoặc đổ lỗi cho người khác. Hãy làm khác, tự chịu trách nhiệm nếu thật sự bản thân bạn làm sai. Sau đó, hãy rút kinh nghiệm và đừng bao giờ tái phạm. Sự chuyên nghiệp không phải không bao giờ làm sai mà là dám nhận lỗi.
Cân nhắc cẩn thận
Một người chuyên nghiệp thực sự thường có khuynh hướng xem xét không chỉ hành động của họ mà còn là tác động của hành động đó tới nhiều người khác xung quanh họ. Một hành động nhã nhặn, như gửi mail cho các đồng nghiệp để báo tiến trình công việc đến đây, việc bạn làm hay không làm, có thể ảnh hưởng đến toàn bộ kế hoạch của nhóm.
Hãy khiêm tốn
Bạn hãy khiêm tốn khi có thể, dù bạn có là sếp đi nữa. Muốn công việc có kết quả tốt nhất, bạn buộc phải nhận sự giúp đỡ, đồng lòng của toàn đội. Chẳng nhân viên nào muốn tận hiến với ông sếp chỉ biết mỗi mình mình. Nếu bạn quá kiêu ngạo, bạn không thể có một đội tốt và sự nghiệp của bạn chắc chắn sẽ không bền.
Kiểm soát truyền thông
Bạn phải tránh bình luận về những điều làm người khác không thoải mái hoặc hạ thấp giá trị của người khác. Sự thật là, nhiều người lãnh đạo không thấy được sức mạnh của truyền thông. Ví dụ, khi nhận được một phản hồi của khách, nếu bạn giải quyết thỏa đáng, công ty giữ được uy tín; ngược lại, công ty không chỉ mất một mà rất nhiều khách hàng nếu sự việc bị phát tán trên truyền thông.
Gọn gàng, đúng mực
Bạn có thể chọn bất cứ áo quần nào mà bạn thích. Một bộ vét và cà vạt không làm nên sự chuyên nghiệp. Nhưng, bạn không thể quá xuề xòa, hãy mặc những gì phù hợp với công việc, môi trường làm việc; điều đó thể hiện sự tôn trọng của bạn với nghề nghiệp và mọi người xung quanh.
Hãy tử tế
Khi bạn kiên nhẫn và tôn trọng người khác, ngay cả khi bạn không hài lòng, bạn sẽ có một đội làm việc vô cùng mạnh mẽ. Hãy luôn nhớ: cuộc đời là một tấm gương, bạn đối xử với người khác như thế nào, họ sẽ đối xử với bạn như thế ấy.
Hãy kiên định
Hãy kiên định không chỉ trong các quyết định của công việc mà cả trong cách bạn đối xử với các nhân viên. Khi công việc gặp khó khăn, bạn phải cùng đồng nghiệp của mình ngồi xuống và tìm cách tháo gỡ chứ không phải quát tháo, cuống quýt đổi phương án ngay lập tức. Kể cả trong lúc bực tức, bạn cũng không nên la lối người khác, điều đó chỉ khiến nhân viên của bạn ức chế thêm mà chẳng giải quyết được vấn đề gì. Hãy kiểm soát tốt cảm xúc của mình.