Khối tài sản khủng của nhà vợ Thanh Bùi
Theo danh sách thành viên góp vốn trong công ty TNHH tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP Group Holding), bố vợ Thanh Bùi là ông Trương Trí Trung hiện nắm giữ khoảng 6,66% vốn, là cổ đông lớn thứ 3 của doanh nghiệp tư nhân này. Xét về giá trị tuyệt đối, vị này đang góp khoảng 400 tỷ đồng.
Riêng vợ Thanh Bùi, nữ doanh nhân trẻ Trương Huệ Vân cũng có tên trong danh sách này với phần vốn góp là 100 tỷ đồng, tương đương 1,67% vốn. Như vậy, tổng cộng 2 cha con Trương Huệ Vân đang nắm 8,33% cổ phần của VTP Group Holdings, tương đương lượng vốn góp trị giá 500 tỷ đồng. VTP Group Holding hiện nắm giữ hơn 40% cổ phần của công ty cổ phần tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát (VTP Group); đây chính là công ty có vốn điều lệ 12.800 tỷ đồng như báo giới đã đề cập đến.
Trên trang web chính thức của Vạn Thịnh Phát, ngoài tòa nhà cao thứ 6 Việt Nam, tập đoàn này còn là chủ sở hữu của nhiều công trình khách sạn, nhà hàng và hàng loạt dự án đình đám tại trung tâm TP.HCM.
Chuyện kinh doanh mang lại thành công cho bầu Đức
Sở hữu khối tài sản gần 6.500 tỷ đồng, từng được vinh danh là một trong những doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á, bầu Đức là một trong những người quen mặt nhất với giới đầu tư và truyền thông Việt Nam. Nhận mình là người giản dị, dành hầu hết thời gian cho công việc, bầu Đức từng chia sẻ cái may mắn của ông là "lắm tài, nhiều của mà lại không có tật" khi kinh doanh vì đam mê chứ không phải vì tiền.
Trải qua một năm với nhiều biến động trong và ngoài nước, nhiều dự án, kế hoạch vướng scandal nhưng Chủ tịch tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức vẫn cho người đời thấy cái tầm của mình khi ông giành thắng lợi trong cuộc chiến thương hiệu. Cái được lớn nhất của ông Đức là sự thành công của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai-Arsenal, sự kiện Running Man Vũ Xuân Tiến hay kế hoạch đầu tư đón sóng tại Myanmar.
Vượt trên những khó khăn của năm tài chính 2013, dù có lúc phải “phá giá” căn hộ mở bán tại TP.HCM, Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức vẫn đạt lợi nhuận trước thuế tính đến quý III là khoảng 256 tỷ đồng. Theo báo cáo kinh doanh quý III/2013, Hoàng Anh Gia Lai đang có những động thái để thu hẹp dần mảng bất động sản trong nước, dồn lực cho các dự án tại Myanmar. Ngay trong thông điệp báo cáo thường niên, ông Đoàn Nguyên Đức từng nhìn nhận: “Tập đoàn sẽ giãn tiến độ đầu tư vào các dự án tại Việt Nam để chờ thị trường hồi phục và chờ dòng tiền từ ngành trồng cây công nghiệp và thủy điện”.
Sếp tuổi ngựa "yên chiến mã" ở ACB
Chính thức nối nghiệp cha, trở thành chủ tịch khi ACB vừa tròn 20 năm thành lập, doanh nhân 34 tuổi Trần Hùng Huy là nhân vật ít tuổi nhất tại ngân hàng nắm giữ chiếc ghế nóng này. So với những người tiền nhiệm, ông Huy non hơn về mọi mặt nhưng được coi là sự lựa chọn hợp lý nhất vào thời điểm được HĐQT chỉ định.
Giữ ghế chủ tịch ACB trong thời điểm bão tố, Trần Hùng Huy đã mang đến cho ACB một bức tranh khác về cơ cấu tổng tài sản cũng như lợi nhuận. Từ việc dựa vào vốn vàng, ACB đã hầu như tất toán được trạng thái trước thời điểm Ngân hàng Nhà nước yêu cầu, đưa ACB từ mức lỗ 520,7 tỷ đến lợi nhuận sau thuế hơn 400 tỷ đồng vào quý III/2013.
Có tiếng là "con ông cháu cha" nhưng Chủ tịch ACB thực chất lại có một lý lịch học vấn và ngân hàng tuần tự. Dù cần có thêm thời gian để có được vị thế như bố, ông Trần Mộng Hùng, nhưng Trần Hùng Huy hiện được xem là người kế tục xứng đáng, đang nắm giữ quyền lực lớn trong HĐQT của ACB.
Thu bạc triệu từ bán cá kho ăn Tết, bắp xào ở Sài Gòn
Dịp Tết, các cơ sở kho cá ở làng Vũ Đại xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam bán ra thị trường hàng nghìn niêu cá kho với giá dao động từ 500.000 đồng đến cả triệu đồng. Mức giá nói trên đã bao gồm tiền vận chuyển cho khách hàng tại khu vực Hà Nội, riêng khách ở TP.HCM phải trả thêm từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
Giá của mỗi niêu cá kho nặng từ 1kg đến 4,5 kg đắt không chỉ bởi tên thương hiệu Vũ Đại đã nổi tiếng, mà còn do cách chế biến kỳ công của món ăn này. Với tên tuổi được thị trường biết đến, thậm chí cả Việt kiều và khách nước ngoài cũng tìm mua, một cơ sở chế biến tiết lộ tiêu thụ 12-15 tấn cá trong dịp Tết, thu khoảng 4 tỷ đồng.
Trong khi đó, với số vốn bỏ ra ít như thu lời gấp 3, nhiều tiểu thương ở Sài Gòn đã đổ xô kinh doanh món bắp xào, nhất là tại khu vực xung quanh Hồ Con Rùa. Chi phí cho mỗi hộp bắp chỉ khoảng 3.000 đồng nhưng bán với giá tới 15.000 đồng, mỗi ngày, một người bán khoảng 100 hộp bắp có thể thu về từ 1 đến 1,2 triệu đồng tiền lãi.
Nguyên liệu để chế biến món bắp xào rất đơn giản, hạt bắp luộc chín, xào qua với dầu ăn, thêm bơ cho thơm và tôm khô, nêm muối, bột ngọt, hành lá. Tuy nhiên, món ăn này cũng thường nhận được nhiều khuyến cáo về an toàn thực phẩm, đặc biệt là dầu ăn không rõ nguồn gốc, tương ớt nhuộm phẩm màu, 2 loại gia vị được sử dụng rất nhiều trong chế biến. Riêng với bắp, để nhanh chín thì hầu hết người bán đều luộc chín trước khi xào, và bắp luộc không thể thiếu loại hóa chất giúp bắp nhanh mềm, chưa kể nếu bắp bán dư thì những ngày hôm sau vẫn tiếp tục bán.
Thu hồi búp bê đầu trái cây chứa chất độc
Ông Phan Hoàn Kiếm (Cục Quản lý thị trường TP.HCM) cho biết, vừa chỉ đạo các quận huyện rà soát kiểm tra, thu hồi sản phẩm đồ chơi búp bê trái cây chứa chất độc. Theo đó, khi phân tích các mẫu sản phẩm này, kết quả cho thấy chúng có chứa hàm lượng chất phthalate vượt mức cho phép.
Sản phẩm búp bê đầu quả từng bị các nước châu Âu thu hồi, cấm nhập khẩu do chứa chất phthalate có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng nghiêm trọng quá trình phát triển trí não và gây vô sinh cho trẻ. Tại TP.HCM, nhiều cơ sở đã niêm phong hàng để trả lại cho đơn vị cung cấp, một số cửa hàng khác tuy không bày bán nhưng vẫn có hàng nếu khách hỏi mua.