Trong số chủ tịch nhà băng cổ phần tại Việt Nam, ông Trần Hùng Huy trẻ nhất và cũng trở thành nhân vật ít tuổi nhất tại ACB giữ vị trí số 1 tại ngân hàng này. So với những người tiền nhiệm, ông Huy non hơn về mọi mặt nhưng được coi là sự lựa chọn hợp lý nhất vào thời điểm được Hội đồng quản trị (HĐQT) chỉ định.
Năm 2012, khi vụ án bầu Kiên nổ ra, nhiều thành viên HĐQT ACB bị liên lụy; một số người còn lại không muốn nhận vị trí mà ông Trần Xuân Giá để lại. “Khi được đề nghị, ông Lương Văn Tự - thành viên độc lập trong HĐQT (người được coi là ứng viên tương tự ông Giá) đã từ chối”, cựu lãnh đạo cấp cao của ACB nói với Zing.vn.
Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy. Ảnh: Thời báo Kinh tế Sài Gòn |
Sự lựa chọn dành cho Trần Hùng Huy – thành viên trẻ tuổi nhất nhưng cũng là người duy nhất đứng ra gánh trách nhiệm đứng đầu một nhà băng lớn trong cơn bão tố chưa từng có trong lịch sử. “Nói thẳng ra thì việc là con ông Trần Mộng Hùng (người sáng lập ACB) giúp Huy trở thành lựa chọn lúc đó. Nhưng phải thấy rằng, việc ông Mộng Hùng đưa Huy đi lên từ nhân viên tại ACB nhiều năm trước, rồi vào HĐQT là một bước chuẩn bị dài, có chiến lược chứ không phải một cú nhảy vọt”, cựu lãnh đạo nói trên chia sẻ.
Ông này cho rằng, cú sốc bầu Kiên làm cán cân quyền lực tại ACB nghiêng hẳn về phía gia đình nhà sáng lập Trần Mộng Hùng, tạo cơ hội tốt để Trần Hùng Huy nối nghiệp sớm. Còn trước đó, vị chủ tịch không nắm giữ cổ phiếu ACB có vai trò như một trọng tài cho 2 thế lực ở nhà băng này.
Giữ ghế chủ tịch trong thời điểm bão tố, năm đầu tiên tổng tài sản của ACB sụt giảm hàng chục nghìn tỷ. Năm tiếp theo, tính đến hết quý III, tổng tài sản của nhà băng cổ phần từng giữ vị trí số 1 Việt Nam tiếp tục giảm thêm 50.000 tỷ nữa. Nếu chỉ nhìn vào số liệu này thì với các chuẩn mực về tăng trưởng trước đây, vị chủ tịch tuổi ngựa của ACB đang gây ra một thảm họa.
Thế nhưng, nếu phân tích kỹ hơn cơ cấu tổng tài sản, người ta sẽ thấy một bức tranh khác. Tiền gửi của ACB vẫn tăng đều đặn từ 125 nghìn tỷ đồng từ cuối năm 2012 lên 135 nghìn tỷ vào quý I/2013 và cứ đều đặn đà lên sau đó. Con số giảm mạnh nhất đến từ vàng – “của nợ” mà nhà băng này cần phải giải quyết trong giai đoạn ông Huy làm chủ tịch. Nếu như vào quý III/2012, ACB còn có 50.800 tỷ đồng nguồn vốn bằng vàng thì con số vào quý II/2013 còn lại không đáng kể, chỉ khoảng 1.000 tỷ đồng.
Ngoài việc giảm mạnh tổng tài sản, việc cắt tới cả nghìn nhân viên đồng thời giảm mặt bằng thu nhập tại ACB có thể coi là điểm đáng chú ý kể từ khi ông Huy giữ chức chủ tịch. Tính trong 9 tháng đầu năm 2013, lượng nhân viên của ACB giảm 1.300 người; thu nhập bình quân cũng giảm từ 16,8 triệu đồng/người/tháng vào quý III/2012, xuống 14,2 triệu 1 năm sau đó.
Tuy nhiên, đi kèm với những cắt giảm đau đớn, trong quý IV/2012, quý đầu của nhiệm kỳ chủ tịch, số lỗ 520,7 tỷ đồng quý 3/2012 của ACB giảm xuống 158,6 tỷ đồng. Sang năm 2013, hoạt động kinh doanh được cải thiện khi lợi nhuận sau thuế quý 1,2 và 3/2013 lần lượt đạt 307 tỷ đồng, 409,7 tỷ đồng và 400,8 tỷ đồng.
Chủ tịch Trần Hùng Huy trong một sự kiện của ngân hàng. Ảnh: ACB |
Mặc dù bị điều tiếng là “con ông, cháu cha” khi ngồi vào ghế Chủ tịch ACB, Trần Hùng Huy có một lý lịch ngân hàng rất tuần tự. Banker này tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại đại học Chapman, Hoa Kỳ, năm 2002; Tiến sĩ kinh tế tại đại học Golden Gate, Hoa Kỳ năm 2011. Ông Huy bắt đầu tại ACB là một chuyên viên nghiên cứu thị trường (2002-2004), được thăng chức giám đốc marketing (2004-2008), rồi Phó tổng giám đốc (2008) và vào HĐQT. Sau khi ông Trần Xuân Giá từ nhiệm năm 2013, ông Huy được HĐQT chỉ định làm Chủ tịch ACB.
Trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi vào giữa năm 2013 kể từ khi nhậm chức, ông Huy chia sẻ về lý do cắt giảm nhân viên cũng như góc nhìn riêng về sức ép với một chủ tịch ngân hàng trẻ tuổi. Bài phỏng vấn được thực hiện nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập ngân hàng, có tiêu đề “ACB trở lại yên chiến mã”. Điều trùng hợp ngẫu nhiên là ông Huy cũng tuổi ngựa (1978) và 2014 là năm tuổi của Chủ tịch ACB.
Ông Huy nói: “Chính sách nhân sự mà chúng tôi đang áp dụng chưa thể là vẹn toàn, công bằng nhất nhưng là cách hài hòa nhất có thể. Vì chỉ với sự ‘hài hòa nhất có thể này’, toàn thể cán bộ và nhân viên của ACB phải cắt giảm thu nhập, ACB mới giữ được nguyên tắc hành xử của mình, giảm bớt thiệt hại cho những đối tượng dễ tổn thương”. Vị chủ tịch trẻ tuổi cho rằng những quyết định khó khăn như cắt giảm nhân sự, hạ lương… là để ACB có thể “quay trở lại yên chiến mã” (vị trí ngân hàng cổ phần số 1 Việt Nam).
Con trai người sáng lập nhà băng chia sẻ: “Từ bên trong ACB nhìn ra bên ngoài, thử thách thú vị nhất không phải là áp lực của ‘cái ghế’ hay vị trí tại một thời điểm của bất kỳ cá nhân nào, mà là con đường, hướng phát triển bền vững của ACB, trong đó có cá nhân tôi và những thành viên khác của đại gia đình ACB”.
Thêm vào đó, Trần Hùng Huy không cho rằng mình đang tiếp quản hay đón nhận ACB vì: “Từ rất lâu tôi đã là một thành viên của ACB. Tôi đã có những trải nghiệm sâu sắc cùng ACB qua nhiều vị trí làm việc”.
Trao đổi với Zing.vn, cựu lãnh đạo một ngân hàng lớn tại Sài Gòn nhận xét, ACB trải qua một “cuộc bể dâu” và hiệu quả kinh doanh được cải thiện là điểm sáng. Bên cạnh đó, những yếu tố tiêu cực từ vụ bầu Kiên đã bộc lộ hết và được dự phòng rủi ro nên tình hình của nhà băng này sẽ ngày càng sáng hơn. “Trong những kết quả đó, Trần Hùng Huy có vai trò nhất định nhưng dấu ấn cá nhân không nhiều bởi ở đó vị trí của ông Trần Mộng Hùng (bố của Huy và là người sáng lập ngân hàng) cũng như nhiều lãnh đạo có kinh nghiệm khác sẽ lớn hơn. Chủ tịch trẻ tuổi của ACB cần thêm thời gian để có được vị thế như bố của mình dù giờ đây cậu ấy cũng có quyền to với 3 thành viên trong cùng gia đình ở HĐQT”.